Dòng người đổ về Đền Hùng trước ngày Giỗ Tổ, đường lên đền Hạ không còn chỗ trống

Ngày 17/4 (9/3 âm lịch) tức một ngày trước chính lễ Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm Giáp Thìn 2024, Khu di tích lịch sử đông nghịt người dân và du khách thập phương đổ về.

Người dân đi lễ Đền Hùng

Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm Giáp Thìn 2024 được tổ chức từ ngày 9/4 (tức ngày 1/3 Âm lịch) tại Khu di tích lịch sử đền Hùng (tỉnh Phú Thọ). Chính lễ rơi vào ngày 18/4 (tức ngày 10/3 Âm lịch). Thế nhưng từ ngày 17/4 (tức 9/3 Âm lịch) đã có rất nhiều du khách thập phương về với đền Hùng.

Theo ghi nhận thực tế, đã có khá đông du khách từ khắp nơi đổ về đền Hùng vào ngày 17/4, càng về chiều, số lượng du khách về với nơi "đất Tổ" càng đông hơn.

Một nhóm người đồng bào dân tộc Dao từ Tuyên Quang đã tới đền Hùng, nhóm người này chia sẻ: "Chúng tôi đi từ sáng, khoảng 4h chiều nay mới tới nơi, sẽ ở lại đây để dự lễ chính, từ sau Covid tới giờ, năm nào chúng tôi cũng về thăm đền Hùng vào ngày giỗ Tổ".

Vào khoảng 16h, theo ghi nhận thực tế, hàng ngàn người đổ về khiến khu vực đường lên đền Hạ không còn chỗ trống, thế nhưng lực lượng chức năng đã không để xảy ra tình trạng chen lấn xô đẩy gây mất an toàn và tôn nghiêm tại nơi linh thiêng.

Theo Ban tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2024, Công an tỉnh Phú Thọ huy động gần 1.000 chiến sĩ làm nhiệm vụ tại các chốt, các đền, các địa điểm ở thành phố Việt Trì và địa bàn lân cận. Trong đó, tập trung nhất là Khu di tích lịch sử Đền Hùng để triển khai thực hiện các nhiệm vụ từ phân luồng, điều tiết giao thông, không để tình trạng ùn tắc, chen lấn, xô đẩy tại khu vực diễn ra lễ hội. Đồng thời đầu tư sửa chữa, thay mới 30 camera hồng ngoại, sẵn sàng tích hợp và sử dụng hệ thống camera của Khu di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì.

Nhiều du khách tranh thủ chụp ảnh kỉ niệm khi có dịp về thăm đền Hùng

Rất nhiều lễ vật đã được du khách thập phương chuẩn bị chu đáo...

Theo gia đình cụ ông Kiều Văn Miên (94 tuổi, Thạch Thất- người chống gậy trong ảnh) chia sẻ, cứ cách một năm cụ Miên sẽ lại về thăm đền Hùng vào dịp lễ một lần. Dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn có thể vượt qua những đoạn dốc cao để lên đến đền thờ các vua Hùng.

Người dân thành kính dâng hương tại đền Hạ - Khu di tích lịch sử đền Hùng chiều ngày 17/4.

Rất đông du khách cũng ghé thăm khu vực đền Giếng, đền nằm ở cuối hành trình thăm khu di tích đền Hùng. Truyền thuyết về chiếc giếng Ngọc này có từ đời Hùng Vương thứ 18. Trong một lần vua cùng quần thần lên núi Nghĩa Lĩnh làm lễ tế đất trời thì các nàng công chúa cùng nhau ngoạn cảnh. Khi các công chúa đi về phía đông nam núi Nghĩa Lĩnh, họ gặp một vũng nước rất trong; hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa đã dừng chân và soi ngắm dung nhan trên mặt nước trong veo ấy. Hai nàng công chúa cũng đã lấy nước từ vũng nước này uống thử và khen rất ngọt, mát. Từ đó, họ thường lui tới thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên và soi mặt ở vũng nước trong này.

Đến cuối chiều, lượng khách đổ về Khu di tích lịch sử đền Hùng vẫn khá đông, có thể thấy ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng mùng 10 tháng Ba âm lịch hàng năm đã trở thành một điểm đến tâm linh của mỗi người dân nước Việt cùng với đó là truyền thống "uống nước nhớ nguồn" đã khắc sâu vào mỗi con người Việt Nam bao đời nay.

Lữ Phụng Tiên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dong-nguoi-do-ve-den-hung-truoc-ngay-gio-to-duong-len-den-ha-khong-con-cho-trong-20240417192314318.htm