Đột phá vì lợi ích của dân

Xây dựng, kiện toàn chính quyền của dân nhằm phục vụ người dân tốt hơn luôn là mong ước của xã hội. Đột phá và sáng tạo phù hợp tính chất đặc thù riêng của thành phố lớn nhất nước thể hiện qua Đề án Xây dựng chính quyền đô thị tại TP.Hồ Chí Minh đang được bàn thảo kỹ lưỡng chính là sự tiếp nối, kế thừa lịch sử xây dựng, kiện toàn hoạt động chính quyền địa phương của Nhà nước ta trong gần 70 năm qua. Nguyên tắc thiết lập bộ máy hành chính phục vụ, thoát khỏi lối mòn rập khuôn, máy móc vốn dĩ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác lập từ buổi bình minh xây dựng Nhà nước mới của nhân dân.

Đề án Thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị

tại TP.Hồ Chí Minh là một trong những sáng tạo

có tính đột phá đã được thành phố chuẩn bị từ nhiều năm nay

Ảnh: Minh Hiền

Ngay trong năm 1945, Chính phủ đã sớm ban hành sắc lệnh quy định mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở địa bàn nông thôn (Sắc lệnh số 63) và mô hình tổ chức chính quyền ở đô thị (Sắc lệnh số 77). TP.Hồ Chí Minh với tính chất đặc thù của đô thị lớn nhất nước, từ lâu đã đặt ra nhu cầu đổi mới mô hình chính quyền địa phương đáp ứng chức năng phục vụ người dân phải tốt hơn hiện tại. Đề án Thí điểm mô hình chính quyền đô thị gồm cấp chính quyền TP.Hồ Chí Minh có đầy đủ HĐND và UBND trực thuộc Trung ương đóng vai trò chính quyền cấp trên cơ sở bao trùm toàn bộ thành phố gồm 13 quận nội thành (có sự tương đồng về kết cấu hạ tầng và kết cấu xã hội) và 4 thành phố "vệ tinh” khu vực Đông, Tây, Nam, Bắc mới thành lập trực thuộc. Tại các quận sẽ có các cơ quan đại diện của chính quyền đô thị TP.Hồ Chí Minh là các ủy ban hành chính đứng đầu bởi chủ tịch (hoặc quận trưởng) do Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh bổ nhiệm và bãi nhiệm. Dưới quận có đơn vị hành chính phường tổ chức cơ quan đại diện dưới hình thức ủy ban hành chính, có chủ tịch hay trưởng phường do người đứng đầu cấp quận bổ nhiệm và bãi nhiệm. Bên cạnh đó, 4 thành phố mới (Đông, Tây, Nam, Bắc) trực thuộc chính quyền TP.Hồ Chí Minh sẽ là cấp chính quyền cơ sở đầy đủ HĐND và UBND. UBND các thành phố trực thuộc này do HĐND cùng cấp bầu và UBND TP.Hồ Chí Minh phê chuẩn. Người đứng đầu UBND tại 4 thành phố trực thuộc gọi là chủ tịch hoặc thị trưởng có bậc lương tương đương Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh. Các thành phố trực thuộc này tổ chức thành các phường có người đứng đầu các phường do UBND các thành phố trực thuộc đó bổ nhiệm và bãi nhiệm.

Như vậy, đây là một mô hình chính quyền đô thị hoàn toàn mới cho TP.Hồ Chí Minh rộng lớn với đặc điểm vừa đô thị vừa nông thôn và cả những khu vực đang đô thị hóa từng ngày. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Hải đã nhấn mạnh yêu cầu: "Thước đo của việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở TP.Hồ Chí Minh chính là ở chỗ chính quyền đó có thực sự là của dân, do dân và vì dân hay không; có khắc phục được tình trạng quan liêu, cửa quyền, xa dân hay không. Đồng thời, chính quyền phải tổ chức như thế nào để người dân thành phố dễ tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công một cách thuận tiện nhất”.

