Dòng sông Tam Bạc: Xưa và Nay

'Hải Phòng có bến Sáu Kho. Có sông Tam Bạc, có lò Xi măng'. Ở Hải Phòng, hầu như ai cũng thuộc lòng câu ca dao này. Nói thế để thấy, sông Tam Bạc đã trở thành một chứng tích đồng hành cùng lịch sử của thành phố, cũng như là một trang ký ức in đậm sâu trong lòng mỗi người dân đất Cảng.

Phồn hoa một thuở

Sông Tam Bạc dài chỉ 11 km bắt đầu từ thôn Trạm Bạc của huyện An Dương. Ban đầu, sông có tên là Trạm Bạc, sau đọc trại đi thành Tam Bạc. Nhiều tài liệu lịch sử ghi lại, những năm 1876, vùng Tam Bạc chỉ có những túp lều xám xịt, tồi tàn. Cạnh sông Tam Bạc thời ấy có một phiên chợ với nhiều món hàng cá tươi, gà, vịt nhưng đặc biệt không buôn bán rau xanh.

Theo thời gian, Tam Bạc dần trở thành tuyến giao thông đường thủy quan trọng, nơi đúng nghĩa mô tả với cụm từ “trên bến, dưới thuyền”, bán buôn tấp nập. Thời vua chúa nhà Nguyễn, triều Nguyễn đã chiêu tập các thương nhân người Việt, người Hoa tới vùng ven sông Tam Bạc sinh sống và kinh doanh. Dòng người tha hương từ các vùng quê dắt nhau theo các triền sông đổ về vùng đất lầy lội này làm phu khuân vác, làm thợ nề, thợ đấu... đìu díu quây quần trong những lán trại lúp xúp, những con đò nát, lập lòe ánh lửa, những xóm trên sông trôi nổi theo dòng Tam Bạc lấp lánh váng dầu.

Đến khoảng năm 1885, Hải Phòng dần hiện lên dáng dấp của một đô thị kiểu phương Tây với những dãy phố được quy hoạch ô bàn cờ, đường rộng có hè, nhà xây lối biệt thự bằng tường gạch, lợp ngói cao 2 đến 3 tầng dần thay thế cho những nhà sàn tre, nứa… Lúc này, phố bên sông Tam Bạc được hình thành rõ nét hơn. Các nhà trên Phố Tam Bạc là mặt sau của các nhà trên phố Ba Ti và phố Khách (nay là Phố Lý Thường Kiệt). Phố Tam Bạc không có mặt tiền, không sạch sẽ và không đẹp đẽ như hiện nay. Sau này, các thương nhân mới đục tường làm cửa thông ra phố Tam Bạc để tiện đi lại.

Đầu thế kỷ 20, Tam Bạc là phố buôn bán của người Việt, người Hoa, phố Bến Tàu với nhiều nhà tư sản Việt Nam như Bạch Thái Bưởi (ông vua tàu thủy Việt Nam), Nguyễn Hữu Thu, hay những nhà buôn Hoa kiều nổi tiếng khác như Bảo Sinh, Lai Thành, Xương Phát Nguyên… đã đến đây lập bến. Dọc theo sông Tam Bạc là các bến tàu với các cầu tàu lúc nào cũng neo đậu chật kín. Vào thời cực thịnh, sông Tam Bạc đông đúc, ngược xuôi tàu, thuyền. Trên bờ thì luôn náo nhiệt cảnh đi lại bốc xếp hàng hóa, mua bán của các thương nhân, hành khách, phu phen.

Sự ra đời của phố Tam Bạc gắn liền với con sông Tam Bạc và sự phát triển của đô thị Hải Phòng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Khác với các khu phố Tây, kiến trúc sang trọng, chuẩn mực, tinh tế, thì ngược lại kiến trúc phố Tam Bạc có phần thực dụng, xô bồ với những căn nhà được xây dựng không theo một chuẩn mực nào.

Các mái nhà lô nhô cao thấp, các khuôn cửa có nhiều hình dáng, kích thước khác nhau, tạo cho con phố một tổng thể kiến trúc đa hình khối, nhiều sắc màu, làm nên một nét rất riêng chỉ có ở Hải Phòng, là nguồn cảm hứng của hàng trăm tác phẩm nghệ thuật. Cũng chính bởi vậy, con phố cổ này trước Cách mạng tháng Tám gắn liền với cuộc sống xô bồ, vất vả mưu sinh của những mảnh đời phu xe, bốc vác kiếm sống quanh các bến tàu trên sông. Đây cũng là nơi nhà văn Nguyên Hồng hay đi về để tìm hiểu, trải lòng, đồng cảm với những thân phận dưới đáy sông, những cuộc đời tại bến tàu. Đó là nhựa sống nuôi dưỡng tâm hồn để ông sáng tạo nên nhiều tác phẩm để đời.

