Đồng minh Ukraine-Ba Lan lục đục vì vũ khí 'bí ẩn' của Nga?

Có một điều khá trớ trêu là khi cả Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và người đồng cấp Ukraine Denys Shmyhal đều nồng nhiệt phát biểu về tương lai hợp tác giữa hai quốc gia vừa là đồng minh, vừa là láng giềng, thì việc đạt được một thỏa thuận thỏa mãn lợi ích cả 3 bên, bao gồm Warsaw, Kiev và nông dân mỗi nước lại cho thấy sự phức tạp.

Thủ tướng Ba Lan Tusk và người đồng cấp Ukraine Shmyhal gặp nhau trong cuộc đàm phán tại Warsaw. (nguồn: Reuters)

Thủ tướng Donald Tusk thông báo rằng, Ba Lan-Ukraine sắp đạt được thỏa thuận về nhập khẩu nông sản, sau khi các cuộc đàm phán liên chính phủ ở Warsaw (ngày 28/3) kết thúc mà chưa thể giải quyết được vấn đề khiến nông dân bức xúc.

Trên thực tế, việc thu hẹp khoảng cách giữa các quan điểm về nhập khẩu nông sản Ukraine giá rẻ - vấn đề chính đang khiến căng thẳng gia tăng trong quan hệ giữa hai đồng minh, không chỉ phụ thuộc vào ý chí chính trị của hai chính phủ, mà còn phụ thuộc vào quyền lợi của nông dân hai nước.

Căng thẳng kéo dài từ nhiều tháng qua, nông dân Ba Lan đã chặn các ngả đường cao tốc và các cửa khẩu biên giới với Ukraine, đồng thời khiến Kiev phải tức giận bởi những hành động quá khích - đổ vô số ngũ cốc của Ukraine xuống đường ray xe lửa và yêu cầu tái áp dụng thuế hải quan đối với nông sản nhập khẩu từ Ukraine - vốn đã được EU miễn thuế sau khi xung đột quân sự với Nga khởi phát từ năm 2022.

Nông dân Ba Lan giữ quan điểm - những đồng nghiệp của họ đang tràn ngập châu Âu với hàng nhập khẩu giá rẻ, khiến họ không thể cạnh tranh và phần lớn ngũ cốc được cho là vận chuyển qua Ba Lan nhưng sẽ được tiêu thụ trên thị trường nội địa nước này.

Đáp lại, Kiev cáo buộc các cuộc biểu tình của nông dân Ba Lan đang gây tổn hại cho nền kinh tế nước này và các nỗ lực chống lại chiến dịch quân sự của Nga. Họ cũng khẳng định, chỉ một phần nhỏ ngũ cốc xuất khẩu được vận chuyển qua Ba Lan.

“Chúng tôi đang tiến gần đến một giải pháp”, Thủ tướng Tusk nói trong họp báo diễn ra sau cuộc họp liên chính phủ Ba Lan-Ukraine. "Số lượng nông sản Ukraine có thể chảy vào Ba Lan đang được bàn tới - một khi xác định được, chúng tôi gần như đảm bảo rằng, quá trình vận chuyển không làm ảnh hưởng đến thị trường Ba Lan".

Trong khi đó, Thủ tướng Ukraine Shmyhal cho biết, các cuộc đàm phán "cực kỳ mang tính xây dựng" và chuyên sâu. “Tôi có thể nói rằng, chúng tôi chắc chắn đã đạt được tiến bộ trong nỗ lực dỡ bỏ phong tỏa ở biên giới”.

Ba Lan đang quan tâm tới một thỏa thuận cấp phép về thương mại nông nghiệp với Ukraine, tương tự như thỏa thuận mà Kiev đã đạt được với Romania và Bulgaria. “Tôi rất vui vì hôm nay chúng tôi đã cùng đồng ý rằng, các giải pháp giống quan điểm bảo vệ thị trường Romania và Bulgaria cũng sẽ được sử dụng trong mối quan hệ của chúng tôi”, ông Shmyhal nói.

Trên thực tế, Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Czeslaw Siekierski tiết lộ, các cuộc đàm phán tập trung vào hệ thống cấp phép xuất khẩu, nhưng hiện vẫn có những khác biệt về phạm vi sản phẩm được cấp phép.

Còn Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solsky không đề cập cụ thể về nội dung, cho biết các cuộc thảo luận với Ba Lan "phức tạp nhưng thẳng thắn". “Chúng tôi đã thảo luận về các giải pháp sẽ sớm được công bố. Nhưng vấn đề này hiện gây khó khăn cho tất cả các bên và cần thêm thời gian”, ông Mykola Solsky tiết lộ.

