Dòng vốn ngoại mới đang đổ mạnh vào Việt Nam

Nhiều người vẫn đặt câu hỏi rằng bao giờ làn sóng FDI lần thứ 4 xuất hiện. Dù chưa có chính xác thời điểm của dự báo này nhưng có một thực tế rõ ràng, vốn FDI mới vẫn đang đổ mạnh vào Việt Nam.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy rõ điều này. Tính đến 20/3/2024, cả nước có 644 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt 4,7 tỷ USD, tăng 23,4% về số dự án và tăng 57,9% về số vốn so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Tấp nập đoàn xúc tiến đầu tư tới Việt Nam

Theo bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê), vốn FDI đang tập trung vào các trung tâm công nghiệp lớn, có lợi thế thu hút FDI. 10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất chiếm 75% dự án đăng ký mới.

Vốn FDI mới đang đổ mạnh vào Việt Nam.

Những tháng đầu năm nay, dồn dập các đoàn xúc tiến đầu tư tới Việt Nam. Cuối tháng 3 vừa qua, 15 tỷ phú đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Thụy Điển, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã dự hội nghị xúc tiến đầu tư tại Bình Định. Tại hội nghị, các bên các ký kết ghi nhớ hợp tác nhiều thỏa thuận về đầu tư.

Nhiều tập đoàn nước ngoài cũng đang tiến hành đầu tư lớn vào Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn Victory Giant Technology của Trung Quốc quyết định đầu tư dự án nghiên cứu, phát triển sản xuất và kinh doanh bảng mạch có độ chính xác cao với vốn đầu tư hơn 800 triệu USD, tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh 2.

Trước đó, hồi trung tuần tháng 3/2024, hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ tới Việt Nam. Đây là đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ khi 2 quốc gia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Tham gia đoàn công tác, đại diện các tập đoàn lớn của Mỹ khác như AES, Coca-Cola, KKR… cũng khẳng định các kế hoạch đầu tư tại Việt Nam. Trong số này, AES đặc biệt quan tâm đến chuỗi dự án khí - điện Sơn Mỹ. Hàng tỷ USD dự kiến được AES cùng các đối tác đổ vào chuỗi dự án này, đồng nghĩa là hàng tỷ USD đang chờ đợi thời cơ thuận lợi để đổ vào Việt Nam.

Bình luận về “sức hút” của Việt Nam, Ngân hàng HSBC vừa công bố kết quả khảo sát 600 doanh nghiệp với doanh thu hàng năm ít nhất 150 triệu USD tại 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN. Theo đó, một nửa số doanh nghiệp được hỏi muốn chọn Việt Nam là thị trường mới để kinh doanh và đầu tư. 3 quốc gia trong khu vực quan tâm nhất đến việc mở rộng tại Việt Nam là Thái Lan (66%), Malaysia (58%) và Indonesia (55%).

Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng doanh nghiệp của HSBC Việt Nam, đánh giá, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Theo nghiên cứu của HSBC, đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới và thu hút ngày càng nhiều vốn FDI.

Tìm cách thu hút thêm nhà đầu tư công nghệ cao

Tính đến hết tháng 3, Việt Nam đã thu hút gần 500 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ khắp thế giới. Các chuyên gia đánh giá FDI sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam trong tương lai.

Theo ông Ahmed Yeganeh, hai yếu tố nổi bật giúp Việt Nam hút FDI mạnh mẽ là nền kinh tế tiêu dùng ngày càng tăng trưởng và các chính sách hiệu quả của Nhà nước. Dự kiến, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ chiếm 26% dân số vào năm 2026, thúc đẩy nền kinh tế tiêu dùng của quốc gia.

Trong khi đó, bà Đinh Thị Tâm Hiền, nguyên tham tán Kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết tại Việt Nam đã xuất hiện hầu hết doanh nghiệp lớn nhất của Hàn Quốc như Samsung; LG Electronics; Hyundai; CJ ; Lotte; SK; SHINHAN; Namyang, Hanwha … với những dự án khổng lồ. Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. “Kỳ vọng làn sóng đầu tư mới của Hàn Quốc vào Việt Nam đang xuất hiện”, bà nói.

Ở góc độ là nhà đầu tư cũ, ông Ko Tae Yeon, Tổng giám đốc Heesung Electronics Việt Nam, khi thông tin về kế hoạch mở rộng đã chia sẻ: “Chúng tôi không thể chia sẻ quá nhiều vào thời điểm này vì chúng tôi vẫn đang trong quá trình đàm phán, nhưng có điều chắc chắn rằng, trong thời gian tới nhiều doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Vì vậy, tôi nghĩ sẽ có nhiều cơ hội ở đây và công ty chúng tôi vẫn đang cố gắng mở rộng và nắm bắt cơ hội này. Trong ngắn hạn, chúng tôi có thể cam kết rằng sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất ở Hải Phòng”.

Kể về thời điểm ban đầu khi lựa chọn Việt Nam, ông Ko Tae Yeon cho hay họ phải mất hơn một năm để chọn quốc gia. Vào thời điểm đó, họ đã phân tích những ưu và nhược điểm giữa Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Myanmar.

“Chúng tôi so sánh dân số, chính sách của Chính phủ, môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng và thấy rõ ràng Việt Nam chính là nơi lý tưởng. Và tôi biết rằng nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác hiện cũng đang thực hiện loại nghiên cứu khả thi tương tự như vậy”, ông Ko Tae Yeon chia sẻ.

Về câu hỏi làm thế nào Việt Nam có thể thu hút thêm nhà đầu tư công nghệ cao, Tổng giám đốc Heesung Electronics Việt Nam, cho rằng: Việt Nam có chiến lược rất rõ ràng về đối tượng và mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng thành thật chia sẻ thì những chính sách ưu đãi vẫn chưa thực sự hấp dẫn.

"Chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động đào tạo, đặc biệt là đối với sinh viên trẻ, nhưng cơ chế này vẫn chưa đủ mạnh. Do vậy, việc đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao rất cần được chú trọng", ông Ko Tae Yeon nói .

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/dong-von-ngoai-moi-dang-do-manh-vao-viet-nam-1099131.html