Đồng tính nơi công sở: Che giấu hay tiết lộ?

Khi các chính trị gia, người dẫn chương trình truyền hình, người nổi tiếng trong giới giải trí công khai giới tính thật của mình, thông tin đó ít khi nào được giới truyền thông giật tít lớn. Nhưng thế giới kinh doanh lại khác: Mãi cho đến ngày 30.10 vừa qua khi Tim Cook, ông chủ của Apple, tự nhận mình là người đồng tính thì chưa từng có một vị tổng giám đốc (CEO) nào trong danh sách Fortune 500 (bảng xếp hạng 500 công ty lớn nhất nước Mỹ xét về tổng thu nhập mỗi công ty) công khai mình là người đồng tính cả.

Khi Tim Cook sẵn sàng bước qua ngưỡng cửa giữa việc công khai và che giấu giới tính thật thì nó cũng cho thấy một điều rằng các điều kiện môi trường làm việc đã cải thiện hơn rất nhiều đối với các nhà điều hành doanh nghiệp là người đồng tính. Thế nhưng, nhiều người cho rằng Tim Cook chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì có nhiều CEO là người đồng tính, nhưng không sẵn lòng công khai.

“Độ tuổi trung bình của một CEO khoảng từ 50-60. Khi họ bắt đầu sự nghiệp, việc là người đồng tính bị xem là bệnh, là bất hợp pháp, coi như kết thúc sự nghiệp. Vì thế, giấu kỹ giới tính thật nơi công sở đối với những người này là một cách sống đã 30 năm nay”, Todd Sears, nhà sáng lập Out on the Street, một tổ chức chuyên về các vấn đề liên quan đến nhà lãnh đạo là người đồng tính, lưỡng tính, người chuyển giới, nhận xét.

Và cho đến thời điểm này, rất có thể những CEO đồng tính ở độ tuổi nói trên cũng không muốn tiết lộ bản thân. Thế nhưng, Sears cho rằng điều đó có thể sẽ thay đổi, vì những người kế vị họ lại thuộc thế hệ sau này. Những người trẻ tuổi sẽ thấy dễ dàng hơn khi công khai giới tính thật.

Vì sao các nhà điều hành cấp cao lại e ngại tiết lộ “thân phận”? Thiết nghĩ các CEO phải được đánh giá bằng những thước đo khách quan, cụ thể là các chỉ số tài chính thể hiện kết quả kinh doanh, thay vì đưa xu hướng giới tính của họ vào bàn cân. Thế nhưng, khi nói đến những quy củ trong xã hội thì từ lâu đó là một quy định bất thành văn đối với các vị trí cấp cao tại công ty đại chúng.

Đối với một CEO đồng tính, việc công khai giới tính thật vi phạm một nguyên tắc: “CEO không được thu hút mối quan tâm công chúng về đời tư hoặc làm gợi lên những vấn đề làm xao nhãng chuyện kinh doanh của công ty”.

“Một CEO không hề muốn cả hội đồng quản trị phải bất ngờ khi công khai giới tính thật trên tờ New York Times”, ông Richard Zweigenhaft, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Guilford ở North Carolina, nhận xét.

John Browne là một ví dụ. Ông có một thời gian dài điều hành tập đoàn dầu mỏ Anh BP (1995-2007) nhưng đã phải từ chức vào năm 2007 sau khi bị tờ báo lá cải Anh The Mail on Sunday phanh phui sự thật rằng ông là người đồng tính. Ngay sau khi giới tính thật của ông được tiết lộ, Browne cho biết, nhà bán lẻ Mỹ Wal-Mart Stores đã rút lời mời ông gia nhập Hội đồng Quản trị vì lý do “tín ngưỡng”.

Sau khi rời khỏi BP, Browne biết chắc rằng ông sẽ chẳng bao giờ trở thành chủ tịch hội đồng quản trị hay CEO của một công ty đại chúng nào khác được nữa. “Đối với những công ty săn đầu người, tôi được xem là “vấn đề gây tranh cãi”, “vấn đề quá nóng sốt không thể nào xử lý được”. Thật buồn là có một số người, chủ yếu trong giới kinh doanh, không còn tỏ ra chút gì thân thiện với tôi nữa”, Browne viết trong cuốn sách mới đây về cuộc sống khổ tâm của ông vì là một CEO đồng tính.

Thế nhưng, điều đáng mừng là hiện nay, những nhà điều hành đồng tính như Browne ít có lý do để quan ngại như thế. Bằng chứng là các chiến dịch gần đây nhằm tẩy chay các cửa hàng Starbucks và Target vì các chính sách thân thiện với người đồng tính hầu như không gây được tác động nào. Nghĩa là vấn đề đồng tính nơi công sở nay đã được nhìn nhận một cách cởi mở và tích cực hơn. Số công ty lớn của Mỹ đạt điểm tối đa 100 trong Chỉ số Bình đẳng Doanh nghiệp của Tổ chức Chiến dịch Nhân quyền Mỹ (HRC) đã tăng lên mức 304 doanh nghiệp, từ chỉ 13 vào năm 2002. Chỉ số Bình đẳng Doanh nghiệp yêu cầu doanh nghiệp phải đưa ra cam kết công khai về quyền lợi của người đồng tính.

