Dòng tâm sự mặn chát vị nước mắt của gia đình phi công Trần Quang Khải

Sáng nay 20/6, lễ truy điệu Đại tá phi công Trần Quang Khải đã diễn ra giữa nỗi đau đớn, thương tiếc khôn nguôi của những người ở lại.

7h sáng nay ngày 20/6, lễ truy điệu Đại tá phi công Trần Quang Khải đã diễn ra tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 4 (Nghệ An) trong không khí trang nghiêm. Giữa cái nắng hè gay gắt, những giọt mồ hôi hòa nước mắt rơi, nỗi đau đớn, thương tiếc của gia đình, đồng đội và người dân dành cho người lính không quân đã hy sinh anh dũng khi làm nhiệm vụ trên chiếc tiêm kích Su-30MK2 khiến bầu không khí nhà tang lễ như chùng xuống.

Vợ con Đại tá phi công Trần Quang Khải trong lễ truy điệu anh vào sáng 20/6. Ảnh VnExpress

Vợ con Đại tá phi công Trần Quang Khải trong lễ truy điệu anh vào sáng 20/6. Ảnh VnExpress

Ngay từ chiều ngày 18/6, phóng viên báo Giao Thông có mặt tại xã Tân Dĩnh (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) tìm đến gia đình người thân của phi công Trần Quang Khải để cùng san sẻ nỗi đau quá lớn. Theo lời chị Trần Thị Liên, chị gái thứ 5 trong gia đình anh Khải cho hay, gia đình anh Khải có 11 người con, anh Khải là con thứ 10. Gia đình anh Khải sống trên Hà Nội, nhà cửa, vợ con đều trên đó. Do công việc bận rộn, anh Khải ít được về quê, nhưng thường xuyên gọi điện thăm hỏi bố và các anh chị em.

“Có những lần về, anh chỉ ở được 1 đêm thăm bố, rồi vội đi làm nhiệm vụ ngay. Do đó, anh chị em càng ít cơ cơ hội gặp Khải”, chị Liên kể. Theo chị Liên, khi nghe tin máy bay Su-30MK2 mà anh Khải ở trên gặp nạn, mất tích gia đình vẫn hy vọng anh Khải sống sót trở về. Ngay đến chiều 17/6, gia đình vẫn hy vọng. “Đến tối 17/6, đơn vị đến nhà thông báo thì mới hết hy vọng”, chị Liên nghẹn ngào.

Trong ký ức của chị Liên và những người hàng xóm, đồng đội, phi công Trần Quang Khải là người tốt tính, hiền lành, trách nhiệm và tình cảm, ai cũng yêu mến. Anh Khải lập gia đình muộn, đến nay mới có 1 con gái nhỏ năm nay gần 4 tuổi. Được biết kể từ khi nghe tin chồng tử vong, vợ anh Khải đau đến không khóc được, cứ nằm trân trân đó thôi.

Trong khi đó, người chị cả của phi công Trần Quang Khải tên Trần Thị Tuấn sinh sống ở tận Vũng Tàu, nhưng ngay sau khi nghe tin máy bay Su-30MK2 mà em trai đang làm nhiệm vụ gặp nạn và mất tích, chị lập tức bay ra Bắc để ngóng tin tìm kiếm em. “Hiện chị Tuấn cùng chị thứ 6 của gia đình tên Trần Thị Lân và em vợ Khải đang trong Nghệ An. Ngày mai, mọi người trong gia đình mới vào hết trong đó để làm nghi lễ và đưa em về quê” – chị Liên nghẹn ngào cho biết.

Đã ở tuổi 90, gầy rộc đi từ ngày nhận được tin máy bay Su-30MK2 có con trai mất tích, nhưng bố anh Khải, ông Trần Văn Phùng vẫn gượng tiếp mọi đoàn khách đến thăm. Giấu nỗi đau ‘người đầu bạc tiễn người đầu xanh’ sau dáng vẻ cứng cỏi, ông nói: “Ngay từ khi máy bay Su-30MK2 mất tích, đơn vị của em đã cử người về với gia đình. Từ hôm qua đến nay, rất đông đồng đội, người thân, họ hàng, làng xóm… đến động viên, chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình”. Tuy nhiên, chiều muộn ngày 18/6, sau khi tiễn một đoàn khách ra cửa, ông quay vào nhà, đưa khăn lên chấm nước mắt, lặng lẽ khóc…

Bố đẻ của phi công Trần Quang Khải năm nay đã 90 tuổi, ông giấu nỗi đau mất con sau dáng vẻ cứng cỏi. Ảnh Giao Thông

Được biết trước lễ truy điệu, từ tối 19/6 hơn 50 người thân hai bên gia đình nội, ngoại của Đại tá phi công Trần Quang Khải đã có mặt tại TP.Vinh (Nghệ An) để chuẩn bị cho lễ viếng, truy điệu theo nghi thức quân đội được tổ chức vào sáng ngày 20/5. Giữa không khí trầm lắng, đau thương nghẹn ngào, ông Trần Văn Nguyên (56 tuổi) – bố vợ Đại tá phi công Trần Quang Khải nấc lên từng tiếng khi nhắc đến người con rể của mình với phóng viên báo Nghệ An.

