Đồng minh 'ngầm' Nga – Triều: con bài mặc cả bị Mỹ thờ ơ

Washington có vẻ chưa nhận ra rằng, Nga không ngại thay thế Trung Quốc để trở thành một người bạn “lớn” của Bình Nhưỡng.

Ý tưởng về một màn mặc cả giá trị lớn giữa Mỹ và Nga về vấn đề Triều Tiên dường như không nhận được sự quan tâm của chính quyền Washington. Tuy nhiên, theo Bloomberg, một trong những vấn đề đối ngoại rắc rối nhất của nước Mỹ sẽ không thể được giải quyết, nếu thiếu sự tham gia của Nga. Trong những năm gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không ngừng nỗ lực bồi đắp cho một mối quan hệ gần gũi hơn giữa Moscow và Bình Nhưỡng.

Nga cứng rắn ủng hộ Triều Tiên?

Chủ nhật tuần trước, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất. Theo báo cáo của Mỹ, tên lửa rơi xuống Biển Nhật Bản, chỉ cách cảng Vladivostok của Nga chừng 60 dặm (gần 100km). “Khi ảnh hưởng của tên lửa quá gần lãnh thổ Nga, trong thực tế là gần với Nga hơn là Nhật Bản như vậy, ngài Tổng thống [Donald Trump] không nghĩ rằng Nga sẽ cảm thấy dễ chịu,” một thông cáo của Nhà Trắng cho biết.

Triều Tiên mới tiến hành thử tên lửa đạn đạo (ảnh: Telegraph)

Tổng thống Putin rất nhanh đưa ra phản ứng. Trong khi tái khẳng định việc Nga luôn chống lại leo thang hạt nhân, bao gồm cả ở Triều Tiên, ông tuyên bố hôm thứ Hai (15/5): “Chúng ta cần phải quay trở lại đối thoại với CHDCND Triều Tiên, ngừng việc đe dọa họ và tìm những giải pháp hòa bình để giải quyết các vấn đề này.”

“Ngừng việc đe dọa Triều Tiên” là một quan điểm cứng rắn hơn nhiều so với những gì Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng nói hồi tháng Tư, khi ông kêu gọi “các bên liên quan kiềm chế các phát ngôn và hành động có tính kích động.” Nhà báo Leonid Bershidsky nhận định, khác với thái độ có bề ngoài hòa giải của Bắc Kinh, Điện Kremlin ám chỉ Mỹ phải chịu trách nhiệm cho sự leo thang của cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Với sự hỗ trợ rõ ràng đến nhường vậy, không trách gì Tổng thống Putin là người đầu tiên nhận được lời chúc mừng năm mới (âm lịch) từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, thậm chí trước cả Trung Quốc.

Kinh tế không phải là cách duy nhất Nga “lấy lòng” Triều Tiên

Nếu nhìn vào việc Triều Tiên không có bất kỳ quan hệ kinh tế đáng kể với quốc gia nào ngoài Trung Quốc, sự thân thiện giữa Bình Nhưỡng và Moscow thực sự đáng ngạc nhiên. Trong suốt một thập kỷ, thương mại Triều Tiên – Nga hàng năm không vượt quá 100 triệu USD, mặc dù trong khoảng thời gian những năm 1970 và 1980, Liên Xô từng là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên. Hai quốc gia từng đặt ra mục tiêu tăng mức trao đổi thương mại lên 1 tỷ USD vào năm 2020, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là một con số khá phi thực tế.

Tuy nhiên, thương mại không phải là cách duy nhất để dành được lòng tin từ các nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Tháng 5/2014, chưa đầy hai tháng sau khi sáp nhập Crime và giữa thời điểm các nước phương Tây đang tìm cách trừng phạt Nga, Tổng thống Putin đã ký quyết định xóa đến 90% khoản nợ 11 tỷ USD của Triều Tiên với Nga. Theo thỏa thuận này, 10% còn lại sẽ được trả thông qua các dự án hợp tác Nga – Triều. Cũng trong năm đó, Nga đã viện trợ 50.000 tấn lúa mỳ cho Triều Tiên.