Đề cập căng thẳng Ba Lan-Ukraine liên quan nông sản giá rẻ, một bài phân tích của tờ Politico bình luận, Tổng thống Nga Putin là người chiến thắng duy nhất trong "cuộc chiến thương mại" giữa hai đồng minh bằng một thứ "vũ khí bí ẩn". Và khi Warsaw lúng túng trong việc giải quyết mối quan hệ với Kiev, tức là ông chủ Điện Kremlin đã dự đoán đúng sức mạnh của Nga - là nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới và biết cách sử dụng nó để cô lập Ukraine.

Trên thực tế, các cuộc biểu tình của nông dân ở biên giới gây chia rẽ quan hệ Ba Lan-Ukraine và đặt ra tình thế khó xử đối với Thủ tướng Donald Tusk - người tự coi là đồng minh lớn nhất của Kiev trong xung đột với Nga, nhưng cũng không thể giả vờ thờ ơ với quyền lợi và nguyện vọng của nông dân nước mình.

Trong khi đó, giới truyền thông Ukraine phản ảnh rằng, Warsaw phong tỏa đồng minh Kiev nhưng vẫn mua nông sản từ Nga trị giá hàng triệu Euro mà không bị ngăn cản. Theo Nhà báo điều tra người Ukraine Mykhailo Tkach, hồi cuối tháng Hai, tại biên giới Ba Lan với Belarus, ông vẫn ghi hình được những chiếc xe tải chở đầy ngũ cốc Nga tự do đi vào EU.

Đồng quan điểm này, một số quan chức hàng đầu của Lithuania ám chỉ, những người biểu tình có thể là "con tốt", được sử dụng để kích động căng thẳng giữa Ukraine và các đồng minh phương Tây. Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis kêu gọi chính phủ Ba Lan xem xét lý do - và nói chuyện có lý với những nông dân đang biểu tình. “Tôi hy vọng các đối tác của chúng tôi ở Ba Lan cũng nhìn thấy điều này giống như chúng tôi và chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn căng thẳng leo thang”.

Về Moscow, các nhà sản xuất ngũ cốc Nga gần đây cho biết rằng, họ đã tăng gấp đôi lượng xuất khẩu sang EU vào năm 2023 và đang trên đà thu về một vụ thu hoạch kỷ lục khác.

Tại một cuộc họp mới đây tại Moscow, sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống (15-17/3), ông Putin tự hào thông báo về thành công của những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. "Họ đã làm được một việc đáng kinh ngạc. Chúng tôi thậm chí không thể nghĩ rằng, xuất khẩu nông sản có thể vượt gấp nhiều lần xuất khẩu vũ khí”.

Giới quan sát bình luận, Nga đang sử dụng nguồn hàng xuất khẩu khổng lồ của mình để kéo giá ngũ cốc quốc tế xuống, từ đó đẩy giá ở toàn thị trường EU xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020. Điều đó khiến nông dân Ba Lan thu được ít lợi nhuận hơn nhiều khi bán sản phẩm của mình. Tuy nhiên, thay vì đổ lỗi cho Moscow, mọi tức giận của họ đều hướng sang Kiev.

Tuy nhiên, phân tích thị trường Ba Lan, chuyên gia Olipra từ Credit Agricole cho rằng, "trong bất kỳ trường hợp nào, chính sách hiện có đối với Ukraine - do chính phủ Ba Lan tiền nhiệm áp đặt và tiếp tục được tân Thủ tướng Tusk duy trì, khi tiếp quản vào tháng 12 - sẽ khó có thể xoa dịu tình hình, vì lượng hàng vào Ba Lan quá nhỏ để gây ra các vấn đề về thị trường.

“Đây là giải pháp rất ngắn hạn nhằm dập tắt một phần ngọn lửa, nhưng đừng quên nguồn gốc của ngọn lửa này là gì”, ông Olipra nói và ám chỉ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Điều này cho thấy, ngành nông nghiệp Ba Lan cực kỳ dễ bị tổn thương trước sự cạnh tranh từ nước ngoài, do hàng thập kỷ lơ là và thiếu cải cách cơ cấu.

"Thay vì để người biểu tình trút giận vào Ukraine, tốt hơn hết, Thủ tướng Tusk và chính phủ của ông nên theo đuổi các giải pháp thực tế hơn, chẳng hạn như cải thiện cơ sở hạ tầng và đảm bảo các hợp đồng tốt hơn cho nông dân", Nhà môi giới hàng hóa nông nghiệp Przemysław Błażejewski tại BST Brokers bình luận trên mạng xã hội X

(theo Reuters)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-minh-ukraine-ba-lan-luc-duc-vi-vu-khi-bi-an-cua-nga-265915.html