Sau năm 1945, phố và sông Tam Bạc dần trở nên không còn sầm uất, trên bến, dưới thuyền nữa do dòng sông ngày càng bồi lấp, một phần cũng bởi các loại hình buôn bán, knih doanh đã thay đổi nhiều so với trước đây.

Hiện nay, chính quyền thành phố Hải Phòng đang đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo và chỉnh trang để dòng sông lịch sử trở nên đẹp hơn từng ngày. Đường được mở rộng và thảm nhựa 2 bên, dòng sông được khơi thông, kè chắc chắn, những ngôi nhà cũ được bảo tồn, những ngôi nhà mới được xây theo quy chuẩn riêng mọc lên ngay hàng thẳng lối. Hải Phòng cũng đang chuẩn bị phục dựng lại một số kiến trúc đã từng tồn tại trên dòng sông này nhằm lưu giữ lịch sử và hướng tới thu hút thêm du khách thưởng lãm.

Bến sông Tam Bạc hồi đầu thế kỷ XX

Sông Tam Bạc với cầu Quay lịch sử

Trao đổi với VietnamFinance, ông Phạm Tuệ, Nhà nghiên cứu văn hóa Hải Phòng cho biết: ‘Sông Tam Bạc trong ký ức của tôi là nơi buôn bán sầm uất với sự nổi tiếng với cầu Quay, cầu Nâng và bến tàu Quảng Đông. Nơi đó để lại nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm... và thật nhiều nỗi nhớ cho người Hải Phòng”.

Từ cuối thế kỷ 19, chính quyền thuộc địa đã chọn Hải Phòng để xây dựng cảng biển cùng tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai. Theo đó, một loạt cầu thép được xây trên tuyến xe lửa này, trong đó có cầu Quay Hải Phòng. Cây cầu bắc qua sông Tam Bạc này được khởi công năm 1901, hoàn thành năm 1902. Cầu được xây bằng dầm thép, có 2 nhịp và 3 khoang thông thuyền, phục vụ cho cả đường bộ và đường sắt. Để không gây trở ngại cho các tàu thuyền qua lại trên sông, các kỹ sư người Pháp đã thiết kế nhịp giữa cầu có thể quay ngang 90 độ. Đó chính là nguồn gốc tên gọi cũng như nét độc đáo của cầu Quay xưa.

Những năm đầu, cầu được điều khiển thủ công bởi 5-6 công nhân người Việt. Họ sử dụng hệ thống ròng rọc để quay cả một nhịp cầu dài khoảng 50 mét, nặng cả trăm tấn. Sau một thời gian, việc vận hành được thực hiện bằng động cơ điện, nhưng cầu vẫn có thể được vận hành bằng tay nếu cần thiết. Trong thời kỳ chiến tranh, do phải gánh chịu nhiều đợt bom đạn dội xuống khiến cầu Quay bị hư hỏng nặng, sau này được sửa lại nhưng không còn quay được như trước nữa.

Theo năm tháng, cầu Quay đã đi vào trong tâm trí của bao thế hệ người dân Hải Phòng với hình ảnh của một cây cầu mạnh mẽ, độc đáo cùng những chuyến xe lửa đầy ắp hàng hóa, chạy bằng than (sau là bằng dầu diesel), có tiếng còi cùng cột khói trắng đặc trưng, những đoàn thuyền, sà lan trĩu nặng nguyên vật liệu nối đuôi nhau dưới sông hay những khoang tầu hỏa mà hành khách ở đó có thể quan sát dòng sông Tam Bạc trải dài hai bên, có thể thấy cả đoàn người phía con đường bên dưới và thành phố thân thương như đang tạm biệt hay đón chào mình.

Năm 2011, để đồng bộ với sự phát triển các mặt như kinh tế, giao thông, mỹ quan đô thị của thành phố, chính quyền Hải Phòng đã cho xây dựng cầu đường bộ Tam Bạc song song với cầu Quay cũ, mà người dân nơi đây còn gọi là cầu Quay mới. Cầu có chiều dài 197m, chiều rộng 12m, kết cấu 5 nhịp dầm bê tông cốt thép dự ứng lực, vận tốc thiết kế đạt 50 km/h. Tĩnh không thông thuyền của cầu rộng 40m, cao 4,75m. Công trình có tổng mức đầu tư là 367,3 tỷ đồng, được thông xe vào ngày 27/4/2013.