“Khải về làm rể trong nhà được 4 năm nay nhưng chẳng mấy khi bố con có điều kiện ngồi trò chuyện, tâm sự với nhau được lâu. Lúc nào cũng thấy nó bận công việc, một năm về nhà được đôi ba ngày dịp Tết. Khải là đứa chu đáo, tình cảm, ít nói nhưng thương vợ, thương con…”, ông Nguyên gạt nước mắt chia sẻ.

Nghe bố mình tâm sự, chị Hà (33 tuổi) – vợ phi công Trần Quang Khải bần thần bảo, mới thứ 7 tuần trước đây thôi, anh còn tranh thủ ghé về qua nhà, chở vợ con đi chơi một lúc. Trước khi đi, anh lại bế con, thơm nựng con là bố đi công tác. Chị cũng nghĩ như bao chuyến công tác khác của anh, nào ngờ…

Với những người thân trong gia đình, phi công Trần Quang Khải là người con, người chồng, người anh trai giản dị, trách nhiệm. Em trai phi công Trần Quang Khải là anh Trần Minh Hùng, hiện cũng đang có mặt tại TP Vinh để lo toan cho lễ viếng và truy điệu của anh trai.

Anh Hùng xúc động chia sẻ: “Gia đình tôi có 11 anh chị em, anh Khải là con thứ 10 và cũng là người duy nhất theo binh nghiệp. Thường xuyên công tác xa nhà, đặc thù công việc bận rộn nhưng hễ có tí thời gian nào là anh vội về thăm gia đình, nhiều khi chỉ ghé được 15 phút anh cũng về. Mất mát này quá to lớn với gia đình tôi. Bố tôi năm nay đã 90 tuổi, nghe tin dữ này ông suy sụp tinh thần hẳn, dù rất muốn trực tiếp vào Nghệ An đón con trai về quê nhà nhưng không đủ sức khỏe”.

Ông Trần Văn Nguyên (bố vợ Đại tá phi công Trần Quang Khải) không cầm được nước mắt khi nhắc đến người con rể. Ảnh Báo Nghệ An

Giữa nỗi đau mất người thân, anh Hùng vẫn gắng gượng thay mặt cả gia đình gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân cả nước đã nỗ lực tìm kiếm, động viên, chia sẻ nỗi mất mát của gia đình. “Điều an ủi lớn nhất với gia đình trước hoàn cảnh đau thương, mất mát này chính là sự chia sẻ, tình cảm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các đồng nghiệp và nhân dân cả nước. Có những người dù chưa quen biết nhưng đã trực tiếp gọi điện, đến tận nhà để thăm hỏi, động viên gia đình, với chúng tôi, đó là món quà ân tình sâu đậm sẽ khắc cốt ghi tâm.

Qua báo Nghệ An, thay mặt gia đình, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, chính quyền các cấp và nhân dân trong cả nước, trong đó có nhân dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng… đã tập trung sức lực, nhân lực tham gia tìm kiếm anh Khải và đồng đội của anh” – em trai phi công Trần Quang Khải xúc động nói.

Giữa vô vàn bài thơ, khúc hát, dòng tâm sự nghẹn ngào của những người ở lại, xin mượn đôi câu của một cựu lính phi công từng chia sẻ trong chương trình ‘Như chia hề có cuộc chia ly’ để thay lời tiễn biệt đến Đại tá phi công Trần Quang Khải:

"Anh hiểu bầu trời hơn mọi người hiểu nó

Bởi cùng sống và cùng chung nhịp thở

Trời gắn với anh ngay từ những buổi đầu

Như thưở nào chúng ta đến bên nhau

Bằng tất cả nỗi buồn vui thương nhớ

Em ơi em máu bọn anh đã đổ

Để giữ cho vòm cao mãi trong lành

Có bao giờ em ngắm trời xanh

Mà thấy bao tủi hờn khó nhọc

Có bao giờ nhìn trời mà em khóc

Có bao giờ theo hút một cánh chim

Mà em thấy lòng buồn trống trải".

Phan Huyền (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/phi-cong-tran-quang-khai-qua-dong-tam-su-xuc-dong-cua-nguoi-than-d95771.html