Đông Nam Á chạy đua chống lại tỷ lệ sinh giảm

Một vấn đề hiện đang được chú ý của khu vực Đông Nam Á là tỷ lệ sinh đang giảm, trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng tăng về tác động kinh tế xã hội của vấn đề này.

Trẻ em mầm non ở Singapore. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Vô số yếu tố đã dẫn đến sự sụt giảm về tổng tỷ suất sinh, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Ở những quốc gia như Philippines, số ca sinh mới dường như có mối liên hệ chặt chẽ với tỷ lệ kết hôn. Trong khi đó tại Singapore, áp lực tài chính trong việc nuôi nấng con cái là yếu tố cản trở chính, đẩy tỷ lệ sinh của quốc gia này xuống mức thấp nhất trong khu vực là 0,97 ca sinh trên mỗi phụ nữ trong năm 2023.

Ngoài ra, khi điều kiện sống được cải thiện và tỷ lệ tử vong ở trẻ em giảm xuống, các gia đình sẽ giảm đi áp lực hoặc sự cần thiết để có thêm con, nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Aiko Kikkawa cho biết.

Sự tham gia ngày càng tăng của phụ nữ trong lực lượng lao động là một lý do khác. Melinda Martinus, nhà nghiên cứu chính của Trung tâm nghiên cứu ASEAN tại Iseas - Viện Yusof Ishak cho rằng: “Sự phát triển kinh tế ngày càng tăng đòi hỏi sự tham gia của phụ nữ nhiều hơn vào lực lượng lao động để thúc đẩy nền kinh tế, dẫn đến tỷ lệ sinh giảm”.

Tuy nhiên, bà Melinda Martinus cũng chỉ ra, mặc dù tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ ngày càng tăng nhưng hầu hết các nền kinh tế ở Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore và Brunei, vẫn chưa đạt được vị thế thu nhập cao như mong đợi. Điều này có thể là do phụ nữ không được tuyển dụng vào các vị trí có năng suất cao hoặc được trả lương cao, điều này hạn chế sản lượng kinh tế tổng thể; khoảng cách lương về giới dai dẳng có thể là một yếu tố khác.

Đáng chú ý, tỷ lệ sinh mới giảm có nguy cơ làm thu hẹp tiềm năng tăng trưởng của đất nước. Ví dụ, tỷ lệ sinh thấp ở mức 1,6 ca sinh trên mỗi phụ nữ của Malaysia, cùng với dân số già của nước này đang tác động lên nền kinh tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, bỏ tỷ lệ sinh sang một bên, một chỉ số quan trọng hơn là thành phần dân số, vì theo bà Aiko Kikkawa, thành phần dân số sẽ quyết định mức năng suất của một quốc gia.

“Về mặt chính sách, trọng tâm chính của chính phủ là nâng cao năng suất của mọi nhóm tuổi”, nhà kinh tế cấp cao của ADB nói thêm; đồng thời trích dẫn sự tham gia lực lượng lao động ngày càng tăng của phụ nữ và người cao tuổi ở Nhật Bản bất chấp dân số giảm là một con đường chính sách khả thi.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan về nhân khẩu học đã thúc đẩy các chính phủ trong khu vực đưa ra nhiều chính sách nhằm khuyến khích sinh con nhiều hơn. Một số quốc gia cũng đang nới lỏng chính sách nhập cư để ngăn chặn tốc độ tăng trưởng dân số đang chậm lại. Trong khi đó, những quốc gia khác đang hủy bỏ các chính sách kéo dài hàng thập kỷ nhằm kiềm chế sự gia tăng dân số.

Trên toàn cầu, một phân tích của các nhà nghiên cứu đến từ Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ) cho biết, có tới 3/4 số quốc gia trên thế giới sẽ không đạt được tỷ lệ sinh đủ nhằm duy trì quy mô dân số vào năm 2050; và tình trạng này được dự báo xảy ra ở 97% số quốc gia trên toàn cầu đến năm 2100.

Theo đó, ước tính tổng tỷ suất sinh toàn cầu sẽ giảm từ 2,23 ca sinh trên mỗi phụ nữ vào năm 2021 xuống còn 1,68 ca sinh vào năm 2050, và 1,57 ca sinh vào năm 2100; điều này đồng nghĩa với dân số của hầu hết các quốc gia trên thế giới sẽ thu hẹp vào cuối thế kỷ này.

LÊ THẢO (Lược dịch từ The Business Times, The Lancet & Population Connection)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/dong-nam-a-chay-dua-chong-lai-ty-le-sinh-giam-140480.html