Đồng Nai đẩy mạnh phát triển hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp

Kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Mặc dù đã đạt được nhiều thành quả song kinh tế tập thể nói chung, hợp tác xã nói riêng trong lĩnh vực này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của từng khu vực nông thôn.

Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thăm gian hàng của một hợp tác xã của tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Đ.LÊ

Để mô hình hợp tác xã ở khu vực nông thôn phát triển, Đồng Nai đã và đang triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh hợp tác giữa các đơn vị liên quan.

Nhiều tiềm năng nhưng vẫn còn hạn chế

Cùng với phát triển công nghiệp hiện đại thì trong sản xuất nông nghiệp, Đồng Nai cũng là một trong những địa phương trọng điểm của cả nước. Tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 270 ngàn hécta. Những năm qua, nông nghiệp nông thôn Đồng Nai đã có bước phát triển tích cực trong triển khai thực hiện các chương trình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chế biến nông sản, xây dựng chuỗi liên kết; các mặt hàng nông sản được tiêu thụ tốt, đặc biệt là thị trường trọng điểm, tạo cơ hội lớn và nâng cao giá trị cho nông sản chủ lực của tỉnh.

Ngoài Liên minh Hợp tác xã Đồng Nai, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nhận được sự quan tâm của những đơn vị khác nhau. Cuối năm 2023, Tỉnh đoàn Đồng Nai đã ký kết hợp tác Công ty Cổ phần Airnano Việt Nam. Hai bên thống nhất thành lập 50 hợp tác xã nông nghiệp số trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn từ 2023-2028. Đây sẽ là cơ hội cho các hợp tác xã cũng như thanh niên trên địa bàn phát triển mô hình nông nghiệp số, hợp tác xã nông nghiệp chất lượng cao.

Để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, mới nhất là Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND ngày 14-7-2023 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Quyết định số 31/2021/QĐ-UBND ngày 19-7-2021 của UBND tỉnh Đồng Nai về hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản… Thông qua các chính sách hỗ trợ đã góp phần khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, chế biến sâu, các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn…

Đến cuối năm 2023, Đồng Nai có 207 hợp tác xã và 1 liên hiệp hợp tác xã lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp. Trong đó, hợp tác xã nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số hợp tác xã của Đồng Nai. Hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đang dần ổn định. Một số đơn vị đã phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện để phát triển, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động, cung cấp dịch vụ cho kinh tế hộ thành viên. Điều này góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của thành viên và lao động nông thôn.

Tuy nhiên, đánh giá khách quan, quy mô hoạt động của một số hợp tác xã nông nghiệp còn nhỏ, thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất, hoạt động còn đơn điệu, chưa mở thêm dịch vụ phục vụ đời sống cho các hộ thành viên. Trong nội bộ chưa thể hiện được vai trò kết nối giữa các thành viên hợp tác xã với thị trường, sự gắn kết giữa lợi ích hợp tác xã với thành viên còn mờ nhạt, lợi ích kinh tế trực tiếp mang lại cho thành viên chưa nhiều. Những hạn chế này, cùng với việc thị trường thế giới, trong nước thời gian qua có nhiều xáo trộn đang tiếp tục gây ra nhiều khó khăn cho mô hình hợp tác xã, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Kết nối “3 nhà” để hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp

Trước tình hình khó khăn của hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp và cũng là để tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ, vào đầu năm 2024, Liên minh Hợp tác xã Đồng Nai cùng Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh đã ký kết chương trình hợp tác giữa 3 bên.

Theo đó, chương trình được phối hợp thực hiện đến năm 2025. Mục tiêu là nhằm đẩy mạnh thi hành Luật Hợp tác xã năm 2023 và triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tổ chức khảo sát đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế hợp tác và xây dựng chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Hướng dẫn kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2023. Đào tạo, tập huấn kiến thức về tổ chức, quản lý hoạt động và nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ tổ hợp tác và hợp tác xã, phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa có quy mô lớn, có sức lan tỏa. Song song đó, tìm giải pháp hỗ trợ nguồn lực, thu hút vốn đầu tư để phát triển sản xuất, kinh doanh vào lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp…

Theo Liên minh Hợp tác xã Đồng Nai, trong năm 2023, Đồng Nai có thêm 12 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được phê duyệt hỗ trợ, nâng tổng số dự án được hỗ trợ lên 26 dự án. Trong đó, có 24 chuỗi trồng trọt, 1 chuỗi chăn nuôi và 1 chuỗi thủy sản. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 232 chuỗi liên kết với sự tham gia của 64 hợp tác xã, 33 tổ hợp tác và 117 doanh nghiệp.

Mục tiêu cụ thể, mỗi năm thành lập mới từ 30-35 tổ hợp tác, 10-15 hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với bao tiêu sản phẩm. Mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, thông qua các hình thức liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã; vận động từ 40-45% tổng số hộ nông, lâm nghiệp tham gia thành viên hợp tác xã nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 225 hợp tác xã và 1,2 ngàn tổ hợp tác, đưa kinh tế tập thể, hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đi vào hoạt động ổn định, phát triển bền vững.

Một trong những nội dung quan trọng của việc hỗ trợ là quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành. Hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa để tăng giá trị sản phẩm, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước...

“Tới đây, Liên minh Hợp tác xã Đồng Nai sẽ hỗ trợ mỗi địa phương chọn từ 1-2 mô hình hợp tác xã điển hình để hỗ trợ phát triển. Đồng thời, sẽ tập trung nguồn lực xã hội hóa thúc đẩy phát triển các hợp tác xã theo hướng bền vững. Trên cơ sở đó, tiếp tục nhân rộng các mô hình hợp tác xã tiêu biểu, đổi mới sáng tạo trong thời gian tới” - ông Đỗ Phước Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Đồng Nai chia sẻ.

Đào Lê

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202403/dong-nai-day-manh-phat-trien-hop-tac-xa-linh-vuc-nong-nghiep-7ec45a1/