Đồng hành bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính

Ngày 17/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017. Với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, Hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước.

Khoảng 2.000 đại biểu trực tiếp tham dự Hội nghị, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân khoảng 1.500 đại biểu, cùng khoảng 200 đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). … Tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến còn có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Hạn chế vấn nạn thanh tra

Sau khi nghe các thành viên Chính phủ và đại diện cộng đồng doanh nghiệp trình bày, trong phần kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thẳng vào một số vấn đề trọng tâm.

Phát biểu chỉ đạo khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại lời của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi “tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Pari”; và của chí sĩ Lương Văn Can “việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy”... và cho rằng những bài học, hoài bão của tiền nhân sẽ là cảm hứng cho đội ngũ doanh nhân hiện nay khởi nghiệp và phát triển.

Theo người đứng đầu Chính phủ, tại hội nghị doanh nghiệp nói rất nhiều về thanh tra, kiểm tra chồng chất. Tôi đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một Chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Chỉ thị này đã được ký ngay trong ngày 17/5.

Việc thứ hai, tôi muốn nói tinh thần lớn với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp yên tâm rằng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao; không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; không chỉ chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp; không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả; các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh; môi trường kinh doanh có độ tin cậy cao, vững chắc để mọi người yên tâm đầu tư và mở rộng kinh doanh.

Thừa nhận các hạn chế

Tại hội nghị, bên cạnh việc nêu lên những kết quả đạt được trong cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đưa ra một số hạn chế cần phải khắc phục.

Thứ nhất, về thể chế chính sách, chưa giải quyết được các vấn đề còn mâu thuẫn trong các văn bản dưới luật. Chính sách ban hành chưa sát với thực tiễn, chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Ví dụ vấn đề quy định tiêu chuẩn điều kiện yêu cầu trong một số lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, đo không khí, chất thải, bảo vệ môi trường, vấn đề hợp chuẩn… thiếu minh bạch, tốn kém chi phí. Sở hữu trí tuệ cũng nhiều vấn đề. Sản phẩm hàng hóa ra thị trường còn rất nhiều vướng, rất mất thời gian của doanh nghiệp.

Thứ hai, còn tồn tại về vấn đề thuế, phí cao, không chỉ những chi phí liên quan đến thủ tục hành chính mà còn liên quan đến phí sử dụng công trình BOT, bến bãi, cảng biển, cầu đường..., đặc biệt chi phí không chính thức, phí bôi trơn. Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản đã thỏa thuận rất nhiều nhưng chưa xử lý triệt để được.

Không những thế, hiện vẫn tồn tại tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức... gây chậm trễ, khó khăn ở các cơ quan công quyền, chưa sát sao và nắm bắt chính xác các vấn đề doanh nghiệp cần hỗ trợ. Có cơ quan, có bộ phận cán bộ chưa nắm bắt được yêu cầu của doanh nghiệp để giải quyết kịp thời.

Thứ ba, là tiếp cận tín dụng còn hạn chế. Thực thi chính thức giao dịch đảm bảo chưa tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát huy tài sản đảm bảo để thế chấp, tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo, sở hữu ngầm khiến cho dòng tín dụng bị phân bổ một cách chênh lệch, xa rời tín hiệu thị trường.

Việc cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường của các cơ quan chức năng còn hạn chế, rất ít doanh nghiệp có thể tham gia được vào các chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu. Chưa hình thành đồng bộ các thị trường như thị trường đất đai, thị trường tín dụng, thị trường lao động, thị trường tài chính, thị trường các ý tưởng phát minh sáng chế…

Cam kết mạnh mẽ

Cuối cùng Thủ tướng nhắn nhủ: Cha ông ta đã nói, dân cường thì nước thịnh, muốn đất nước giàu mạnh thì dân phải giàu. Đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng doanh nghiệp yếu kém.

Trên tinh thần ấy, các cơ quan chức năng ở các địa phương trên cần cả nước cần có chương trình phát triển, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tôi muốn nhắc lại, cùng những việc trên, câu nói của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu.

Từ những nhìn nhận trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến một số nội dung mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần và phải làm trong thời gian tới để tạo động lực đưa cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn.

Một là, tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật thông qua các việc làm cụ thể sau: Bảo đảm môi trường chính trị và vĩ mô ổn định, bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật đó phải thực hiện hệ thống từ Trung ương đến địa phương, phải chuyển biến thực thi công vụ nghiêm túc, không được gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp; Theo đuổi mục tiêu phát triển bao trùm một cách xuyên suốt, nhất quán trên nền tảng cải cách thể chế theo hướng cởi mở, thân thiện, trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế đóng góp và hưởng lợi một cách bình đẳng, công bằng từ những thành quả tăng trưởng thương mại. Mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư.

Đồng thời, Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstic, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công, nhất là chi phí kiểm định, thẩm định, giám định, các chi phí kiểm tra khác của Nhà nước. Đây là khoản đang đè nặng lên doanh nghiệp mà chúng ta phải nghiên cứu để giảm bớt cho doanh nghiệp.

Thứ hai, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tối ưu hóa các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bao gồm các việc cụ thể như sau: Xây dựng kiến tạo các yếu tố để tạo lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế như cơ sở hạ tầng thông minh, phát triển hệ thống tài chính, cải cách giáo dục, nâng cao trình độ nghề nghiệp, cải thiện chất lượng đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng ngành dịch vụ y tế, BHYT, BHXH và hệ thống phúc lợi xã hội đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, khoa học công nghệ, xây dựng các cơ chế khuyến khích liên kết ngành…

Chính phủ phải kết hợp một cách tối ưu các nguồn lực và công cụ chính sách nhằm tạo những điều kiện cho kinh tế tư nhân, giảm thiểu chi phí, tăng năng suất, tăng năng lực cạnh tranh trong kinh doanh và hội nhập quốc tế. Tăng cường các lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ trên nền tảng kỹ thuật số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên nền tảng công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả doanh nghiệp.

“Đặc biệt, tiếp tục nâng cao năng lực quản trị của Nhà nước và của doanh nghiệp để tương thích với yêu cầu phát triển nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay và xu hướng tương lai. Không cho phép những tồn tại yếu kém về năng lực quản trị kìm hãm sự năng động của nền kinh tế, tạo nên những trì trệ trong phát triển kinh tế và giải phóng nguồn lực xã hội”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, để giải quyết những vấn đề đó, cần có sự đồng lòng, đồng tâm của tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân của chúng ta đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với quyết tâm của hệ thống chính trị, của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương, trong đó yếu tố con người đóng vai trò quyết định.

Từng công chức, từng viên chức trong bộ máy nhà nước phải thông hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, nghiêm túc thực hiện, luôn sẵn sàng đồng hành bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm túc; bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Kim Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dong-hanh-bao-ve-doanh-nghiep-lam-an-chan-chinh-53351.html