Đồng Tháp tìm đường 'xâm nhập' thị trường gạo cao cấp ở châu Âu

Từ đầu năm 2023, sản xuất, xuất khẩu gạo của Đồng Tháp đạt kết quả tích cực. Xuất khẩu gạo tăng về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp vào sự tăng trưởng ngành nông nghiệp và kinh tế.

Sản xuất gạo tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long - Chi nhánh Đồng Tháp (xã Định An, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp). Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Phát huy những kết quả này, đồng thời thực hiện Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, Đồng Tháp tiếp tục triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Nhiều năm qua, 11 ha ruộng của anh Trần Văn Tá (sinh năm 1985) ở xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười được gieo sạ các giống lúa chất lượng cao như OM-19, OM5451… Cùng với đó, anh áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật trong canh tác.

“Tôi áp dụng biện pháp sạ thưa nên giảm được lượng giống, dễ xử lý lúa cỏ, kiểm soát được sâu bệnh… nên hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Nhờ đó, lúa làm ra đạt chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận” - anh Tá chia sẻ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, nhiều nông dân trồng lúa trong tỉnh đã áp dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật như quy trình canh tác 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tưới tiết kiệm nước, canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP, bón phân vùi, sử dụng máy cấy, ứng dụng cơ giới hóa… chiếm 30% diện tích gieo trồng; diện tích sạ hàng, sạ thưa chiếm 50%.

Cơ giới hóa áp dụng chủ yếu trên cây lúa ở các khâu: làm đất (100%), gieo sạ (gần 90%) và thu hoạch (gần 100%). Ngoài ra, một số mô hình mới hứa hẹn giúp giảm giá thành, nâng cao giá trị sản xuất như sử dụng thiết bị bay không người lái trong xử lý dịch hại, sản xuất theo hướng hữu cơ, giảm phát thải cacbon…

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, diện tích sản xuất lúa mỗi năm của tỉnh dao động khoảng 480.000 - 500.000 ha, sản lượng ước tính trên 3,3 triệu tấn. Đồng Tháp định hướng phát triển ngành hàng gạo trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực theo hướng bền vững thông qua phát triển vùng sản xuất tập trung chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và chú trọng áp dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành sản xuất.

Lũy kế đến cuối tháng 6/2023, toàn tỉnh đã cấp 392 mã số vùng trồng trên lúa với tổng diện tích gần 56.242 ha. Diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 6.676 ha và trên 4.057 ha lúa đạt chứng nhận VietGAP.

Đồng Tháp đã và đang mở rộng diện tích sử dụng nhóm giống cho giá trị cao, phục vụ xuất khẩu. Bình quân mỗi năm tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao, thơm đặc sản (Jasmine 85, OM4218, OM 6976 và OM 4900…) khoảng 62-70% diện tích sản xuất. Năm 2023, Đồng Tháp đặt ra mục tiêu tổng diện tích gieo trồng lúa là 493.074 ha (tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm 75% và áp dụng sạ hàng, sạ thưa 45% diện tích xuống giống), năng suất bình quân 66,03 tạ/ha, sản lượng lúa cả năm đạt khoảng 3,26 triệu tấn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Điền cho hay, ngành nông nghiệp tỉnh đề ra một số giải pháp trọng tâm để tăng sức cạnh tranh cũng như cũng như thúc đẩy xuất khẩu gạo. Đó là tiếp tục thực hiện giải pháp phát triển lúa gạo trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực và theo hướng bền vững; tích cực vận động chuyển dịch cơ cấu giống sang nhóm giống chất lượng cao; quản lý chặt vùng sản xuất phục vụ xuất khẩu; nâng cao năng lực giám sát và dự báo, phòng trừ hiệu quả sinh vật gây hại.

Ngành nông nghiệp triển khai các mô hình phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tiếp tục rà soát, thanh tra, kiểm tra các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp tập trung giải quyết an toàn vệ sinh thực phẩm, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chủ lực.

