Đồng nhiễm HIV và viêm gan C gây biến chứng nặng, tỉ lệ tử vong cao

Một người đồng nhiễm HIV và viêm gan C có thể làm tăng nhanh tỉ lệ xơ hóa tiến triển. Ngay cả ở những người bệnh đồng nhiễm HIV và viêm gan C đã được điều trị thuốc ARV và có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế thì nguy cơ xơ gan mất bù vẫn cao hơn ở người chỉ nhiễm viêm gan C.

Tỉ lệ bệnh nhân đồng nhiễm HIV và viêm gan C khá cao

Theo ước tính của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam có khoảng gần 1 triệu người nhiễm viêm gan C mạn tính. Trong số này, tỉ lệ người nhiễm viêm gan C đồng nhiễm HIV là khoảng 34.4%.

Người tiêm chích ma túy có tỉ lệ đồng nhiễm viêm gan C và HIV rất cao.

Viêm gan C và HIV lây chủ yếu qua đường máu, hay gặp nhất là sử dụng chung kim tiêm chích ma túy. Trước đây, những người tiêm chích ma túy thường sử dụng bơm kim tiêm chung, thì tỉ lệ người nhiễm VGC và HIV trong nhóm người tiêm chích ma túy có thể lên tới 90%.

Theo PGS.TS.Trịnh Thị Ngọc - Phó Chủ tịch hội Gan mật Việt Nam - nguyên Chủ nhiệm khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, thời gian gần đây chúng ta đã có chính sách của nhà nước là phát bơm kim tiêm 1 lần cho người tiêm chích ma túy nên tỉ lệ mắc bệnh truyền nhiễm đã giảm rõ rệt. Nhưng tỉ lệ đồng nhiễm HIV va viêm gan C vẫn có tỉ lệ rất cao.

Vì sao đồng nhiễm HIV và viêm gan C gây biến chứng nặng nhanh?

Khi mắc viêm gan C, đa số bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng khi nhiễm bệnh. Nhưng nếu không phát hiện và điều trị bệnh sớm, dần dần bệnh sẽ tiến triển thành mạn tính, với tỉ lệ 85% còn tồn tại virus trong máu suốt đời. Nếu không điều trị, viêm gan C sẽ diễn biến thành các biến chứng và tăng nguy cơ tử vong. Ở người chỉ nhiễm viêm gan C thì diễn biến này xảy ra tương đối chậm, mất khoảng 30-40 năm.

Đối với những bệnh nhân nhiễm HIV bị đồng nhiễm viêm gan C, thì tình trạng viêm gan C ở người nhiễm HIV có thể làm tăng nhanh quá trình tiến triển đến xơ gan so với người không nhiễm HIV. Ngay cả ở những người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C đã được điều trị thuốc ARV và có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế thì nguy cơ xơ gan vẫn cao hơn ở người không nhiễm HIV. Ở bệnh nhân HIV đồng nhiễm viêm gan C thời gian rút ngắn lại chỉ còn khoảng 10-20 năm.

Lấy máu xét nghiệm sàng lọc bệnh cho bệnh nhân.

Từ khi thuốc ARV được mở rộng điều trị, thì tỉ lệ tử vong ở người nhiễm HIV đã giảm đáng kể. Nhưng với nhóm bệnh nhân đồng nhiễm HIV và viêm gan C thì tỉ lệ tử vong không có xu hướng giảm. Tỉ lệ này là do nhiều yếu tố như: Do người bệnh gặp nhiều rào cản trong tiếp cận với các dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan C (do điều kiện kinh tế, xã hội hoặc do chính bản thân người bệnh không muốn tiếp cận với cách dịch vụ này).

Hơn nữa, theo PGS.TS.Trịnh Thị Ngọc vấn đề quản lý và điều trị cho bệnh nhân đồng nhiễm 2 bệnh này là rất khó khăn. Việc sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc sẽ khiến tình trạng kháng thuốc cao; việc thải độc quá tải… dẫn đến tổn thương gan nặng hơn nhanh hơn.

Để giải quyết vấn đề này, theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, Việt Nam đã và đang triển khai các biện pháp nhằm mở rộng dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan C cho người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C.

Theo đó, từ cuối năm 2018 chi phí thuốc DAA điều trị viêm gan C đã bắt đầu được thanh toán bảo hiểm là 50%. Bắt đầu từ năm 2021, Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét cũng thực hiện hỗ trợ miễn phí thuốc sofosbuvir và daclatasvir điều trị viêm gan C. Ngoài ra, người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C sẽ được theo dõi đồng thời đối với điều trị thuốc ARV và viêm gan C ngay tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS từ tuyến quận/huyện trở lên.

Bên cạnh đó, người bệnh đồng nhiễm HIV và viêm gan C được chi trả các dịch vụ khác như xét nghiệm chẩn đoán viêm gan C theo quyền lợi và mức hưởng của Quỹ Bảo hiểm y tế và các xét nghiệm khác theo quy định.

Nguyễn Ha

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dong-nhiem-hiv-va-viem-gan-c-gay-bien-chung-nang-ti-le-tu-vong-cao-169231021164614951.htm