Đồng Tháp: Chuyển đổi tư duy, nâng cao giá trị hạt lúa xuất khẩu

Dự kiến lượng gạo xuất khẩu của tỉnh Đồng Tháp năm 2023 đạt 584.142 tấn, tăng 41,37% so với năm 2022; kim ngạch đạt 336,26 triệu USD, tăng 66,66% so với năm 2022.

Xe trâu kéo lúa nối đuôi nhau di chuyển trên cánh đồng ở xã biên giới Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Năm 2023 là năm nông dân tỉnh Đồng Tháp hướng đến chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị hạt lúa xuất khẩu bằng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao; xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất; Chuyển đổi Số trong nông nghiệp và đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa đạt 100% diện tích.

Năm 2023 diện tích gieo trồng lúa của Đồng Tháp đạt hơn 494.400ha, sản lượng hơn 3,26 triệu tấn.

Dự kiến lượng gạo xuất khẩu của tỉnh năm 2023 đạt 584.142 tấn, tăng 41,37% so với năm 2022; kim ngạch đạt 336,26 triệu USD, tăng 66,66% so với năm 2022.

Khởi động cho kết quả này, ngay từ đầu năm, vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 tỉnh Đồng Tháp, gieo trồng 190.174ha, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Năng suất bình quân đạt 73,1 tạ/ha, sản lượng hơn 1,39 triệu tấn, nông dân lãi hơn 30 triệu đồng/ha.

Với giá lúa xu hướng tăng, Đồng Tháp nhanh chóng sản xuất vụ lúa Hè Thu năm 2023 và xuống giống hơn 185.722ha, đạt gấn 100% so với kế hoạch, năng suất 69,6 tạ/ha, tăng hơn cùng kỳ năm 2022 là 5,6 tạ/ha.

Nông dân vui mừng khi giá lúa vụ Hè Thu tăng, giá lúa chất lượng cao tại ruộng giá 7.100 đồng/kg, tăng 1.300 đồng/kg so cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận vụ lúa Hè Thu 3.457 đồng/kg.

Vụ lúa Thu Đông, Đồng Tháp tăng tốc sản xuất, tăng diện tích và giá tăng rất cao nên người trồng lúa lãi hơn 40 triệu đồng/ha, tăng 15 triệu đồng/ha so cùng kỳ năm 2022.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết tỉnh đã có định hướng sản xuất ngay từ đầu năm bằng việc thực hiện cơ cấu giống dịch chuyển từ giống có chất lượng thấp sang các loại giống có chất lượng cao. Tỷ lệ nhóm giống chất lượng cao đạt 69,6%. Sở còn chỉ đạo kịp thời cho việc sản xuất lúa đối với khu vực vùng Đồng Tháp Mười, trong đó ưu tiên áp dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình-khá.

Đối với vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu, tỉnh ưu tiên sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao.

Sản xuất lúa ở Đồng Tháp đạt năng suất cao là nhờ phát triển theo hướng mở rộng diện tích sử dụng nhóm giống lúa cho giá trị cao, ứng dụng quy trình công nghệ mới trong sản xuất và quản lý dịch bệnh, thực hiện xã lũ luân phiên trên cánh đồng sản xuất 3 vụ lúa đã góp phần tăng năng suất.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, cho biết vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, diện tích thực hiện liên kết 44.845 ha tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Đa số mô hình liên kết sản xuất lúa đều sử dụng giống lúa chất lượng cao đạt 100%, trong đó có 54 hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân ký hợp đồng cùng 46 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Nổi bật việc liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa có ông Ngô Thanh Bình ở xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười tham gia liên kết với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lúa gạo Việt Nam.

Ông Bình cho biết ông tham gia sản xuất giống lúa Đài Thơm 8, lúa chất lượng cao được Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lúa gạo Việt Nam hỗ trợ về giống và kỹ thuật sản xuất theo hướng sạch, năng suất bình quân đạt trên 7 tấn/ha, cao hơn 500 kg/ha so với lúa thường, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phun xịt thuốc bằng phương tiện bay không người lái cho vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp. (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, đa số các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa chất lượng cao với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Vinarice, Hiếu Nhân, Tân Tiến Phúc, Tập đoàn Lộc Trời, Cty ADC, CTy Quốc Tế Gia, Thuận Minh, Tân Thành, Hồng Tân, Phương Minh, Highlang Dragon... với phương thức liên kết chủ yếu là đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quản lý sâu bệnh hại trong suốt vụ mùa, đến cuối vụ thu hoạch, công ty đến thu mua lúa theo giá thị trường hoặc cao hơn từ 200-800 đồng/kg.

Điển hình trong liên kết sản xuất lúa chất lượng cao có huyện Tháp Mười với tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm trên 100.000ha, trong đó diện tích liên kết trong sản xuất lúa chất lượng cao mỗi vụ khoảng 25.000ha.

