ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP: CHUYỂN HÓA TIỀM LỰC THÀNH THỰC LỰC, SỨC MẠNH QUỐC PHÒNG

Sáng 25/1, tại thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã dự và chỉ đạo Tọa đàm 'Thực trạng hoạt động động viên công nghiệp và việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về động viên công nghiệp'. Cuộc Tọa đàm này do Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức nhằm phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh. Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh điều hành Tọa đàm.

Toàn cảnh Tọa đàm

Tham gia Tọa đàm có các đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh gồm: Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Trung tướng Đỗ Quang Thành và Trung tướng Trần Ngọc Khánh. Các Ủy viên Thường trực Ủy ban gồm: Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng. Cùng tham gia Đoàn công tác có đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy ban chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Về phía Ban soạn thảo Luật, Bộ Quốc phòng, tham gia Đoàn công tác có Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, đại diện Cục Quân lực, Vụ Pháp chế…

Dự Tọa đàm, về phía Bộ Tư lệnh Quân khu 5 có Thiếu tướng Lê Ngọc Hải, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu; đại diện lãnh đạo, các ban ngành, Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng; cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (CNQPAN và ĐVCN). Để phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy ban tổ chức 3 cuộc tọa đàm kết hợp khảo sát tại 3 miền để có thêm cơ sở lý luận chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn, báo cáo UBTVQH tại Phiên họp thứ 30 (tháng 2/2024); đồng thời cung cấp thông tin cho các vị ĐBQH trong quá trình cho ý kiến về dự án Luật này. Tọa đàm tại thành phố Đà Nẵng là cuộc Tọa đàm đầu tiên với chủ đề “Thực trạng hoạt động động viên công nghiệp và việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về động viên công nghiệp”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, động viên công nghiệp (ĐVCN) là 1 trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật, được nâng lên từ Pháp lệnh ĐVCN năm 2003. Động viên công nghiệp là một nội dung của động viên quốc phòng, thể hiện quan điểm của Đảng ta về chiến tranh nhân dân, phương thức chuẩn bị và tiến hành chiến tranh nhân dân. Đây là một giải pháp quan trọng nhằm chuyển hóa tiềm lực, khả năng thành thực lực, sức mạnh quốc phòng; chuẩn bị thế và lực sẵn sàng tiến hành thắng lợi chiến trang nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Tọa đàm của Ủy ban Quốc phòng và An ninh tại thành phố Đà Nẵng

Tại cuộc Tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia cho rằng, Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng còn những hạn chế về phạm vi, đối tượng, chính sách chưa phù hợp, nên việc ĐVCN còn khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Chẳng hạn như tại tỉnh Thừa-Thiên Huế, năng lực của các doanh nghiệp còn hạn chế để tham gia động viên công nghiệp, không tổ chức được diễn tập động viên công nghiệp. Việc điều chỉnh nâng các quy định từ Pháp lệnh lên thành luật là cần thiết để ĐVCN hiệu quả hơn, trong đó, cần mở rộng phạm vi, đối tượng, các loại hình doanh nghiệp động viên, đặc biệt là cần xây dựng các cơ chế, chính sách thuận lợi về vốn, thuế, đất đai, nguồn lực cho doanh nghiệp tham gia ĐVCN.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, cần làm rõ nguyên tắc ĐVCN, xác định được phạm vi để ĐVCN đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc nghiên cứu, thiết kế các quy định cần nghiên cứu để tránh chồng lấn với các luật như: Luật Phòng thủ dân sự, Luật Quốc phòng. Động viên công nghiệp không chỉ thực hiện trong thời chiến mà cần đảm bảo ngay cả trong thời bình, để chuẩn bị từ sớm, từ xa. Bên cạnh việc thiết kế các cơ chế, chính sách nổi trội nhằm thu hút, bảo đảm quyền lợi doanh nghiệp tham gia, cũng cần quy định chế tài xử lý. Các ý kiến tại cuộc Tọa đàm cũng đề nghị cần nghiên cứu ĐVCN trong mối quan hệ với diễn tập khu vực phòng thủ. Việc khảo sát, lựa chọn, đăng ký, quản lý, theo dõi năng lực doanh nghiệp đủ điều kiện ĐVCN cần bảo đảm cải cách thủ tục hành chính, khả thi, sát với yêu cầu của ĐVCN nhưng cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo Tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức cuộc Tọa đàm nhằm ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và nhà khoa học trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về ĐVCN nói riêng cũng như tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật CNQPAN và ĐVCN nói chung. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Thường trực Ủy ban tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến để hoàn thiện các quy định, chính sách, vừa đảm bảo khả thi, sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ĐVCN theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước./.

Trân trọng giới thiệu mộ số hình ảnh tại Tọa đàm:

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu khai mạc, đề dẫn Tọa đàm

Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu ý kiến

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh góp ý về chính sách, pháp luật về ĐVCN

Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa-Thiên Huế đóng góp ý kiến

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đóng góp ý kiến về ĐVCN

Đại tá Hoàng Hải Đăng, Trưởng phòng Động viên, Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu phát biểu làm rõ một số nội dung về ĐVCN

Khắc Phục

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=84390