Động lực 'tạo sóng' cho cổ phiếu ngành cảng biển

Việc cổ phiếu GMD của 'gã khổng lồ' ngành cảng biển CTCP Gemadept liên tục công phá đỉnh lịch sử hòa chung sự sôi động của nhóm cổ phiếu ngành cảng biển cho thấy nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng vào sự khởi sắc của ngành này trong thời gian tới.

Từ cuối tháng 10 đến nay, nhóm cổ phiếu ngành cảng biển đã trải qua một đợt tăng giá khá tích cực. Điển hình như, cổ phiếu HAH của Xếp dỡ Vận tải biển Hải An tăng hơn 32% từ 28.950 đồng lên 38.400 đồng/cp, cổ phiếu MVN của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng đã tăng 11,4% từ 16.600 đồng lên mức 18.500 đồng/cp, cổ phiếu VSC của Container Việt Nam tăng 19,8% từ 24.400 đồng lên 29.250 đồng/cp...

Cổ phiếu của "gã khổng lồ" ngành cảng biển liên tục phá đỉnh

Thậm chí, thị giá cổ phiếu GMD bứt phá mạnh mẽ, liên tục công phá đỉnh lịch sử. Cụ thể, ngày 17/11, cổ phiếu GMD đã lập đỉnh lịch sử tại mức giá 73.300 đồng/cp, tăng hơn 20% so với cuối tháng 10 và tăng hơn 50% so với thời điểm đầu năm.

Sau đó, cổ phiếu GMD điều chỉnh và dao động trong vùng giá 68.000 – 70.000 đồng/cp, nhưng tới phiên 25/12 lại đột ngọt tăng tốc, tăng kịch trần để leo lên lập đỉnh lịch sử mới với mức giá 73.000 đồng/cp. Thanh khoản cũng tăng đột biến gấp gần 4 lần so với mức bình quân, với khối lượng khớp lệnh đạt 2,4 triệu đơn vị, cao nhất trong vòng 2 tháng qua.

Thị giá cổ phiếu GMD bứt phá mạnh mẽ, liên tục công phá đỉnh lịch sử. (Ảnh: Int)

Nhờ đó, vốn hóa thị trường của Gemadept tương ứng có thêm hơn 4.000 tỷ đồng chỉ sau 2 tháng để chạm mốc 22.300 tỷ đồng, cao hơn 66% so với thời điểm đầu năm và là mức vốn hóa cao kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp cảng biển này niêm yết năm 2002.

Thông tin “hâm nóng” nhóm cổ phiếu cảng biển nói chung, cổ phiếu GMD nói riêng có thể là cước vận tải biển tăng sốc từng giờ do việc gián đoạn giao thương ở Biển Đỏ - tuyến hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới có thể làm giảm 20% năng lực vận tải toàn cầu.

Riêng với cổ phiếu GMD, ngoài hưởng lợi từ yếu tố thông tin, “gã khổng lồ” ngành cảng biển này còn được kỳ vọng có triển vọng tích cực từ những tiềm năng sẵn có. Gemadept là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực logistics và khai thác cảng với nhiều cảng biển quy mô lớn, nổi bật nhất là Gemalink - cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, một trong 19 cảng trên thế giới có khả năng đón được các siêu tàu lớn nhất hiện nay. Trong cơ cấu doanh thu của Gemadept, hoạt động khai thác cảng đóng góp khoảng 70-80%, còn lại đến từ mảng logistics.

Mặt khác, Hội đồng quản trị Gemadept đã thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 999.800 cổ phần, tương đương 99,98% vốn điều lệ tại CTCP Cảng Nam Hải. Nếu hoạt động thoái vốn này thành công, Gemadept có thể tiếp tục ghi nhận lợi nhuận đột biến.

Nhiều triển vọng tích cực

Trong nhóm cổ phiếu ngành cảng biển, các chuyên gia nhận định, VSC, GMD, HAH, MVN là những mã sẽ tăng giá tích cực trong thời gian tới.

Nguyên nhân là bởi, kể từ đầu tháng 7/2023 đến nay, thị trường toàn cầu chứng kiến giá cước vận tải biển có diễn biến hồi phục. Đây là dấu hiệu cho thấy ngành vận tải biển đang dần vượt qua giai đoạn điều chỉnh kéo dài 16 tháng trước đó.

Việc Cục Hàng hải Việt Nam công bố dự thảo thay thế Thông tư 54/2018/TT-BGTVT về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng, cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam cũng là một trong những yếu tố tạo tính hấp dẫn cho nhóm cổ phiếu này.

Theo đó, dự thảo đề xuất tăng 10% giá dịch vụ bốc dỡ container từ ngày 1/1/2024 tại một số khu vực, bao gồm Hải Phòng, TP.HCM và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu). Ngoài ra, dự thảo đề xuất các bến có khả năng tiếp nhận tàu trên 160.000 DWT có thể áp mức tăng thêm 10% phí dịch vụ bốc dỡ, đồng nghĩa với việc các bến có cơ hội tăng phí bốc xếp lên thêm 20% so với hiện tại. Dự thảo cũng đề xuất điều chỉnh tăng 10% khung giá tại nhóm cảng biển nước sâu.

Mặt khác, trong những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp ngành cảng biển đang tăng tốc hoàn thành các dự án mở rộng cảng, nâng công suất.

Theo Chứng khoán TP.HCM (HSC), sản lượng cảng biển năm 2023 gần như ở mức đáy, hàng tồn kho không còn lớn, nên dù nhu cầu chưa tăng mạnh cũng không còn tình trạng cắt giảm đơn hàng. Bên cạnh đó, nửa đầu năm 2024 còn được hỗ trợ từ mức nền thấp của năm nay.

Triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp được hỗ trợ bởi giá cước rất thấp so với khu vực. Vào năm 2024, HSC kỳ vọng giá cước, giá sàn xếp dỡ sẽ tăng trưởng khoảng 10%, giúp các doanh nghiệp cảng biển thỏa thuận giá cước tốt hơn với các hãng tàu.

Dù vậy, các chuyên gia của HSC cũng lưu ý, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp cảng biển sẽ không đồng đều do phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng ở các khu vực khác nhau. Trong 3 khu cảng biển chính của Việt Nam là Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), TP.HCM và Hải Phòng, thì Cái Mép – Thị Vải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong năm 2023 do Mỹ, EU cắt giảm mạnh đơn hàng nửa đầu năm, nên khi đơn hàng về mức bình thường sẽ có mức tăng trưởng tốt nhất.

Trong khi đó, các cảng tại TP.HCM, Hải Phòng có tỷ trọng tàu đi Mỹ, EU thấp hơn và phần lớn là di chuyển trong nội Á (không bị ảnh hưởng nhiều trong năm 2023) nên sản lượng năm 2024 không bật tăng cao.

Tuy nhiên, Chứng khoán Mirae Asset nhấn mạnh vấn đề địa chính trị, những bất ổn về lãi suất trên thế giới, sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và công suất cảng biển dư thừa trong ngắn hạn là những rủi ro chính đối với nhu cầu trong năm 2024.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/dong-luc-tao-song-cho-co-phieu-nganh-cang-bien-1097517.html