Đồng hành cùng nông dân giảm nghèo, làm giàu

Ban điều hành quỹ hỗ trợ nông dân các cấp tỉnh Kiên Giang thực hiện tốt việc giải ngân vốn phát triển sản xuất, giúp nông dân xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, tăng thu nhập.

Dự án khóm - tôm của 13 hộ dân thuộc tổ hợp tác trồng khóm, nuôi tôm ấp Phước Lợi, xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao (Kiên Giang) là một trong những dự án đang sử dụng vốn quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh.

Đồng chí Phạm Quốc Trị - Đảng ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Phước A, chủ nhiệm dự án cho biết: “Từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, người dân có thêm vốn cải tạo đất, trồng lại khóm sau thời gian gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Sử dụng vốn đúng mục đích, được hội chuyển giao khoa học, kỹ thuật nên các hộ trồng khóm có lãi từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm từ mô hình trồng khóm kết hợp nuôi tôm sú”.

Đồng chí Đỗ Trần Thịnh (bìa phải) - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang thăm ruộng nuôi tôm của thành viên tổ hợp tác trồng khóm, nuôi tôm ấp Phước An, xã Vĩnh Phước A (Gò Quao).

Đồng chí Đỗ Trần Thịnh (bìa phải) - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang thăm ruộng nuôi tôm của thành viên tổ hợp tác trồng khóm, nuôi tôm ấp Phước An, xã Vĩnh Phước A (Gò Quao).

Nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa của 18 hộ dân ấp Kinh 5, xã Vân Khánh, huyện An Minh (Kiên Giang) là một trong những dự án sử dụng hiệu quả nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh.

Ông Phương Hoài Ân, thành viên tham gia dự án nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa ấp Kinh 5 cho biết: “Tôi có 3ha nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa chất lượng cao. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi gần 400 triệu đồng/năm. Khó khăn của người nuôi tôm là chi phí con giống cao, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, bình quân khoảng 10-15 triệu đồng/ha. Vì vậy, khi có sự hỗ trợ vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, người dân sẽ giảm bớt khó khăn từ đầu vụ”.

Sau 2 năm sử dụng nguồn vốn 500 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, tổng lợi nhuận toàn dự án nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa ấp Kinh 5 đạt 2,9 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân 40 triệu đồng/ha/hộ/năm, có hộ thu lợi nhuận 100 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, Chi hội Nông dân ấp Kinh 5 còn kết nạp 20 nông dân tham gia dự án vào tổ chức hội.

Đại diện Ban Điều hành quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh giải ngân vốn vay cho người dân ấp Cản Đất, xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) thực hiện dự án trồng màu.

Đến tháng 8-2023, tổng nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh quản lý đạt 59,7 tỷ đồng bao gồm vốn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ủy thác, tăng trưởng 19,1 tỷ đồng so đầu nhiệm kỳ. Toàn tỉnh có 15 huyện, thành phố, 140 hội nông dân cấp cơ sở xây dựng, phát triển được quỹ hỗ trợ nông dân. Những đơn vị có nguồn vốn lớn như Giồng Riềng 6 tỷ đồng, Tân Hiệp 3,5 tỷ đồng, An Minh 2,6 tỷ đồng, Phú Quốc 2,5 tỷ đồng…

Cùng với công tác phát triển nguồn vốn và cho vay vốn, Ban điều hành quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh chỉ đạo cấp huyện chủ động phối hợp ngành chức năng tổ chức 45 cuộc tập huấn với hơn 1.350 hội viên nông dân được chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động quỹ hỗ trợ nông dân luôn được chú trọng.

Đồng chí Võ Thị Thanh Bình (thứ hai, từ trái qua) - Phó Giám đốc Ban điều hành quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh giải ngân vốn vay cho người dân ấp Cản Đất, xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) thực hiện dự án trồng màu.

Đồng chí Võ Thị Thanh Bình - Phó Giám đốc Ban Điều hành quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh nói: “Từ năm 2018 đến 2023, quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đầu tư xây dựng 672 mô hình với số tiền 96,4 tỷ đồng, với 4.529 lượt hộ vay, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới”.

Bài và ảnh: VIỆT AN

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/thoi-su/dong-hanh-cung-nong-dan-giam-ngheo-lam-giau-16182.html