Đồng xanh trong nắng hạn

Vừa cuốc dặm lại ruộng lúa giữa trưa sau hơn 10 ngày sạ, bà Thị Khai ở ấp Bù Tam, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp vừa cho hay: 'Bây giờ chỉ có tháo nước cho cây lúa khỏi ngập. Mương nước ở đằng kia, nó chảy suốt ngày nên không còn sợ thiếu nước nữa! Những năm trước, muốn làm lúa vụ hai thì phải nối ống bơm từ ao lên, có năm được ăn, có năm không vì không có nước. Bây giờ thì không còn lo chuyện thiếu nước nữa. Năm vừa rồi nhà mình làm được 3 vụ lúa. Vụ mùa vừa rồi, 7 sào ruộng của mình thu được 70 bao'.

NIỀM VUI TRONG NẮNG

Đồng ruộng ấp Bù Tam, xã Hưng Phước rộng chừng 50 ha nằm sau con đập vừa mới hoàn thành tích nước phục vụ tưới tiêu trong năm 2023. Mặc dù đang cao điểm mùa khô nhưng các nông hộ đồng bào S’tiêng ở ấp Bù Tam vẫn xuống giống cho vụ mùa đầu tiên trong năm. Canh tác cây lúa trên cánh đồng này đã hơn 40 năm, bà Thị Khai cũng như người dân trong ấp Bù Tam cảm nhận rất rõ giá trị nguồn nước từ kênh mương nội đồng thuộc công trình thủy lợi Bù Tam đối với ruộng lúa như thế nào. Trước đây, cánh đồng này chỉ làm được 1 vụ trong năm. Những nông hộ chịu khó thì làm được 2 vụ nhưng phụ thuộc thời tiết có mưa hay không. Còn hiện tại, đồng bào ấp Bù Tam đã làm được 3 vụ lúa trên cánh đồng từ thuở xa xưa của mình. Không chỉ 3 vụ, năng suất lúa của đồng bào cũng tăng từ 2,5 tấn/ha lên 5 tấn/ha. Đó là kết quả rõ rệt, nhìn thấy và cầm nắm được của đồng bào S’tiêng thuộc ấp Bù Tam đối với công trình thủy lợi Bù Tam. Công trình được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 51 tỷ đồng, dung tích hồ chứa 2,8 triệu mét khối. Đi cùng với công trình hồ đập còn có 4,5km kênh mương nội đồng dẫn nước tưới tiêu cho 295 ha đất nông nghiệp. Chính từ kênh mương nội đồng và hồ đập này đã giúp toàn bộ diện tích lúa nước cũng như các loại cây trồng khác trên địa bàn xã Hưng Phước không còn đối diện với khô hạn mỗi khi mùa khô đến.

Với việc đầu tư hệ thống kênh mương nối dài từ công trình thủy lợi sau Cần Đơn giúp người dân ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp có nguồn nước dồi dào phục vụ sản xuất lúa

Tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện Bù Đốp hiện có 23.602 ha, trong đó cây lâu năm 19.126 ha, cây hằng năm 4.476 ha. Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 99,6%. Trong năm 2023, ngành nông nghiệp huyện đã triển khai 26 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi với 1.027 nông dân tham dự; tư vấn kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây trồng cho 1.960 lượt người dân; cấp phát vật tư cho 20 hộ thực hiện mô hình trình diễn điều, tiêu, sầu riêng và hoa thiên lý.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, nhà nông Trần Văn Bình ở ấp Thanh Tâm, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp ráng cày cho xong 2 sào đất để chuẩn bị tỉa bắp sau 2 vụ lúa. “Mình xen canh rau màu để kiếm thêm thu nhập thay cho cây lúa. Chỉ có mùa này mới trồng được rau màu vì không sợ ngập úng. Mùa mưa, vùng đất này thường bị ngập nên chỉ trồng lúa là thích hợp. Còn mùa khô trồng rau màu thu nhập cao hơn. Nguồn nước thì có công trình thủy lợi sau Cần Đơn nên không sợ thiếu nước tưới. Không chỉ nước tưới tiêu, ngay cả nước sinh hoạt, người dân ở đây cũng nhờ vào nguồn nước từ công trình thủy lợi sau Cần Đơn” - lão nông Trần Văn Bình cho hay.

Tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện Bù Đốp hiện có hơn 23.600 ha. Mặc dù đang cao điểm mùa khô, toàn bộ diện tích đất gieo trồng trên địa bàn huyện vẫn đảm bảo đủ nước tưới. Để chủ động nguồn nước tưới tiêu trong cao điểm mùa khô, ngay từ đầu năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp phòng, ban của huyện đã xây dựng các phương án chống hạn. Đặc biệt là tuyên truyền để người dân chủ động tưới tiết kiệm và tích trữ nước ngay từ cuối mùa mưa.

HỒ ĐẬP HÓA ĐỒNG XANH

Bù Đốp hiện có 7 công trình hồ đập thủy lợi phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt của người dân. Để phát huy hiệu quả các công trình, những năm gần đây, Bù Đốp đã chủ động nạo vét lòng hồ và tích cực xây dựng, khơi thông hệ thống kênh mương nội đồng dẫn nước đến đồng ruộng. Ngoài công trình thủy lợi hồ đập Bù Tam mới đưa vào hoạt động và phát huy tác dụng ngay trong mùa khô, còn có công trình thủy lợi đập tràn M26 ở ấp Điện Ảnh, xã Phước Thiện. Sau hơn 10 năm xây dựng, công trình đã bị bồi lắng không thể phát huy tác dụng trong mùa khô. Đặc biệt năm 2016, cơn hạn lịch sử đi qua làm con đập khô cạn, ruộng lúa, cây trồng trên lưng đồi thuộc xã Phước Thiện rơi vào cảnh khô héo do thiếu nước tưới.

Bà Thị Khai đang dặm vụ lúa đông xuân trên cánh đồng thuộc ấp Bù Tam

Trước thực trạng đó, năm 2017, huyện Bù Đốp đã đầu tư nạo vét, nâng cấp dung tích hồ chứa lên 200.000m3 và xây mới 1,64km kênh mương nội đồng để phục vụ tưới tiêu cho 40 ha ruộng lúa trên địa bàn xã Phước Thiện. Nhờ vậy, hơn 33 ha ruộng lúa của ấp Điện Ảnh, xã Phước Thiện nâng từ 1 lên 3 vụ trong năm. Đối với công trình thủy lợi sau Cần Đơn, huyện Bù Đốp cũng đầu tư xây mới 6km kênh mương nội đồng nối dài, nâng tổng chiều dài kênh mương nội đồng của công trình thủy lợi sau Cần Đơn lên 25km, phục vụ tưới tiêu cho gần 3.000 ha cây trồng trên địa bàn các xã Thanh Hòa, Tân Thành và Tân Tiến.

“Ngay từ đầu năm, chúng tôi tập trung tuyên truyền, vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến trong canh tác nông nghiệp, nhất là hệ thống tưới thông minh trong sản xuất để người dân chủ động ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu”.

Ông TRẦN VĂN THÀNH, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp

Trong năm 2023, toàn huyện đã tu sửa, nạo vét 17,8km kênh mương nội đồng trên địa bàn các xã Tân Tiến, Thanh Hòa, Hưng Phước, Thiện Hưng và thị trấn Thanh Bình. Huyện Bù Đốp hiện có 7 xã, thị trấn đều có nguồn nước tưới tiêu từ các công trình thủy lợi đưa tới đồng ruộng. Đi cùng giải pháp nâng cao chất lượng các công trình thủy lợi, huyện còn đẩy mạnh công tác đầu tư, vận động người dân lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm để phát huy tối đa hiệu quả trong canh tác nông nghiệp. Việc lắp đặt hệ thống tưới thông minh không chỉ giúp người dân tiết kiệm được nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp mà còn nâng cao giá trị cho nông sản. Đặc biệt, trước hiện tượng biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường, hệ thống tưới thông minh còn giúp người dân chủ động ứng phó nắng hạn trong mùa khô. Nhờ vậy, ngay trong cao điểm mùa khô, những cánh đồng trên địa bàn huyện Bù Đốp vẫn ngút ngàn xanh trong nắng cháy chói chang.

Đông Kiểm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/154971/dong-xanh-trong-nang-han