Đồng Tháp liên kết tiêu thụ hơn 44.000 ha lúa

Nửa đầu năm 2023, diện tích sản xuất lúa của tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch hơn 206 nghìn ha; trong đó, diện tích thực hiện liên kết của các huyện, thành phố là 44.455 ha, sản lượng 309.175 tấn, chiếm tỷ lệ 21% tổng diện tích sản xuất.

Thu hoạch lúa tại huyện Thanh Bình.

Kết quả liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, đa số các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với công ty doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Vinarice, Hiếu Nhân, Tân Tiến Phúc, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty ADC, Công ty quốc tế Gia, Công ty Thuận Minh, Công ty Tân Thành, Công ty Hồng Tân, Công ty Phương Minh, Công ty Highlang Dragon...

Phương thức liên kết chủ yếu là đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân tham gia liên kết vào đầu vụ, đồng thời có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quản lý sâu bệnh hại trong suốt vụ mùa, đến cuối vụ thu hoạch, công ty đến thu mua lúa theo giá thị trường hoặc cao hơn từ 200 - 800 đồng/kg. Ngoài ra, còn có các phương thức liên kết khác như: đầu tư vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ lúa; đầu tư giống, tạm ứng vốn và tiêu thụ lúa; không đầu tư, chỉ tiêu thụ lúa...

Tiêu biểu ở huyện Tháp Mười có tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm trên 100.000 ha; trong đó, diện tích liên kết trong sản xuất lúa mỗi vụ khoảng 25 nghìn ha, đạt hơn 20% tổng diện tích xuống giống.

Ông Ngô Thanh Bình ngụ xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười (thành viên tham gia liên kết với Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam) cho biết, trước đây, do sản xuất nhỏ lẻ nên nông dân gặp nhiều khó khăn từ đầu vào đến đầu ra. Song, khoảng 3 năm qua, ông cùng các nông dân khác trong xã liên kết với Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam để sản xuất giống lúa Đài Thơm 8, được công ty hỗ trợ về giống và kỹ thuật sản xuất theo hướng sạch. Từ đó, mỗi vụ, ước tính năng suất bình quân đạt trên 7 tấn/ha, giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với những giống khác, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, huyện có mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP) ở xã Phú Thành B, huyện Tam Nông. Mô hình có 6 hộ tham gia sản xuất với 50 ha giống Jasmine 85, có liên kết cung cấp vật tư, lúa giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm với Tập đoàn Lộc Trời. Phương thức liên kết, khi thu mua mỗi ký lúa đạt tiêu chuẩn SRP theo giá thị trường, Tập đoàn cộng thêm 800 đồng. Theo đó, vụ Đông Xuân, nông dân thu lãi 32 triệu đồng/ha, vụ Hè Thu lãi từ 22 - 25 triệu đồng/ha.

Ngoài việc liên kết tiêu thụ lúa hàng hóa, nhiều bà con nông dân còn được các công ty, doanh nghiệp liên kết sản xuất lúa giống, hoặc lúa nếp. Bình quân liên kết sản xuất lúa giống được mua cao hơn với giá lúa thường từ 500 - 800 đồng/kg. Tại huyện Tháp Mười có anh Nguyễn Văn Hải ở xã Láng Biển, sản xuất hơn 2 ha lúa nếp, được duy trì hơn 4 năm, theo mô hình sản xuất giống lúa nếp liên kết và giá bán cao hơn 1.200 đồng/kg.

Từ mô hình liên kết sản xuất lúa, nông dân đã chú ý đến chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tạo điều kiện chuyển dịch lao động ra khỏi nông nghiệp và điều quan trọng nhất là nông dân bước đầu ý thức chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi lúa gạo an toàn đã và đang thu hút nhiều nông dân tham gia, góp phần xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng cao.

Tin, ảnh: Nguyễn Văn Trí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/dong-thap-lien-ket-tieu-thu-hon-44000-ha-lua-20230710152111175.htm