Từ đây, cầu Quay đã được nâng cấp lên một phiên bản kép, với hai diện mạo, hai sắc thái khác nhau nhưng cùng sát cánh và cùng phân chia chức năng, nhiệm vụ. Một nhánh là cầu dành cho đường sắt và người đi bộ, mang dáng vẻ cổ kính với những dấu nếp của thời gian, trải nghiệm, nơi mà ngoài chức năng giao thông, người dân Hải Phòng cũng thường đến đến để quan sát, tìm hiểu những dấu tích, những câu chuyện xưa hay có thể chụp những bộ hình mang nét hoài niệm cho bản thân, bạn bè, gia đình.

Nhánh còn lại là cầu đường bộ, khá rộng và đẹp, là một trong những cửa ngõ chính hướng vào khu vực nội thị. Cây cầu không chỉ giúp người dân Hải Phòng cùng du khách đi lại thuận tiện mà còn tạo nên khung cảnh tươi đẹp, đại diện cho sức sống mới của thành phố Cảng Hải Phòng.

Xưa giá trị là vậy, nay cầu Quay vẫn kế thừa nguyên vẹn và phát huy được những nét độc đáo, ấn tượng, những đặc trưng mang tính văn hóa, lịch sử riêng biệt của mình đồng thời còn hàm chứa cả hình ảnh của sự chuyển mình, trỗi dậy mạnh mẽ, của sự tươi trẻ, tiêu biểu cho sức sống mới của thành phố Hải Phòng, một trong những địa phương đang đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bên cạnh cầu Quay, cầu Thống chế Joffre (nay là Cầu Lạc Long) cũng là một điểm nhấn của Hải Phòng. Cầu được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, khánh thành ngày 11/01/1922. Cầu Thống chế Joffre bắc qua sông Tam Bạc, với nhiệm vụ kết nối nội thành thành phố Hải Phòng với quốc lộ số 5. Ban đầu, cầu có tên là cầu Giốp (Pont Joffre), sau Cách mạng tháng Tám được đổi tên thành cầu Ngô Quyền và đến năm 1954 lại được đổi thành cầu Lạc Long. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, cầu nhiều lần bị máy bay Mỹ ném bom và hư hại hoàn toàn, sau đó được sửa chữa, khôi phục lại.

Đến năm 1991, UBND thành phố Hải Phòng quyết định xây dựng cầu Lạc Long mới dài 146,6m, rộng 15m, cạnh vị trí cầu Lạc Long cũ như hiện nay. Sau khi cầu mới đi vào hoạt động, cầu Lạc Long cũ đã được dỡ bỏ để thông tuyến đường thủy trên sông Tam Bạc.

Tam Bạc ngày nay

Sông Tam Bạc bây giờ đã đổi khác rất nhiều với những phố xá đẹp, đường đi rộng rãi khang trang. Ban ngày Sông Tam Bạc là nơi sáng tác của nhiều thi ca nghệ sỹ, đêm đến, Sông Tam Bạc đổi mình trở thành phố đi bộ sáng đèn 2 bên dòng sông, tấp nập hàng nghìn người qua lại, mua sắm, ăn uống.

Trong những năm 1930, buôn bán trên Sông Tam Bạc đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Hải Phòng và khu vực xung quanh. Thời kỳ này đánh dấu sự gia tăng của hoạt động thương mại và tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới trên dòng sông sôi động này. Các tàu thyền chở hàng và tàu hành khách liên tục ra vào các bến tàu, giao lưu hàng hóa và người dân giữa các khu vực.

Ngày nay, dù vẫn còn một số tàu thuyền hoạt động trên sông Tam Bạc (vị trí gần sông Cấm), nhưng số lượng không còn nhiều như trước đây. Chủ yếu là một số tàu thuyền nhỏ được sử dụng cho mục đích cá nhân hoặc nghề cá. Những tàu thuyền này thường được sử dụng để đi câu cá hoặc vận chuyển hàng hóa nhỏ trên sông.

Năm 2019, trong một nỗ lực lớn nhằm chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, ngăn chặn ô nhiễm môi trường, dòng sông đã được thành phố Hải Phòng đầu tư gần 1.500 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp kè và đường hai bên. Theo đó, Sông Tam Bạc giờ đã trở thành một dải lụa đẹp giữa trung tâm thành phố Hải Phòng với những công trình được quy hoạch bài bản, đường giao thông và vỉa hè to đẹp. Từ đó, dòng nước sông Tam Bạc cũng trở nên xanh hơn, đẹp hơn. Thành phố cũng đầu tư xây dựng phố đi bộ Tam Bạc dọc theo bờ sông, thả 210 con thiên nga trắng nhập khẩu từ nước ngoài xuống sông đoạn từ cầu Lạc Long đến công viên Tam Bạc, tạo điểm sinh động cho nơi đây.

Trang Nguyễn

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/dong-song-tam-bac-xua-va-nay-20180504224294936.htm