Đồng tâm hiệp lực để xây dựng quê hương

Ông NGUYỄN XUÂN BIỂU, nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Cam Lộ: Tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để duy trì tốc độ tăng trưởng

Tôi từng làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cam Chính. Năm 1992, tôi làm Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ. Từ năm 2007 đảm nhiệm vai trò Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện cho đến năm 2014 thì nghỉ hưu. Còn nhớ, trước những năm 1992, Cam Lộ vẫn là huyện nghèo, nền kinh tế thuần nông nghiệp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo tương đối cao.

Sau khi lập lại huyện, với tinh thần vừa học hỏi vừa rút kinh nghiệm, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Cam Lộ đã tìm được hướng đi đúng, có những giải pháp phát triển kinh tế-xã hội phù hợp theo từng giai đoạn. Nhờ đó, từ nền sản xuất tự cung tự cấp, nhỏ lẻ, manh mún, cơ cấu nền kinh tế của huyện từng bước phát triển theo hướng tăng tỉ trọng ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đến nay, huyện Cam Lộ có nhiều khu, cụm công nghiệp; hình thành các vùng kinh tế rõ rệt, người dân phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh, xây dựng nhiều trang trại tổng hợp với các loại cây công nghiệp như cao su, hồ tiêu, lạc, cây dược liệu, rừng, chăn nuôi đàn trâu, bò, dê, gà, cá nước ngọt... cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Từ những kết quả về kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng, tỉ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ, văn hóa-xã hội được chú trọng phát triển. Nhờ vậy, Cam Lộ là huyện về đích huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, song Cam Lộ vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Vì vậy, tôi mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư những dự án lớn, từ đó tạo công ăn việc làm cho con em địa phương; tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; duy trì tốc độ tăng trưởng hằng năm. Về nông nghiệp, cần quy hoạch vùng sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường, chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, đồng thời tạo ra chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều đối tượng yếu thế, kém may mắn. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp cần làm tốt công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa để người dân yên tâm sinh sống, sản xuất.

* Nhà báo PHẠM XUÂN DŨNG, Đài PT-TH Quảng Trị: Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý đất đai

Những thành tựu khá toàn diện của huyện Cam Lộ sau 30 năm lập lại đã thấy rõ qua những số liệu tăng trưởng, những khảo sát thực tế và thông tin trên báo chí. Từ góc nhìn của một người làm báo từng lăn lộn nhiều năm tác nghiệp trên mảnh đất quê hương, tôi rất vui mừng khi thấy quê hương đã về đích huyện nông thôn mới. Đây không chỉ là thành quả đánh dấu sự nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân Cam Lộ trong 30 năm qua mà còn là sự thừa kế di sản tinh thần của một vùng quê có truyền thống yêu nước bền bỉ. Nhớ lại những thước phim ngày đầu lập lại huyện cho đến hôm nay, có thể thấy những bước phát triển của quê nhà. Thành tựu thì có nhiều nhưng minh chứng dễ nhận thấy rõ nét nhất là hệ thống giao thông được xây dựng hoàn thiện. Ngay cả vùng Cùa núi rừng chiến khu xưa, bây giờ nhà cửa, ruộng vườn và nhất là hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư đồng bộ.

Tuy vậy cũng cần nhìn nhận rằng, người dân vẫn còn khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vì giá cả bấp bênh. Tìm đầu ra cho nông sản và xây dựng thương hiệu mang đặc trưng Cam Lộ dù đã có những tín hiệu đáng mừng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, cần tìm hướng đột phá thích hợp và bền vững. Người dân ở nhiều địa bàn miền núi nhưng vẫn thiếu đất sản xuất, hoặc có đất nhà, đất vườn, đất rừng nhưng việc làm giấy CNQSD đất vẫn còn nhiều ách tắc, chậm trễ khiến họ chưa thể an cư lạc nghiệp.

Từ thực tế, tôi kiến nghị lãnh đạo tỉnh sớm có quyết định dừng việc khảo sát dự án tâm linh, sinh thái Tuyền Lâm vì đã qua 10 năm, giao lại 3.900 ha đất để huyện Cam Lộ chủ động trong phương án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư và phân bố quỹ đất thích hợp cho những hộ dân thiếu đất sản xuất, có cơ hội xóa đói giảm nghèo bền vững. Đất của Công ty lâm nghiệp Đường 9 giao lại cho huyện cần thúc đẩy tiến độ nhanh hơn, có “đất sạch”, đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tế để thuận tiện trong việc giao đất cho dân, nếu có khó khăn nên kiến nghị cấp trên để tháo gỡ. Cần tiến hành kiểm tra, giám sát việc quản lý tài nguyên môi trường, chấn chỉnh những sai sót, chậm trễ không đáng có và đẩy nhanh tiến độ làm giấy CNQSD đất cho người dân. Mọi việc nên công khai, minh bạch, có thời hạn rõ ràng để người dân được biết. Cùng với đó, đầu tư phục hồi chợ Phiên Cam Lộ, xây dựng thành một điểm du lịch cùng với di tích Trụ sở Chính phủ CMLTCHCN Việt Nam, di tích Thành Tân Sở, cao điểm 241... trở thành những điểm tham quan, du lịch thu hút khách gần xa.