Cùng đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước; thực hiện chuyển đối số mạnh mẽ trong quản lý nông nghiệp. Đồng Tháp sẽ tham gia vào Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiến tới chi trả tín chỉ cacbon, góp phần nâng cao lợi nhuận, giảm phát thải cacbon.

Bên trong khu thành phẩm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính (xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn ở Đồng Tháp, từ đầu năm 2023 đến nay, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính (xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) hoạt động đạt kết quả rất khả quan. Sản phẩm gạo của công ty đã xuất khẩu sang thị trường nhiều nước ở châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines… (chiếm 75%) và một số nước ở châu Âu (chiếm 25%).

Ông Trương Văn Chính, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính phấn khởi cho hay, giá trị cung ứng và xuất khẩu gạo cả năm 2022 của Công ty khoảng 1.300 tỷ đồng. Năm nay, Công ty đặt ra mục tiêu cung ứng và xuất khẩu gạo là 1.600 tỷ đồng, trong khi đó, chỉ 6 tháng đầu năm 2023, công ty đã đạt được khoảng 1.000 tỷ đồng.

Để “xâm nhập” mạnh vào thị trường gạo cao cấp ở châu Âu, Công ty đang liên kết với nông dân, xây dựng vùng lúa nguyên liệu chất lượng để kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch đến chế biến.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, trên địa bàn tỉnh có 20 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi khi đơn hàng xuất khẩu lẫn giá bán sang nhiều thị trường tăng mạnh do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng cao. Lượng gạo xuất khẩu của Đồng Tháp ước đạt 262.920 tấn, kim ngạch ước đạt 152,15 triệu USD (đạt 65,6% so với kế hoạch), tăng 54,3% về lượng và tăng 72% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023, Đồng Tháp phấn đấu xuất khẩu 338.000 tấn gạo, thu về kim ngạch 232 triệu USD.

Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đánh giá, tuy giá gạo xuất khẩu cao nhưng giá lúa nguyên liệu trong nước thời gian qua cũng ở mức cao, thêm vào đó chi phí logistics cũng tăng do giá năng lượng thế giới liên tục biến động dẫn đến doanh nghiệp xuất khẩu gạo giảm lợi nhuận.

Cơ giới hóa trong khâu thu hoạch trên cánh đồng lúa sử dụng giống chất lượng cao ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Một số doanh nghiệp còn có nhu cầu vốn vay để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh xuất khẩu, tuy nhiên, hạn mức tín dụng còn hạn chế và lãi suất vay vẫn còn ở mức cao. Trong 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù lượng gạo và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đồng Tháp tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022. Song, về thị trường xuất khẩu gạo Đồng Tháp chủ yếu tập trung vào thị trường châu Á (chiếm hơn 90%), trong khi đó, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường châu Âu và các thị trường khác còn khá khiêm tốn.

Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, để thúc đẩy xuất khẩu gạo trong thời gian tới, Sở tiếp tục theo dõi tình hình kinh doanh, xuất khẩu gạo của doanh nghiệp để có hướng phối hợp các ngành, tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời.

Đặc biệt, về nguồn vốn cho doanh nghiệp, Sở sẽ nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh đề nghị ngành ngân hàng có giải pháp, chính sách hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, ưu tiên lĩnh vực xuất nhập khẩu; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất và xuất khẩu, nhất là vào giai đoạn thu hoạch lúa chính vụ.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tiếp tục cập nhật và thông tin nhanh chóng, kịp thời những thông tin về thị trường xuất khẩu gạo đến doanh nghiệp, nhất là giới thiệu các đối tác, thị trường mới giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu. Thông qua hệ thống thương vụ tại các nước, Sở phối hợp duy trì tổ chức hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng, thông tin tình hình thị trường để doanh nghiệp chủ động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

Cùng với đó, phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường những hoạt động xúc tiến thương mại ngoài nước nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến khai thác các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng, đẩy mạnh khai thác hiệu quả các thị trường mà Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do (FTA)./.

Nhựt An/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dong-thap-tim-duong-xam-nhap-thi-truong-gao-cao-cap-o-chau-au/299333.html