Đóng tàu dân dụng giải nỗi lo thiếu hụt nguồn nhân lực - Bài 1: Thị trường phục hồi nhưng nhân lực khan hiếm

LTS: Thị trường vận tải biển đang có xu hướng ổn định, tăng trưởng, tác động tích cực đến ngành đóng tàu dân dụng. Lượng đơn hàng dồi dào hơn, tạo cơ sở để ngành đóng tàu có điều kiện phục hồi, phát triển. Tuy nhiên, còn không ít khó khăn mà các đơn vị đóng tàu phải đối mặt. Trong đó, tình trạng già hóa lao động, thiếu nguồn tuyển dụng mới đang hiện hữu, nguồn lực hạn chế, máy móc, thiết bị nhiều năm không được đầu tư cũng tác động trực tiếp đến năng lực sản xuất.

Bài 1: Thị trường phục hồi nhưng nhân lực khan hiếm

Những con tàu đang đều đặn được hạ thủy, bàn giao tại nhiều nhà máy đóng tàu trên cả nước, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội. Mặc dù vậy, một trong những nền tảng quan trọng nhất của các đơn vị đóng tàu là nguồn nhân lực lại đang thiếu hụt, đòi hỏi cần có giải pháp cấp thiết và lâu dài để không lãng phí tiềm năng, cơ hội.

Nhiều nhà máy làm không hết việc

Đã gần đến giờ nghỉ trưa, không khí làm việc trong các phân xưởng của Công ty Đóng tàu Hạ Long (Quảng Ninh) vẫn rất tấp nập. Từng chi tiết được kết nối để thành tổng đoạn, từ đó định hình lên con tàu. Tàu chở hàng trọng tải 24.500 tấn đang được hoàn thiện, từng tốp công nhân miệt mài với những đường hàn, lắp đặt các hạng mục. Seri tàu chở hàng 24.500 tấn gồm hai chiếc, được Công ty Đóng tàu Hạ Long đóng mới cho chủ tàu trong nước. Chia sẻ về hoạt động của đơn vị những năm gần đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Hạ Long nói gọn: “Chúng tôi làm không hết việc”. Công ty tiếp tục ký hợp đồng đóng mới tàu chở hàng 45.000 tấn, cùng với đó là nhiều loại tàu hàng, sà lan, bông tông, tàu vỏ nhôm, tàu thu hoạch hải sản cho chủ tàu nước ngoài. Chưa kể các loại tàu chở khách, du thuyền viễn dương, tàu ngủ đêm trên vịnh đều được Công ty Đóng tàu Hạ Long đảm nhận.

Hơn 20 năm hợp tác với đối tác nước ngoài, Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm (Hải Phòng) duy trì lượng công việc ổn định với các sản phẩm nổi bật như tàu kéo, tàu công trình, tàu phục vụ khai thác, vận chuyển dầu khí... Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm cho biết, mấy năm gần đây, đơn hàng của Công ty nhiều hơn, mỗi năm đóng khoảng 30 tàu kéo, nếu cần thêm sản phẩm đóng mới, đối tác sẵn sàng cung cấp, quan trọng là phải đáp ứng được các điều kiện về an toàn lao động, chất lượng, tiến độ. Đơn vị này cũng vừa hoàn thành đóng mới sà lan chở dầu cho chủ tàu nước ngoài, quy mô tương đương tàu 20.000 tấn, giống như kho nổi trên biển. Nhu cầu chuyên chở dầu khí bằng tàu biển trên thế giới ngày càng cao hơn do việc vận chuyển bằng đường ống gặp khó khăn. Điều này càng tăng cơ hội có thêm đơn hàng mới cho các đơn vị đóng tàu. "Đối tác đề nghị chúng tôi mở rộng sản xuất, đến năm 2028, ít nhất phải đóng được 60 tàu mỗi năm. Để đạt được quy mô này, ngoài chuẩn bị về máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất còn cần phải có nguồn nhân lực", ông Lê Văn Hải chia sẻ.

