Đồng Nai – Cánh đồng lớn cho sự phát triển lớn

Tỉnh Đồng Nai sẽ hỗ trợ kinh phí để các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với nông dân thông qua việc hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, xúc tiến thương mại…

Tháng 11 năm 2014, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định về “chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn”.

Đưa nông nghiệp đi lên theo hướng hiện đại

Vườn cacao tươi tốt trong mô hình “cánh đồng lớn”.

Đến nay, Đồng Nai đã có 3 dự án gồm: Dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất cây điều tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom của Công ty Donafood; Dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất tiêu thụ ca cao tại 3 huyện Thống Nhất, Định Quán và Tân Phú của Công ty ca cao Trọng Đức; Dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất, tiêu thụ mía trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu của Nhà máy đường Biên Hòa – Trị An đã được UBND tỉnh phê duyệt và đang triển khai. Ngoài ra, có 9 dự án khác đang được xúc tiến, chuẩn bị xây dựng. Hiện tại, đã có trên 2 ngàn hộ dân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn.

Theo quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng quy hoạch cánh đồng lớn cho 19 loại cây trồng, như: cà phê, tiêu, cao su, bưởi, chuối, sầu riêng, ca cao, mía, điều... Tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho mô hình này để thu hút doanh nghiệp, nông dân tham gia. Trong đó, 2 dự án với cây mía và cây ca cao đang tiến hành triển khai.

Cụ thể, Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) đã vận động được 114 hộ tham gia trồng mới với diện tích gần 34 ha. Nhà máy đường Biên Hòa đã cung ứng giống, nạo vét 409 m kênh mương phục vụ nước tưới và tiêu thoát nước để nông dân trồng 61 ha mía tại ấp 1, xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu).

Năm dự án tiếp theo đang trong giai đoạn xây dựng là cà phê, chuối, lúa, xoài, tiêu. Có thể nói, đây là bước đi nhằm giải quyết tình trạng trồng trọt manh mún, thiếu liên kết và chưa đáp ứng được tiêu chuẩn sản phẩm chất lượng cao như hiện nay. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cà phê, tiêu, điều, xoài, bưởi, sầu riêng với tổng diện tích 43.575 ha.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nghiên cứu sản xuất rải vụ để có năng suất cao, tránh được sâu bệnh. Đồng thời tăng cường đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch để hạn chế thất thoát, tăng lợi nhuận cho nông dân. Tỉnh Đồng Nai cũng đã tiến hành hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác mở rộng diện tích và hợp tác với doanh nghiệp để đầu tư, bao tiêu sản phẩm.

Cây ca cao dẫn đầu “cánh đồng lớn”

Đi đầu trong việc thực hiện liên kết với nông dân xây dựng cánh đồng lớn trên cây ca cao là Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (Công ty Trọng Đức). Mục tiêu lớn nhất trong việc liên kết này của Công ty Trọng Đức là nhằm phát triển vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng cao phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu.

Ngay từ năm 2011, Công ty Trọng Đức đã liên kết nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng… đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây ca cao theo tiêu chuẩn UTZ (chứng nhận sản xuất tốt của quốc tế cho cây ca cao). Đến năm 2014, Công ty Trọng Đức là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện xây dựng cánh đồng lớn trên cây ca cao theo chủ trương phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản của tỉnh.

Theo Giám đốc Công ty Trọng Đức, sau hơn 2 năm triển khai xây dựng, đến nay, cánh đồng lớn trên cây ca cao của công ty đã phát triển được 400 ha. Đặc biệt, từ cuối năm 2015, công ty cũng đã tiến hành ký hợp đồng bao tiêu ca cao tươi cho 235 hộ dân (với diện tích 315 ha) thuộc các tỉnh: Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng. Theo hợp đồng, mức giá sàn thấp nhất được công ty bao tiêu là 6.000 đồng/kg ca cao tươi có chứng nhận UTZ và 5.700 đồng/kg với ca cao thường. Trong trường hợp giá thị trường cao hơn mức giá bao tiêu, công ty sẽ tăng giá thu mua cho nông dân.

Bên cạnh Công ty Trọng Đức, tháng 4 vừa qua, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) cũng đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Nguyên Lộc ADICO xây dựng dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ca cao với diện tích 200 ha tại xã Hàng Gòn, TX. Long Khánh. Mới đây nhất, vào đầu tháng 8, Công ty CP Bamboo Capital (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh) cũng đã có buổi gặp gỡ với nông dân huyện Trảng Bom tham gia dự án cánh đồng lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ ca cao do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư. Đây cũng là dự án đã được Sở NN-PTNT có văn bản chấp nhận về chủ trương. Ban đầu, dự án sẽ triển khai liên kết với nông dân phát triển 1.000 ha ca cao trồng xen canh trong vườn điều tại 3 xã An Viễn, Đông Hòa và Sông Trầu (huyện Trảng Bom).

Có thể nói, chưa bao giờ việc phát triển cây trồng trên địa bàn tỉnh lại trở nên “nhộn nhịp” như hiện nay. Đặc biệt, việc phát triển cây trồng chủ lực hiện nay đều có sự tham gia chặt chẽ của các doanh nghiệp thay vì phát triển “tự phát” của người dân như trước đây.

Việc phát triển “cánh đồng lớn” với sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - người nông dân mở ra hướng phát triển bền vững cho nông nghiệp của tỉnh. Bởi khi tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, nông dân sẽ được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, được hỗ trợ một phần giống, phân bón, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, kỹ thuật sau thu hoạch...

Trong khi đó, các doanh nghiệp lại xây dựng được vùng nguyên liệu có quy mô, diện tích lớn, tạo ra sản lượng lớn, chất lượng đồng đều để tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững cho sản phẩm.

Nhóm PVMĐ/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/dong-nai-canh-dong-lon-cho-su-phat-trien-lon-p41804.html