Dòng vàng trắng - 'qua miền Tây Bắc'

Tôi đã từng nhiều chuyến đi công tác ở Tây Bắc. Mỗi chuyến đi là đầy ắp những kỷ niệm không phai về đất và người ở phía Tây Tổ quốc. Nhưng chuyến đi này tôi có cảm giác khác lạ, như một điều gì đó trào dâng, niềm vui cứ nhân lên mãi trong lòng khôn nguôi...

Người lao động ở vùng Tây Bắc thu hoạch mủ caosu. Ảnh: T.N

Gùi lên cổng trời những cánh rừng caosu

Xe dừng lại ăn trưa ở Xuân Mai - thức ăn có gà đồi, lợn bản và măng luộc chấm muối vừng - hương vị miền Tây Bắc. Lên Lương Sơn (Hòa Bình) đồi núi chập chùng - đến Tây Bắc rồi! Tôi lẩm nhẩm bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Thành “Qua miền Tây Bắc” - sáng tác “để đời” của ông trong kháng chiến chống Pháp. “Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa/ Suối sâu đèo cao, bao khó khăn ta vượt qua...”.

Từ những bài hát như thế này, cha ông chúng ta - cả dân tộc đã làm nên “9 năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” (Tố Hữu). Đang nghĩ miên man về 9 năm kháng chiến…, bất chợt tôi nghĩ về những đổi thay của miền Tây Bắc hôm nay. Một trong những điều làm nên đổi thay mang nhiều hứa hẹn của miền đất này, không thể không nói đến sự có mặt của cây caosu.

9 năm cây caosu lên miền Tây Bắc. Bao cán bộ của ngành caosu vượt qua bao khó khăn thách thức lên sống với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, vận động góp đất trồng caosu.

Chuyện như chưa từng, 9 năm sau đã trở thành sự thật: 28.000ha caosu đang và sẽ vào mùa mở dòng nhựa. Bài hát này tôi muốn hát to lên để cảm nhận, bỏ hết mọi điều để suy tưởng về sự tương đồng của tình đất, tình người và tình cây ở xứ sở này.

Thấm thoắt mà đã 9 năm, cây caosu cắm rễ sâu trên các nẻo núi đồi miền Tây Bắc - Đông Bắc của tổ quốc. Những dòng nhựa đầu tiên bắt đầu tuôn chảy trong sự ngỡ ngàng và hân hoan của đồng bào các dân tộc và lãnh đạo chính quyền sở tại. Tôi nhớ mãi lời của nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang khi lên thăm caosu Tây Bắc “Điều chúng ta trăn trở nhiều nhất là chưa làm gì được cho vùng Tây Bắc. Những cái nôi của cách mạng đã chịu rất nhiều hy sinh, mất mát trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Vì vậy trồng cây caosu lên Tây Bắc chính là hành động đền ơn đáp nghĩa…”.

Thật vậy, 53 năm sau ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chưa có loại cây gì định vị được trong cuộc sống và tập quán canh tác các dân tộc tại Tây Bắc. Vẫn nương lúa, nương ngô mỗi năm một vụ, đồng bào vẫn gian nan đói nghèo trong cuộc sống. Cây caosu được trồng đầu tiên tại Bản Tìn - Ít Ong - Mường La - Sơn La năm 2007 với hy vọng là cây xóa đói giảm nghèo. Những tưởng như một giấc mơ, song thực tiễn không hề đơn giản như thế.

Để lên đến tận nơi dang đôi bàn tay đo vòng cây caosu, chiếc xe Fortuner 2 cầu chở chúng tôi vòng vèo lên đèo xuống dốc cả tiếng đồng hồ. Đứng trên rừng caosu mây phủ nhìn xuống bản làng thăm thẳm, tôi mới thấu hiểu nỗi vất vả, gian truân của bao công nhân người Thái, Mường, Tày, Mông, Dao… Họ đã gùi lên cổng trời những cánh rừng caosu suốt 4 mùa sau 9 năm ròng để có ngày hôm nay.

Nơi đây trước kia là nương rẫy, trồng lúa, trồng ngô một năm một vụ của họ, nay góp đất cùng công ty trồng caosu - họ đã trở thành công nhân từ đó. Chăm chút từng chồi non qua bao cái rét cắt da, mưa nguồn xối xả, lũ ống, lũ quét hay nắng cháy như thiêu và hôm nay cầm cây dao cạo mủ khơi những dòng nhựa trắng ngần mà lòng vui khôn tả. Cây caosu trồng ở Tây Bắc đã cho những dòng nhựa đầu tiên trả lời câu hỏi của nhiều người - có mủ không? Nhiều không?

Chúng tôi đến đội Ít Ong thuộc bản Tìn, Mường La, Sơn La đã thấy từng cục mủ được đánh đông vàng óng chất đống chờ vận chuyển bán tươi. Anh Hà Văn Khương - thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Caosu VN - cho biết: qua khảo sát sản lượng khai thác vườn cây mới đưa vào cạo tại Cao su Sơn La năng suất đạt 6 tạ/ha, khả năng đạt 1,5 tấn trong suốt chu kỳ là trong tầm tay. Độ cao, thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng ở đây năng suất đạt như vậy là kỳ vọng.