Ngày trước, các chủ sử dụng lao động tránh tuyển dụng người đồng tính vì sợ sẽ khiến khách hàng, nhất là những người có định kiến, cảm thấy khó chịu hoặc e dè. Nhưng nay đã khác. Một số nhà sử dụng lao động thậm chí còn bắt đầu săn tìm tuyển dụng các nhà quản lý đồng tính. Vào năm 2010, Heidrick & Struggles, một công ty chuyên “săn” cấp nhà điều hành, đã thành lập một mạng lưới gồm các công ty săn đầu người nhỏ hơn, có chủ sở hữu là người thiểu số nhằm giúp Công ty đa dạng hóa danh sách các ứng viên để gửi cho khách hàng.

Trong số 4 thành viên của Heidrick & Struggles có Công ty McCormack & Associates, chuyên tìm kiếm các nhân tài là người đồng tính (cũng cần nói thêm, các nhà sử dụng lao động Mỹ không được phân biệt đối xử ứng viên vì vấn đề giới tính, nhưng họ có thể yêu cầu các công ty tuyển dụng nộp một danh sách sơ tuyển các ứng cử viên mà trong đó viết rõ những thông tin đặc biệt về ứng viên đó). Mặc dù khoảng phân nửa khách hàng của McCormack là các tổ chức liên quan đến người đồng tính hoặc bệnh AIDS, nhưng Công ty cũng tìm kiếm nhân sự cho các doanh nghiệp như Scholastic, một nhà xuất bản và Johnson & Johnson, một nhà sản xuất dược phẩm và các thiết bị y tế.

Các chủ sử dụng lao động có nhiều lý do khác nhau trong việc săn tìm, tuyển dụng người đồng tính. Một số cho rằng doanh nghiệp của họ sẽ hoạt động tốt hơn nếu lực lượng lao động được đa dạng hóa. Một nghiên cứu cho thấy nhân viên hạnh phúc hơn khi làm việc cho những ông chủ đồng tính, hơn là những ông chủ bình thường.

Có lẽ hiện nay, vấn đề còn gây tranh cãi nhiều nhất là sự phân biệt đối xử mà những người đồng tính còn gặp phải và điều đó đã khiến cho chủ doanh nghiệp không thể khai thác hết tài năng của nhóm người này. Có những nghiên cứu cho thấy người đồng tính nam kiếm được ít tiền hơn 10-32% so với người bình thường trong những công việc có tính chất như nhau.

Mặc dù không ít công ty đã đưa ra các chính sách lao động như phụ cấp phúc lợi y tế cho người đồng tính, nhưng đâu đó vẫn còn cái nhìn chưa cởi mở về người đồng tính nơi công sở. Trong cuốn sách của mình, ông Browne viết rằng 2/5 người đồng tính, người lưỡng tính và người chuyển đổi giới tính Mỹ vẫn còn kín tiếng về giới tính thật của mình ở nơi làm việc. Thậm chí tại các ngân hàng vốn đang nỗ lực để mang lại một môi trường làm việc thân thiện với người đồng tính hơn, theo phát hiện của ông Browne, nhiều người vẫn kín tiếng về giới tính của mình… chỉ là để phòng hờ. Nói cách khác, họ không muốn gặp rủi ro khi công khai giới tính thật.

Kenji Yoshino, Giáo sư tại Trường Luật thuộc Đại học New York, cũng ghi nhận vẫn còn một rào cản ở nhóm nhà điều hành cấp cao. Ông cho biết khi còn giữ các vị trí cấp thấp, người đồng tính có xu hướng để lộ giới tính thật vì muốn cởi mở hơn với các đồng nghiệp, nhưng đến khi trở thành ứng cử viên cho những vị trí quản lý cấp cao, họ lại bắt đầu che giấu giới tính của mình.

Rõ ràng, sự chấp nhận người đồng tính nơi công sở, nhất là các nhà lãnh đạo đồng tính, đang mở rộng hơn, nhưng vẫn còn một quãng đường khá dài để cánh cửa đối với người đồng tính mở ra một cách hoàn toàn và để họ cảm thấy thực sự an toàn trong việc công khai giới tính thật.

Gần đây, ông Browne cho biết: “Sự nuối tiếc lớn nhất trong đời tôi là đã không thẳng thắn về giới tính của mình khi còn là CEO. Nếu không, tôi đã có thể rời khỏi BP theo một cách hoàn toàn khác”. Dẫu vậy, Browne cũng thừa nhận, có lẽ ông chẳng bao giờ muốn công khai nếu ông không bị bắt buộc phải làm vậy. “Tôi thực sự quen kiểu có 2 cuộc sống. Tôi tự thuyết phục mình rằng giấu kín dù sao vẫn hơn là nói rõ. Hơn nữa, tôi xưa nay là người sống khép kín. Chúng tôi không phải là kiểu người có gì trong lòng cũng đều nói toẹt ra”, ông nói

(Theo NYT và The Economist)

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=21723-dong-tinh-noi-cong-so-che-giau-hay-tiet-lo