Tổng thống Putin kêu gọi "ngừng đe dọa" Triều Tiên (ảnh: Reuters)

Triều Tiên cũng “có đi có lại” với Nga. Khoảng 50.000 công nhân Triều Tiên (năm 2010, con số này mới chỉ là 21.000) hiện đang làm việc tại các công trường xây dựng và nhà máy tại Nga. Bloomberg cho biết, mặc dù phần lớn thù lao của những nhân công này thuộc về chính phủ, nhưng khoản còn lại cũng vẫn lớn hơn đáng kể so với thu mức thu nhập thông thường tại Triều Tiên. Những công nhân Triều Tiên cũng chịu sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan tình báo Bình Nhưỡng. Nếu bất kỳ người nào muốn chạy trốn, phía Nga sẽ bắt giữ và tiến hành trao trả.

Nga đồng thời cũng tìm cách nhiều cách để giảm bớt sự cô lập Triều Tiên ở mức độ quốc tế. Năm 2013, tuyến đường sắt kết nối hai nước được khôi phục, và hôm 18/5, chuyến phà đầu tiên giữa cảng Rason (Triều Tiên) với Vladivostok (Nga) cũng đã đi vào hoạt động.

Nga muốn “đầu tư chính trị” dài hơn tại Triều Tiên?

Trong khi, những lợi ích kinh tế mà Triều Tiên đem lại cho nước Nga không phải là miếng bánh hấp dẫn nhất, những gì Điện Kremlin tìm kiếm – cũng như Trung Quốc – là sự đầu tư chính trị lâu dài tại một quốc gia, vẫn được coi là một vùng đệm chia cắt các căn cứ quân sự của Mỹ với Nga (hay Trung). Cho dù Putin có nói gì về chạy đua hạt nhân, Tổng thống Nga vẫn muốn Triều Tiên sở hữu năng lực quân sự hùng mạnh.

Kim Jong-un biết rõ lợi thế của mình, cũng như nắm được các toan tính của từng quốc gia liên quan. Điều này khiến khả năng nước này tiến hành bất kỳ hành động gây hấn mạnh mẽ nào gần như chắc chắn sẽ không thể xảy ra, bởi vì nó có thể mang lại chiến tranh ngay trên biên giới của Nga và Trung Quốc – một kết quả sẽ khiến ông Kim không còn tác dụng gì đối với cả hai siêu cường trên. Bình Nhưỡng chỉ muốn “khuấy động vũng nước đục”, đưa ra những động thái đe dọa đủ để ngăn chặn các hành động của nước Mỹ và “không phụ lòng” các ông lớn láng giếng.

Mỹ chưa nhận thức được tầm quan trọng của Nga trong khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên? (ảnh: Bloomberg)

Tuy nhiên, so với việc trực tiếp tiếp xúc với Kim Jong-un, thương thảo cùng Nga có thể đem lại những hậu quả mà chính quyền Mỹ hiện tại không mong đợi. Điều này góp phần khiến Bình Nhưỡng không thể, và cũng không muốn dừng các cuộc thử nghiệm vũ khí đầy tham vọng của mình, cũng như tăng cường sự đe dọa đến Mỹ. Răn đe bất kỳ ai muốn giúp đỡ Triều Tiên thông qua các lệnh trừng phạt – như những gì Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley tuyên bố mới đây – tỏ ra không hiệu quả. Như trường hợp Nga, các lệnh trừng phạt của phương Tây với Moscow chỉ khiến người Nga thêm “tin tưởng” vào khả năng một cuộc tấn công toàn diện từ phương Tây, từ đó góp phần đẩy nước này đến gần hơn với Triều Tiên.

Kể từ năm 2014, ông Putin đã cố gắng gây dựng không ít “con bài” có vẻ hấp dẫn với Mỹ, nhằm đổi lại sự tự do hơn trong một số vấn đề để lại từ thời Xô-viết, bao gồm cả Ukraine. Syria, Triều Tiên, Iran và Libya… là một vài trong số đó, thế nhưng cho đến nay nước Mỹ dường như vẫn chưa thực sự “xuốngtay” với bất kỳ lời đề nghị nào. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, trừ khi Washington nghĩ đến việc sử dụng vũ lực tại Triều Tiên, họ sẽ cần phải nghiêm túc xem xét lại khả năng hợp tác với Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân chưa có lối thoát này.

(Theo Bloomberg)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/dong-minh-ngam-nga-trieu-con-bai-mac-ca-bi-my-tho-o-239167.html