Đồng tính - trào lưu xã hội?

Số lượng người đồng tính trong xã hội Việt Nam có vẻ như được ghi nhận ngày càng nhiều, đến mức mà người ta cảm giác nó như một 'xu hướng', một 'trào lưu'.

Không ít người lo ngại, đồng tính có thể “lây” như một căn bệnh  xã hội - gọi là “tập nhiễm”, và đe doạ làm băng hoại các giá trị đạo đức chuẩn mực xưa nay.

Không thể thống kê chính xác tỉ lệ người đồng tính nam và nữ trong cộng đồng để lí giải cái cảm giác lo ngại về sự gia tăng đồng tính. Lý do dễ thấy nhất là để tránh bị kì thị, rất nhiều người đồng tính không dám công khai thừa nhận xu hướng tình dục đồng giới của mình. Ngược lại, cảm giác này nảy sinh do sự xuất hiện ngày càng nhiều những người bị gọi là ‘bóng lộ’, hay kể cả nhóm ‘bóng kín’, tuy không tự thừa nhận, nhưng đã bắt đầu mạnh dạn hơn trong quan hệ.

Ảnh minh họa

Quan sát dạng này được củng cố khi đài, báo, văn chương, phim ảnh gần đây đề cập tới nhóm người đồng tính ngày càng nhiều hơn. Sự tiếp xúc thường xuyên với các sản phẩm truyền thông như thế khiến người ta bị ấn tượng về sự gia tăng hình như đột biến của đồng tính luyến ái, như là một lối sống sa đọa, đua đòi của giới trẻ thời hiện đại.

Một bộ phận lớp trẻ ăn mặc, để tóc, xử sự theo hình ảnh các thần tượng mà về hình thức ngày càng xóa nhòa những đặc trưng phân biệt nam giới và nữ giới. Không ít hiện tượng trẻ vị thành niên học đòi quan hệ đồng giới như là mốt để thể hiện bản thân, dù chỉ là ngắn hạn.

Nghiên cứu về người đồng tính cho thấy luôn có một tỷ lệ nhỏ vài phần trăm nhóm này tồn tại trong cộng đồng. Theo đó thì không phải số lượng người đồng tính đang gia tăng mà bởi vì xã hội ngày càng mở, nhu cầu và ý thức tự thể hiện bản thân ngày càng cao, các phương tiện để khuyến khích sự tự thể hiện ngày càng nhiều, nhất là internet, đã khiến cho đồng tính được nói đến nhiều hơn trong xã hội.

Đồng tính - căn bệnh lây nhiễm?

Người đồng tính vẫn là người bình thường, chỉ khác người dị tính về thiên hướng tình dục. Đó nên được coi là điều khác biệt duy nhất.

Thói quen quy kết đồng tính như một căn bệnh lây lan, hoặc một sự đua đòi, a dua không những không đúng, mà còn tiếp tục khoét sâu vào sự kỳ thị của cộng đồng với người đồng tính.

Trên thực tế, không có một nguyên nhân chung duy nhất và bản thân những người đồng tính cũng rất khác nhau từ nguyên nhân cho đến mức độ và cách thức thể hiện.

Về phương diện sinh học, phần nhiều những người đồng tính thực sự là do bẩm sinh, hoặc di truyền theo gen, cấu trúc não bộ, nhưng dứt khoát không phải là bệnh lý.

Về môi trường văn hoá, xã hội, trước hết phải kể quá trình giáo dục hình thành nhân cách. Lỗi có thể nảy sinh trong định hướng tâm sinh lý cho trẻ ở gia đình (qua chơi trò chơi không thích hợp với giới tính, ăn mặc…). Trẻ có cha hoặc mẹ cực đoan về hành vi giới tính cũng có thể dẫn đến những lệch lạc giới tính thông thường. Có trường hợp vì người cha quá tàn nhẫn, luôn hành hạ vợ mình, và bé trai bị tác động mạnh, trở nên sợ hãi, yếu đuối, tính nam bị ảnh hưởng. Cũng có gia đình mà mẹ quá cưng chiều con trai, dẫn đến việc cu cậu sinh thói đỏm dáng, ngắm vuốt, thích mơ mộng, ủy mị, tính nam cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, lỗi trong giáo dục giới tính lúc này chỉ là yếu tố môi trường để nhấn mạnh khả năng tác động đến lựa chọn thiên hướng tình dục, chứ không chắc chắn là nguyên nhân khiến một người trở nên đồng tính.

Trong môi trường nghề nghiệp nhất định liên quan tới hoạt động sáng tạo văn hoá, nghệ thuật, phim ảnh…, người đồng tính cũng có xu hướng thể hiện mình rõ hơn. Các nghiên cứu cho thấy năng lực mỹ cảm và tâm lý thiên bẩm của người đồng tính khiến họ, một cách tự nhiên, hướng về những nghề nghiệp đó chứ không phải môi trường nghề nghiệp ấy khiến một người dị tính  có nguy cơ cao trở thành người đồng tính.

Nói chung, đồng tính luyến ái là do sự kết hợp những yếu tố “trong” (thiên hướng  đồng tính bẩm sinh ở dạng tiềm ẩn) và “ngoài” (yếu tố môi trường tạo cơ hội để phát lộ thiên hướng tình dục). Nếu một người hoàn toàn không có yếu tố “trong” tiềm ẩn thì không thể bỗng dưng vào một ngày đẹp trời, bỗng muốn sinh hoạt tình dục đồng giới. Nói rõ hơn, nếu người đó sinh ra hoàn toàn dị tính thì sẽ không dễ dàng chuyển đổi thiên hướng tình dục của mình thành đồng tính, dù yếu tố môi trường có “thuận lợi” tới đâu.