Việc thiết kế lại bộ máy hành chính gọn nhẹ, phân cấp rõ ràng theo cơ chế của chế độ thủ trưởng để hoạt động hiệu quả hơn là mục tiêu đang được kỳ vọng ở mô hình chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm TP.Hồ Chí Minh. Hoạt động quản lý hành chính nhà nước ở các đô thị luôn khẩn trương, liên tục để giải quyết các vấn đề phát sinh hằng ngày, hằng giờ của đời sống xã hội công nghiệp. Đặc điểm đó sẽ không phù hợp với lề lối công quyền mang nặng thủ tục theo kiểu chờ đợi cả tập thể ngồi họp bàn bạc, biểu quyết rồi mới ra quyết định. Khi cần xử lý những sự cố bất thường thì đòi hỏi thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước trong phạm vi thẩm quyền phải quyết đoán, năng động, dám làm và tự chịu trách nhiệm. Montesquieu và Rousseau, những nhà khai sáng ở Thế kỷ 18 đã sớm khẳng định rằng: "Quyền hành pháp - do đặc thù của nó - cần giao cho một cá nhân”. Bản chất của cơ quan hành chính nhà nước mang tính chấp hành, điều hành nên cần ứng phó nhanh chóng, đúng lúc với những diễn biến phức tạp, gấp rút theo chế độ thủ trưởng mới phù hợp. Với đời sống xã hội đô thị vận động nhanh chóng thì yêu cầu về ứng phó trong điều hành và năng lực phục vụ người dân phải đáp ứng được những đòi hỏi khẩn trương cấp bách. Mặc dù vậy, bên cạnh việc đáp ứng được yêu cầu giải quyết công việc nhanh chóng và dễ quy trách nhiệm cá nhân thì chế độ thủ trưởng cũng luôn tiềm ẩn khả năng lạm quyền và sai lầm trong quá trình ra quyết định. Vấn đề này đã khiến không ít ý kiến băn khoăn trong quá trình xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Bởi vậy, chế độ thủ trưởng trong bộ máy hành chính vận hành hữu hiệu - thiết nghĩ - phải gắn liền với những quy định rành mạch của pháp luật về quy trình bổ nhiệm hoặc bầu người đứng đầu thật chặt chẽ cũng như phải quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ báo cáo, giải trình, trách nhiệm của người đứng đầu và phải đảm bảo cơ chế giám sát, kiểm tra, xử lý với các vi phạm của người đứng đầu, nhất là cơ chế giám sát của nhân dân.

Nhà nước pháp quyền và nền kinh thế thị trường định hướng XHCN ở nước ta đang đòi hỏi phân cấp mạnh cho địa phương vẫn trong khuôn khổ của nguyên tắc tập trung quyền lực, nhưng bảo đảm yêu cầu về tính độc lập và khả năng tự quản của địa phương. Nhu cầu đổi mới nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời phát huy quyền chủ động, sáng tạo và tăng cường trách nhiệm của từng địa phương hiện nay đang đặt ra yêu cầu mới trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Và, Đề án Thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại TP.Hồ Chí Minh là một trong những sáng tạo có tính đột phá đã được thành phố chuẩn bị từ nhiều năm nay. Sự đột phá ấy đóng vai trò mở lối để các cấp chính quyền cơ sở gia tăng chất lượng phục vụ người dân, để nguyên tắc chính quyền phải thực sự của nhân dân không chỉ là khẩu hiệu.

Chu Ninh

Sẽ tổ chức lấy ý kiến của người dân

Ngày 10-8, Hội đồng nhân dân thành phố (HĐNDTP) đã tổ chức Hội nghị nghe báo cáo Đề án Thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh. Tại hội nghị, ông Trương Văn Lắm- GĐ Sở Nội vụ đã báo cáo với HĐND các nội dung chính của Đề án. Theo đó đây là mô hình chuỗi đô thị với 1 đô thị trung tâm và 4 đô thị vệ tinh, về cấp chính quyền thì tổ chức cấp chính quyền không đồng nhất: đô thị trung tâm 1 cấp chính quyền, còn lại 2 cấp chính quyền.

Một số đại biểu bày tỏ băn khoăn đặt vấn đề cần làm rõ người dân bị ảnh hưởng như thế nào, người dân được lợi ra sao khi thí điểm chính quyền đô thị?

Nói như ông Trần Tấn Ngời – Phó Chủ tịch UBMTTQ TP.Hồ Chí Minh thì, Nhà nước là của dân, do dân, vì dân, vì vậy nên lấy ý kiến của người dân về xây dựng chính quyền đô thị chứ không chỉ lấy ý kiến của các sở ngành, các tổ chức. Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh sau hội nghị này, HĐND và các Ban của HĐND sẽ tổ chức nhiều hội nghị để lắng nghe các ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia và sẽ tổ chức lắng nghe ý kiến của nhân dân với những hình thức thích hợp. "Sau các kỳ hội nghị đó, HĐND TP sẽ triệu tập một cuộc họp bất thường để cho ý kiến về Đề án”, bà Quyết Tâm kết luận.

BẢO HẠNH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=68008&menu=1384&style=1