Đồng hành cùng con trên không gian mạng

Mùa nghỉ hè của học sinh sắp tới, các bậc cha mẹ lại lo con cái 'chúi đầu' vào mạng. Thực tế cho thấy, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ thì việc xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em phải trở thành ưu tiên hàng đầu, trước khi quá muộn.

Một khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy, 92% trẻ em Việt Nam có sử dụng thiết bị kết nối internet, trong đó 89% trẻ lên mạng hàng ngày. Trong khi đó, theo Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP), gần 36,5% trẻ em đã phải “trải nghiệm” các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet. Hơn 13% trẻ em đã phải tiếp xúc một cách không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm. Còn theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngoài thời gian dành cho việc học, nhiều em sử dụng từ 5 - 7 giờ/ngày vào mạng xã hội.

Trong bối cảnh đó, xây “hệ miễn dịch” bảo vệ trẻ em trên không gian mạng được đặt ra một cách cấp thiết. Mạng xã hội hay còn được gọi là thế giới ảo đang là món ăn tinh thần của nhiều người, không chỉ với trẻ em. Sự phát triển của mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích, nhưng với trẻ em khi “hệ miễn dịch” chưa đủ chắc khỏe thì lại là vấn đề khác. Nhiều nghiên cứu cho biết, không ít trẻ bị bắt nạt trên không gian mạng gây tâm lý bị tổn thương cho trẻ, thậm chí có nguy cơ dẫn đến trầm cảm.

Đáng tiếc, tai họa có khi lại không do các em tự gây ra mà do nhiều bà mẹ có thói quen khoe cuộc sống hàng ngày của con trên mạng. Có thể kể tới trường hợp mẹ người mẫu nhí Cherry A.N. Nhiều bình luận xoáy sâu vào đời tư gây tổn thương cho bé, đến nỗi người mẹ đành phải lên tiếng mong cộng đồng mạng để hai mẹ con được yên.

Thế mới thấy, mặc dù mạng xã hội chỉ là thế giới ảo nhưng tổn thương là có thật. Từ đó dễ hiểu là xã hội cần gấp rút vào cuộc. Nhưng, “toàn xã hội” là khái niệm khá chung chung, mà cần xác định ngay trách nhiệm lớn nhất, quan trọng nhất phải thuộc về gia đình, là các ông bố, bà mẹ. Không thể để mặc con cái tham gia mạng xã hội, rồi kêu than. Như thế sẽ không thể giải quyết được vấn đề. Trước hết, gia đình phải là lá chắn an toàn cho con cái.

Hiện nay, hành lang pháp lý bảo vệ trẻ trên không gian mạng đã có và thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện. Trong đó có Quyết định số 830 ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Tuy nhiên, trẻ em rất khó tự bảo vệ mình trên môi trường mạng nếu người lớn chưa ý thức được đây là một vấn đề hệ trọng.

Chưa nói trong nhiều trường hợp, cha mẹ còn “nghiện mạng” hơn cả con; để mặc con cái đắm chìm trong thế giới ảo cốt được “yên thân”.

Trong khi đó, đại diện Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA) cho rằng, cha mẹ cần trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cơ bản về chọn lọc thông tin trên mạng xã hội; hướng dẫn trẻ nâng cao cảnh giác với bất cứ thông tin nào trên mạng. Hãy luôn là những bậc cha mẹ thông thái khi sử dụng công nghệ thông minh, để trẻ em luôn được an toàn trong thế giới hôm nay.

Theo ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), 87% trẻ em Việt Nam sử dụng Internet ít nhất một lần/ngày. Như vậy, gần như phần lớn trẻ em Việt Nam ngày nào cũng sử dụng Internet. Càng đáng suy nghĩ hơn vì mục đích sử dụng internet để học tập chỉ đứng thứ tư trong khi xem video, vào mạng xã hội, nhắn tin qua ứng dụng lần lượt chiếm 3 vị trí dẫn đầu.

“Mạng cũng giống như cuộc sống bên ngoài. Có những nguy cơ để kẻ xấu, kẻ lừa đảo dụ dỗ, đánh cắp thông tin, thậm chí là quấy rối, gây ảnh hưởng đến tâm lý, mất tiền” - ông Tuấn Anh cảnh báo, đồng thời lưu ý người trưởng thành đã có sức đề kháng, kinh nghiệm nhận biết nguy hiểm, thông tin giả nhưng trẻ em thì không nhiều, do đó hiểm nguy là rất lớn.

Bảo vệ trẻ em trước mối nguy hại trên mạng cũng chính là bảo vệ mái ấm gia đình. Cái khó ở đây là khi dựng lên hàng rào bảo vệ thì đồng thời cũng phải cân nhắc đến quyền riêng tư của con, cũng như không để trẻ tụt hậu. Cấm đoán khắt khe hay để con quá thoải mái khi lướt mạng, cũng đều không phải là giải pháp tốt.

Cuối cùng, xin được dẫn ý kiến của bà Lesley Miller - Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam tại hội thảo "Trẻ em trong thế giới số - giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội": cứ 5 trẻ em và thanh thiếu niên thì có 1 bị bắt nạt trên mạng. Đáng lo ngại, 3/4 trong số đó không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu.

Minh Thủy

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dong-hanh-cung-con-tren-khong-gian-mang-10278856.html