Để lúa đạt chất lượng và sản lượng cao, huyện Tam Nông có mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP) ở xã Phú Thành B.

Ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tam Nông, cho biết để có lúa chất lượng cao, có giá, dễ xuất khẩu, huyện tham gia thí điểm mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP). Có 6 hộ tham gia sản xuất với 50ha giống lúa Jasmine 85, có liên kết cung cấp vật tư, lúa giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm với Tập đoàn Lộc Trời. Phương thức liên kết, khi thu mua mỗi ký lúa đạt tiêu chuẩn SRP theo giá thị trường, Tập đoàn cộng thêm 800 đồng. Vụ Đông Xuân vừa qua nông dân thu lãi 32 triệu đồng/ha.

Để có lúa sạch, dễ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, tỉnh Đồng Tháp còn phát triển nông nghiệp hữu cơ, qua đó góp phần thay đổi việc sử dụng phân hóa học sang phân hữu cơ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần làm giảm chi phí sản xuất tạo ra sản phẩm sạch, giá cao, dễ xuất khẩu, giúp tăng lợi nhuận, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.

Điển hình mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thọ, huyện Tam Nông với 71ha được Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ.

Theo ông Phan Hoàng Em, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thọ, cho biết qua 2 vụ thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ, vụ lúa Hè Thu cho năng suất đạt từ 6,3-6,7 tấn/ha; vụ Đông Xuân cho năng suất 8 tấn/ha. Khi áp dụng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, nông dân thu lợi nhuận cao hơn so với ruộng đối chứng là 1.208.000 đồng/ha.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2025, triển khai thực hành sản xuất hữu cơ hàng năm tăng 1% diện tích sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết tỉnh Đồng Tháp đã cấp 431 mã số vùng trồng lúa với tổng diện tích hơn 65.000ha. Diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hơn 6.600ha; diện tích được chứng nhận VietGAP hơn 4.000ha.

Ứng dụng Chuyển đổi Số ngành hàng lúa gạo, Đồng Tháp đã xây dựng cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý (từ tuyến tỉnh, huyện, xã) được số hóa và cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và phát triển kinh tế-xã hội. Qua đó đã xây dựng được 23 hệ thống giám sát sâu rầy thông minh, 36 trạm giám sát và cảnh báo lũ, 36 hệ thống camera theo dõi chu kỳ sinh trưởng của lúa và 100 điểm đo nhiệt độ và độ ẩm đất tự động.

Chuyển đổi Số ngành nông nghiệp ở Đồng Tháp còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu giúp người dân thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp,” xây dựng người nông dân chuyên nghiệp thích ứng Kinh tế Số, kinh tế tuần hoàn; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, góp phần tạo ra giá trị cao trong sản xuất lúa.

Nhiều loại trang thiết bị máy nông nghiệp mới được áp dụng vào sản xuất góp phần nâng chất lượng hạt lúa, tăng giá trị và giảm hao hụt trong sản xuất.

Hiện toàn tỉnh có trên 2.100 máy cày, 3.838 máy xới các loại, 1.620 máy gặt đập liên hợp, 1.153 máy sạ hàng-phun xịt, 1.580 trạm bơm, khoảng 98 máy cấy, 510 lò sấy, 69.260 máy phun thuốc trừ sâu có động cơ và 8.481 hệ thống tưới...

Tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích cơ giới hóa trong sản xuất, nhằm tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân công lao động trong thu hoạch, giảm nhẹ công sức lao động, tránh được độc hại, tăng lợi nhuận cho người nông dân.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, cho biết Đồng Tháp có 17 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu. Đến nay gạo của Đồng Tháp đã xuất sang 31 thị trường, trong đó thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 90%. Ngành hàng lúa gạo là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp trong tái cơ cấu nông nghiệp.

Để cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, tỉnh Đồng Tháp đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” với diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh đến năm 2025 là 70.000ha, đến năm 2030 là 163.000ha. Riêng vụ Đông Xuân 2023-2024, tỉnh Đồng Tháp đảm bảo các tiêu chí tham gia Đề án với tổng diện tích là 40.955ha.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh định hướng cho ngành hàng lúa gạo của tỉnh là tiếp tục thực hiện giải pháp phát triển ngành hàng lúa gạo trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực và theo hướng bền vững thông qua phát triển vùng sản xuất tập trung chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và chú trọng áp dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành sản xuất, tích cực vận động chuyển dịch cơ cấu giống sang nhóm giống chất lượng cao, quản lý chặt vùng sản xuất phục vụ xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dong-thap-chuyen-doi-tu-duy-nang-cao-gia-tri-hat-lua-xuat-khau-post917725.vnp