Đồng Tháp đặt mục tiêu hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công

Với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các đơn vị liên quan, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong 9 tháng năm 2023 đạt kết quả tích cực.

Tuyến đường giao thông đoạn qua xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đang xây dựng. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Toàn tỉnh đã giải ngân được hơn 4.368 tỷ đồng, đạt 67,19% so với kế hoạch và địa phương đang phấn đấu để đạt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2023.

Sau hơn 1 năm khẩn trương xây dựng, đến nay, công trình xử lý cấp bách sạt lở sông Tiền khu vực xã Tân Mỹ và Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò với chiều dài 2.200m, tổng mức đầu tư hơn 399 tỷ đồng sắp được hoàn thành.

Ông Lương Hồng Căn, Chỉ huy trưởng công trình xử lý cấp bách sạt lở sông Tiền (đoạn thuộc xã Tân Mỹ) cho biết, trong quá trình thi công công trình, gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn cung cấp vật tư, chủ yếu là cát khan hiếm. Trước tình hình này, để đảm bảo tiến độ, ngoài nguồn cát được chủ đầu tư cung cấp, đơn vị thi công còn chủ động mua thêm nguồn cát bên ngoài.

Theo ông Nguyễn Văn Nhiều, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, đến nay, tiến độ thi công công trình xử lý cấp bách sạt lở sông Tiền khu vực xã Tân Mỹ và Mỹ An Hưng B đạt gần 98% khối lượng hợp đồng. Công trình chỉ còn thực hiện các công việc còn lại của hạng mục thảm đá, đổ sàn bê tông cốt thép đỉnh kè, tường chắn đất theo tuyến kè… Nguồn vốn Trung ương bố trí cho công trình (290 tỷ đồng) đã giải ngân đạt 100%.

Trong quá trình thi công Dự án tuyến tránh thành phố Cao Lãnh với vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng cũng gặp nhiều trở ngại như việc xử lý nền đất yếu mất nhiều thời gian gia tải, chờ lún; công tác di dời hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thành; thiếu nguồn cát san lấp...

Theo ông Nguyễn Đức Huy, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp, việc thi công phần đường chậm vì cần nhiều cát để đắp nền, trong khi đó từ tháng 3 đến tháng 7/2023, các mỏ cát dừng khai thác để đánh giá lại trữ lượng nên nguồn cát cung cấp cho dự án cũng tạm ngưng.

Thi công cầu Sở Thượng 2 nối xã Thường Lạc (huyện Hồng Ngự) và xã Tân Hội (thành phố Hồng Ngự). Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Không đứng yên “chịu trận”, để góp phần bù lại tiến độ, chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu tập trung thi công những công trình cầu, cống vì ít có nhu cầu về cát. Hiện nay, nguồn cát phục vụ dự án đã được cung cấp trở lại.

Các nhà thầu tăng cường thêm nhân lực, thiết bị, máy móc để tăng tốc thực hiện, đẩy nhanh tiến độ và đến nay, tiến độ thực hiện dự án này đạt trên 55%.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 (kể cả vốn năm 2022 kéo dài chuyển sang) của tỉnh Đồng Tháp hơn 6.501 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài chuyển sang gần 122 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2023 hơn 6.379 tỷ đồng, đến nay, đã phân bổ chi tiết đạt 100% so với kế hoạch.

“Trong giải ngân vốn đầu tư công gặp một số khó khăn, đặc biệt là nguồn cung ứng cát cho các dự án, công trình đang khan hiếm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện”, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Cẩn cho biết.

Để giải quyết khó khăn cốt yếu nói trên, tháng 6/2023, UBND tỉnh Đồng Tháp thành lập Tổ Điều phối cung ứng cát cho công trình xây dựng có sử dụng vốn đầu tư công. Sở Xây dựng đã đề xuất UBND tỉnh giao các địa phương tổ chức rà soát, đề xuất UBND tỉnh xem xét, cho chủ trương lập các dự án nạo vét luồng, lạch, bãi bồi… để bổ sung nguồn cát cung cấp cho công trình. Cùng với đó là giao ngành chức năng khẩn trương đánh giá lại toàn bộ trữ lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu theo số liệu khảo sát, đồng thời, căn cứ nhu cầu sử dụng cát trên địa bàn tỉnh để đề xuất UBND tỉnh nâng công suất mỏ hay cấp phép mỏ mới hoặc đề xuất các khu vực cần nạo vét, chỉnh trị dòng chảy nhằm đảm bảo nguồn cung ứng cát san lấp cho những công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Thi công Dự án nâng cấp đường ĐT841 đoạn qua địa bàn thành phố Hồng Ngự (Đồng Tháp). Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Cùng với vướng mắc về nguồn cát san lấp, đắp nền thì giá vật liệu xây dựng (sắt, thép, đá…) có biến động theo hướng tăng cao hơn so với giá trị được duyệt làm ảnh hưởng đến kế hoạch lựa chọn nhà thầu và công tác triển khai thi công của nhà thầu. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các đơn vị liên quan, tính đến cuối tháng 9/2023, tỉnh Đồng Tháp đã giải ngân vốn đầu tư công được trên 4.368 tỷ đồng, đạt 67,19% tiến độ, cao hơn 14,06% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 được 4.301,616 tỷ đồng, đạt 67,42% kế hoạch và đạt 72,18% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; đã giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 chuyển sang 66,843 tỷ đồng, đạt 54,84%.

Với tỷ lệ giải ngân trên, UBND tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu quyết tâm hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2023. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các chủ đầu tư, lãnh đạo các địa phương, ngành liên quan tập trung giải quyết những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân và thực hiện các công trình theo đúng kế hoạch. Các chủ đầu tư cần nắm sát tình hình, phối hợp chặt chẽ các ngành, đơn vị liên quan trong giải quyết những vướng mắc, khó khăn khi thực hiện dự án.

Ông Phạm Thiện Nghĩa chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương tham mưu phân khai vốn đầu tư đối với những công trình điều chỉnh trong năm 2023 và kể cả chuẩn bị thủ tục của năm 2024 để không bị động; theo dõi sát tiến độ thực hiện của chủ đầu tư, mạnh dạn đề xuất thu hồi vốn đối với dự án, công trình không triển khai theo kế hoạch. Cùng với đó, các sở, ngành tập trung thực hiện thẩm định dự án, không để chậm trễ, kéo dài; các công trình đã hoàn thành phải được quyết toán sớm.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023, UBND tỉnh Đồng Tháp đã yêu cầu thủ trưởng Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh (là chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công), Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc Công điện số 749/CĐ-TTg ngày 18/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, các công văn chỉ đạo của UBND tỉnh; đồng thời, tăng cường trách nhiệm hơn nữa với vai trò là chủ đầu tư và cần quyết liệt, chủ động, tích cực, sát sao triển khai, đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện các dự án trong năm 2023; làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc giải ngân không hết vốn dẫn đến điều chỉnh sang dự án khác.

UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay những tồn tại, bất cập (nếu có); người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công; không để tình trạng đầu tư công chậm trễ, kéo dài, kém hiệu quả trong khi nguồn lực hạn chế, dư luận bức xúc, quan tâm.

Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp diễn biến giá thị trường; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Tổ Điều phối cát và những đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, tổng hợp nhu cầu và tình hình cung ứng cát cho công trình, điều phối việc ưu tiên cung ứng cát cho dự án trên địa bàn tỉnh, kịp thời báo cáo và đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định các nội dung có liên quan./.

Nhựt An/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dong-thap-dat-muc-tieu-hoan-thanh-giai-ngan-100-von-dau-tu-cong/309851.html