* Bà LÊ THỊ BA, thôn An Thạch, xã Thanh An: Cần có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân

Khoảng hơn 10 năm về trước, cuộc sống của người dân nông thôn chúng tôi rất vất vả. Nông dân trồng trọt, chăn nuôi nhờ trời, được chăng hay chớ. Người buôn bán thì bấp bênh, khó khăn từ khâu nguyên liệu đến tìm thị trường tiêu thụ, giá cả không ổn định. Gia đình tôi cũng vậy. Sau nhiều năm bôn ba làm đủ thứ nghề từ miền Trung vô đến miền Nam, mới tìm được một nghề nghiệp phù hợp. Bốn năm trước, gia đình tôi thành lập Công ty TNHH MTV Đức Chí Tâm, chuyên sản xuất và lắp ráp máy quạt điện. Thị trường của công ty chủ yếu tại nước bạn Lào. Mặc dù công ty nhỏ, mới thành lập nhưng đã tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Nhìn chung, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tạo môi trường thuận lợi, có nhiều hỗ trợ đối với doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, phát triển kinh tế. Nhờ vậy, chúng tôi có thêm động lực để kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vì ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh nên công ty gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi không nhập được nguyên liệu và việc xuất kho cũng bị giảm đáng kể so với trước. Trước những khó khăn đó, chúng tôi mong muốn lãnh đạo huyện và ban, ngành các cấp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhiều hơn nữa để họ yên tâm sản xuất, sinh sống. Đặc biệt, đối với các lao động tự do, lao động tại những công ty nhỏ, xưởng sản xuất trên địa bàn.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, lao động vẫn chưa nhận được hỗ trợ từ chính quyền các cấp sau dịch bệnh. Hiện nay, vấn đề môi trường nông thôn đang được người dân rất quan tâm. Trên địa bàn vẫn còn một số trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất thực phẩm nằm gần khu dân cư. Lượng chất thải từ các cơ sở, trang trại này làm ô nhiễm môi trường nước và không khí. Do đó, chúng tôi kiến nghị chính quyền các cấp có giải pháp căn cơ để vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường nông thôn.

* Chị HOÀNG THỊ DIỆU LINH, chuyên viên Huyện đoàn Cam Lộ: Phát huy vai trò, sự cống hiến của thanh niên

Xin mượn lời của Robert A. Heinlein (một nhà văn khoa học viễn tưởng Mỹ): “Một thế hệ ngoảnh mặt với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ-và cũng không có tương lai”. Trong không khí vui tươi kỷ niệm 30 năm ngày lập lại huyện Cam Lộ, là một người trẻ, được thụ hưởng những thành quả của quá trình xây dựng quê hương trên mảnh đất anh hùng và chứng kiến chặng đường phát triển, tôi rất vinh dự và biết ơn các bậc tiền nhân. Trải qua những khó khăn buổi ban đầu, quê hương Cam Lộ nay đã khởi sắc trên nhiều phương diện, gặt hái những thành tựu nhất định về kinh tế-xã hội.

Đang làm công tác Đoàn, tôi đặc biệt quan tâm tới việc thực hiện các cơ chế, chính sách đối với thanh niên. Thiết nghĩ, việc quan tâm đầu tư cho thế hệ trẻ sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền tảng vững chắc để tiến nhanh, bền vững trong tiến trình xây dựng quê hương. Trong đó, việc ưu tiên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ có khả năng sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học-công nghệ, đổi mới trong tư duy lao động, học tập là rất cần thiết. Từ đó, sẽ phát huy được vai trò, sự đóng góp, cống hiến của thanh niên trong việc tham gia các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện các mục tiêu chung. Vì vậy, tôi mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời quan tâm, hỗ trợ, động viên đoàn viên, thanh niên lập thân, khởi nghiệp để họ có thêm động lực cống hiến cho quê hương.

Với truyền thống cách mạng vốn có và sự dẫn dắt của lãnh đạo huyện, tôi tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Cam Lộ sẽ phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, khai thác mạnh mẽ hơn nữa những tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tạo sự bứt phá mới trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, xây dựng huyện Cam Lộ ngày càng văn minh, giàu đẹp, xứng tầm là huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Trị.

Trần Tuyền (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=162943&title=dong-tam-hiep-luc-de-xay-dung-que-huong