Cũng có người dị tính bị lôi kéo vì lợi ích kinh tế, bị rủ rê, kích thích hoặc cưỡng bức vào quan hệ tình dục đồng tính. Trong số này, có người do thiên hướng đồng tính tiềm ẩn và sau đó chấp nhận mình là đồng tính. Cũng có người không hẳn là bẩm sinh, nhưng vì một cú shock quá nặng do bị cưỡng bức, mà sau này bị ám ảnh và trở nên đồng tính. Ngược lại, có người dị tính hoàn toàn, nhưng tiếp tục vì những lí do ngoài tình dục mà sẵn sàng quan hệ đồng giới. Và bởi vì trên thực tế, một người dị tính vẫn có thể đạt khoái cảm tình dục với người đồng tính, nên anh ta chấp nhận nó. Trường hợp này chỉ có thể xem là lệch lạc về tâm lý xã hội và có thể điều chỉnh được, chứ không thể nhìn vào để ấn tượng rằng đồng tính là căn bệnh có thể và đang lây lan tùm lum trong xã hội của chúng ta.

Người đồng tính hoà nhập với xã hội

Định kiến về người đồng tính vẫn còn phổ biến, do cộng đồng chưa được cung cấp đủ thông tin, không dựa trên kinh nghiệm đầy đủ qua giao tiếp với họ. Định kiến ấy còn được nuôi dưỡng bởi những tệ nạn tiêu cực từ nhóm này, cũng như sự phản ánh thiên lệch của truyền thông..

Trong giới đồng tính, cũng có không ít người lười biếng lao động, thích xài tiền nhiều, đua đòi, ỉ lại tìm chỗ dựa dẫm, mắc vào tệ nạn mại dâm, lừa đảo, nhẹ hơn là ăn mặc lố lăng hoặc ăn nói không văn hoá… Đó cũng là lí do khiến nhiều người bị ác cảm gán ghép bản chất đồng tính vào những cái xấu này.

Người đồng tính khó khăn hơn người dị tính về cơ hội tìm kiếm bạn tình, bộc lộ con người thực sự của mình, cộng thêm sự kỳ thị ở người thân và xã hội, lại càng khó khăn để cân bằng tâm lý. Chính họ cũng tự kỳ thị bản thân do mặc cảm đang làm điều trái với chuẩn mực xã hội được dạy dỗ, trở nên tự cô lập hoặc phản kháng với cái đa số.

Chuẩn mực đạo đức trong xã hội được hình thành theo khuôn mẫu của người dị tính. Người đồng tính phải giằng xé đấu tranh với bản thân trước sức ép của cái chuẩn mực ấy. Nhiều người đồng tính bỏ qua thiên hướng tình dục thực sự của mình để có một gia đình dị tính “như người ta”, để khỏi bị dị nghị. Họ thực sống cuộc đời “tù ngục” về khát vọng, khổ sở đến vô cùng không chỉ với bản thân mà cả bạn đời.

Ở Việt Nam rất hiếm gia đình có thể cảm thông thực sự, tạo điều kiện cho người đồng tính được sống cuộc sống không hôn nhân hoặc sống chung với bạn tình đồng giới. Phần lớn nếu không phản ứng quyết liệt thì cũng chỉ lơ đi và kín đáo chấp nhận.

Ảnh minh họa

Trong xã hội luôn tồn tại sự mâu thuẫn và thậm chí xung đột giữa các nhóm khác nhau về giới tính và thiên hướng tính dục. Một xã hội văn minh thì cần phải tạo dựng cơ chế đối thoại lành mạnh để hiểu biết, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Người đồng tính cũng cần phải được thừa nhận và tôn trọng mọi quyền làm người, sau đó là được cảm thông. Ngược lại, chính bản thân họ cũng phải biết vượt qua mặc cảm tự ti để khẳng định nhân cách và đạo đức của mình, cống hiến cho xã hội và thoả mãn kiếp làm người.

Một trường hợp:

Khi mới biết con trai là người đồng tính, má B. phản đối dữ dội. Dần dần bà hiểu rằng những cô gái đến với B. rồi cũng không thành gì hết, con mình buồn bã, thất vọng. Má vẫn chưa chấp nhận  vì không ưng những người bạn trước đây của B. Bà quá thương con, mong con vui, cộng thêm chính người con đó khẳng định được bản lĩnh và hiếu đạo.

Khi B. đưa tôi về ra mắt má, má tỏ ra chấp nhận. B. và tôi thương má thật lòng. Má nhận tôi làm con nuôi. Tiếp đến má chấp nhận cho hai đứa chung sống. Má cầm tay hai đứa, dặn, anh em phải lo cho nhau, má giao anh con cho con.

Từ lúc nào má coi tôi như con dâu và giữ đó như bí mật riêng của ba má con.  Lúc có người, má chỉ gọi con, khi nói điện thoại riêng thì gọi con dâu. Mọi người trong gia đình đều biết, không nói ra nhưng không phản đối.

Quan trọng, B. là một người con tốt trong nhà và có bản lĩnh. Ở nhà mình, tôi không được như thế. Tức là tôi không có bản lĩnh trong nhà để buộc mọi người nhìn mình với sự nể trọng hơn. Tôi là con út, tiếng nói cũng ít trọng lượng  vì tính cách không mạnh mẽ lắm. Tôi hay sợ làm người khác buồn nên thành ra yếu đuối. Về sau, gia đình tôi bắt đầu lờ mờ hiểu sự lựa chọn tình cảm của tôi và anh B. Dù vẫn đấu tranh tâm lý để mong tôi có gia đình và con cái nhưng gia đình tôi giờ cũng nhẹ nhàng hơn…

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/dong-tinh-trao-luu-xa-hoi-124189.html