Công nhân Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm đóng mới tàu cho chủ tàu nước ngoài. Ảnh: BẢO LINH

Theo ghi nhận của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), thị trường đóng tàu trong nước đang dần ổn định, phát triển, nhiều chủ tàu mới ở nước ngoài đến SBIC tìm hiểu năng lực để đặt hàng, các chủ tàu trong nước đề nghị chào giá, ký hợp đồng đóng mới. Điều này giúp gia tăng quỹ việc làm cho các đơn vị, nhiều nơi đủ việc làm cho năm 2023 và gối đầu sang các năm tiếp theo. TS Hoàng Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu thủy Việt Nam đánh giá, hiện nay, các cơ sở đóng tàu phát triển ở khắp các địa phương, trải dài từ Bắc tới Nam với sản lượng hằng năm tăng gấp 10 lần so với những năm 90 của thế kỷ trước. Các cơ sở thiết kế, cung ứng vật tư, thiết bị phục vụ ngành đóng tàu cũng phát triển, đảm nhiệm thiết kế được những sản phẩm có tính năng chuyên dụng và hàm lượng khoa học-công nghệ cao. Đồng thời, còn dư địa rất lớn cho các nhà cung ứng vật tư, thiết bị, thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển.

Đỏ mắt tìm nhân lực

Theo ông Joris Van Tienen, Tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Damen Sông Cấm, liên doanh giữa Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm và Tập đoàn Damen (Hà Lan), hiện Công ty đã chạm ngưỡng công suất tối đa với khoảng 40 tàu/năm. Doanh nghiệp có kế hoạch tăng gấp đôi công suất với dự báo nhu cầu thị trường sẽ tăng trưởng mạnh về các loại tàu lai dắt, tàu công trình, tàu phục vụ dầu khí, điện gió... Tuy nhiên, vấn đề thiếu hụt nhân lực khiến cho nhiều đơn vị ngành đóng tàu lo lắng, trong đó có liên doanh Damen Sông Cấm. Từ quan sát của cá nhân, ông Joris Van Tienen cho rằng, các nhà máy đóng tàu đang đối mặt với sự cạnh tranh lớn về nhân lực, nhất là từ các khu công nghiệp. Đơn cử như tại Hải Phòng, một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử thu hút lượng lao động lớn, không đòi hỏi lao động có kỹ năng đặc biệt, môi trường làm việc lại tốt hơn. "Nhà máy của chúng tôi nếu tăng thêm 300 lao động thì có thể nâng gấp đôi công suất nhưng khó cạnh tranh với các đơn vị sản xuất khác trên địa bàn vì lượng tuyển dụng của họ lên đến 4.000-5.000 lao động", ông Joris Van Tienen bày tỏ.

Thiếu nhân lực cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều đơn vị đóng tàu không thể mở rộng công suất. Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, đến nay, Công ty không dám nhận thêm hợp đồng đóng mới tàu trong nước vì đã gần hết năng lực, không mở rộng thêm được. Việc tuyển thêm lao động rất khó khăn, trong khi nhiều người có chuyên môn, tay nghề, do quá trình tái cơ cấu nên đã rời đi, nay họ tìm được công việc mới ổn định nên không muốn quay lại nhà máy làm việc. "Công nhân đóng tàu đòi hỏi kinh nghiệm, thường 2-3 năm mới thạo việc, tuyển dụng lao động mới khó đáp ứng được công việc ngay mà cần thời gian đào tạo, bồi dưỡng. Trong khi đó, những năm gần đây ít người chọn ngành đóng tàu. Chúng tôi cố gắng giữ quy mô khoảng 1.100 đến 1.200 cán bộ, công nhân viên. Khả năng mở rộng sản xuất không dễ vì không có người làm", ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.

Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đánh giá, thiếu hụt nhân lực ngành đóng tàu trong nước không còn là câu chuyện mới, vấn đề này đã được nhận định và đề cập từ lâu. Theo thống kê của Khoa Đóng tàu (Trường Đại học Hàng hải Việt Nam), các đơn vị đóng tàu, thiết kế tàu tại khu vực miền Bắc cần tuyển dụng trung bình khoảng 100 kỹ sư/năm. Tuy nhiên, số sinh viên tốt nghiệp ra trường của các ngành này chỉ khoảng 10-20 sinh viên/năm vì lượng tuyển sinh kém. Do vậy, nhân lực kỹ sư đóng tàu sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

(còn nữa)

MẠNH HƯNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dong-tau-dan-dung-giai-noi-lo-thieu-hut-nguon-nhan-luc-bai-1-thi-truong-phuc-hoi-nhung-nhan-luc-khan-hiem-749470