Nhìn những hàng cây caosu mới mở miệng cạo từ vật tư kiềng, chén, máng, màng che mưa… tôi cứ ngỡ vườn cây của các công ty ở miền Đông Nam Bộ hay Tây Nguyên. Anh phụ trách kỹ thuật nói với tôi rằng đó là một sự cố gắng lớn của anh em công nhân các dân tộc ở đây. Những ngày đầu mở lớp đào tạo khổ nhất là học lý thuyết, anh em học vấn còn hạn chế nên tiếp thu chậm và không hiểu. Thôi thì lấy thực hành bù lại, liên tục uốn nắn, nhờ vậy được như hôm nay. Đây chính là số “thầy” cho những lớp công nhân khác của vườn cây mở các năm tiếp theo.

Ươm giống cây caosu. Ảnh: T.N

Xây dựng cuộc sống ấm no, vươn lên làm giàu

Chiều ấy tôi được dự buổi họp mặt thân mật giữa bà con công nhân người Thái - Mường - Mông với lãnh đạo tỉnh Sơn La và lãnh đạo Tập đoàn. Bà con rất đông, đặc biệt các già làng là cựu chiến binh, áo quần chỉnh tề, ngực đầy huân, huy chương. Anh em công nhân áo quần phòng hộ mới tinh.

Tôi lắng nghe Trưởng bản Lò Văn Tuấn cũng là công nhân phát biểu: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước, tỉnh, Tập đoàn và công ty đưa cây caosu lên bản Tìn, bà con có công ăn việc làm, nhiều hộ đã thoát nghèo, bộ mặt của bản Tìn hôm nay đổi mới, nhà của bà con công nhân khang trang, có trường học, nhà văn hóa, sân thể thao...”.

Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Caosu VN, ông Trần Ngọc Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn - đã trao đổi thẳng thắn đầy tình cảm và trách nhiệm với bà con. Ông khẳng định: việc mở cạo vườn cây ở Sơn La và các đơn vị khác trong thời gian qua và sắp tới là thành công bước đầu của một chủ trương, một quyết tâm mang tính đột phá của lãnh đạo Tập đoàn suốt 9 năm qua.

Ông chỉ đạo, các đơn vị ở Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng phải quan tâm đến đời sống của công nhân, ngoài thu nhập từ tiền lương, cần tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế gia đình tăng thêm thu nhập... Ông vừa dứt lời tiếng vỗ tay đầy rạo rực, từng khuôn mặt rạng ngời xua đi bao lo toan vất vả của bà con bản Tìn.

Tan buổi họp mặt, chúng tôi xuống dự và tặng quà cho các cháu mẫu giáo dự hội đêm rằm. Anh Quý - Chủ tịch Công đoàn công ty - cho biết: Bản có 4 lớp, 95 cháu là dân tộc Thái học cả ngày, công ty, công đoàn và cha mẹ mỗi ngày chi 12.000đ ăn 3 bữa tại trường. Các cô giáo mầm non do giáo dục huyện Mường La phân công giảng dạy và trả lương. Công ty xây dựng cơ sở vật chất trường lớp và hỗ trợ tiền xăng xe, tiền ăn trưa cho các cô.

Trong dịp này, Công đoàn Caosu Việt Nam tặng 120 triệu đồng để xây thêm một phòng học cho các cháu. Nhìn những khuôn mặt trẻ thơ sáng ngời, trang phục đỏ thắm hát vang những bài hát tiếng Việt chào mừng khách, ông Tổng Giám đốc Tập đoàn nói với tôi rằng đây là những chủ nhân tương lai của ngành caosu từ miền Tây Bắc.

Mừng một chặng đường 9 năm đầu thành công tốt đẹp, theo phong tục người Thái, Caosu Sơn La mở hội tại trụ sở công ty. Đêm nay rằm trung thu, trăng lên trên đỉnh núi, trên rừng caosu chon von. Trời vào thu se lạnh, mọi người được sống trong không gian văn hóa dân tộc Thái, Mường, Mông…Các cô gái Thái là công nhân caosu mới gặp sáng, chiều nay với những bộ váy áo thật rực rỡ đang say sưa với điệu múa xòe hoa, hát vang những bài ca như mở ra ở đây một vườn cổ tích, tất cả cùng hòa quyện tạo nên một bức tranh mộc mạc nhưng rất sinh động và đầy chất men say về miền Tây Bắc. Tôi đang say. Say đất, say người, say những dòng nhựa trắng và say với lời ca, điệu nhạc của bài hát “ Tình ca Tây Bắc”.

Đêm hội đã tan rồi vẫn còn vang mãi bài hát “Hành khúc caosu Việt Nam”. Lời ca về dòng nhựa trắng tuôn chảy như suối đang rì rầm nơi thung sâu đèo cao của miền Tây Bắc này.

TRỌNG NHÂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/dong-vang-trang-qua-mien-tay-bac-683546.bld