Đóng góp vào thành công của Việt Nam là vinh dự lớn!

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Công Thương.

ADB tài trợ nhiều cho các dự án giao thông

CôngThương - Ông có thể cho biết những lĩnh vực mà ADB dành ưu tiên hỗ trợ cho Việt Nam?

Việt Nam có thể tự hào về những thành tựu đổi mới rất đáng khâm phục đã đạt được trong suốt hai thập kỷ qua. Đối với ADB, được tham gia và đóng góp một phần trong câu chuyện thành công của Việt Nam là vinh dự lớn, niềm vui lớn.

Tính đến 30/9/2013, ADB đã cung cấp nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trị giá 12,7 tỷ USD cho Việt Nam, với hàng trăm dự án. Các ngành nhận được số vốn vay lớn nhất cho đến nay là giao thông vận tải và công nghệ thông tin (33,9%), năng lượng (20,2%), nông nghiệp và tài nguyên (13,6%).

Theo ông, vốn ODA đã tác động thế nào đến sự phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam?

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn ODA mà Việt Nam đã nhận được trong 20 năm qua trên 63,05 tỷ USD. Riêng đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA của ADB, các báo cáo đánh giá sau khi kết thúc dự án cho thấy, tỷ lệ thành công tới 90%. Có thể kể một vài con số mà các dự án của ADB đã thực hiện tại Việt Nam: Hỗ trợ xây mới và nâng cấp 366 trường học ở 21 tỉnh, thành phố; 85 bệnh viện tuyến huyện và tuyến vùng, 87 trung tâm y tế được xây dựng hoặc nâng cấp... Trong ngành giao thông vận tải, vốn của ADB đã hỗ trợ nâng cấp hơn 1.000km đường quốc lộ, 4.000km tỉnh lộ và huyện lộ, 21.000km đường nông thôn và hàng trăm cầu nhỏ, góp phần cải thiện sự kết nối đến các vùng sâu, vùng xa, mở ra các cơ hội thương mại.

Ông Tomoyuki Kimura:

Hai mươi năm qua, kể từ khi hoạt động trở lại tại Việt Nam vào năm 1993, chúng tôi chia sẻ niềm vui vì thành quả phát triển từ mối quan hệ đối tác chặt chẽ và hiệu quả giữa ADB và Chính phủ Việt Nam.

Mới đây có một thay đổi rất đáng chú ý, đó là từ Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) thành Diễn đàn các đối tác phát triển Việt Nam (VDPF). Sự thay đổi này có ý nghĩa gì, thưa ông?

Năm 2013 đánh dấu những cột mốc quan trọng trong hợp tác phát triển tại Việt Nam. Rất nhiều các đối tác phát triển kỷ niệm 20 năm cung cấp nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức cho Việt Nam. Sau 20 kỳ CG, VDPF lần đầu tiên được tổ chức thay thế cho CG. Sự thay đổi này có ý nghĩa quan trọng trong đối thoại chính sách cấp cao có tính thực chất hơn, hướng tới hành động và chương trình nghị sự nhiều năm. Sự thay đổi này cũng ghi nhận sự phát triển của Việt Nam, vai trò của Việt Nam đã được nâng cao từ nước tiếp nhận viện trợ thành đối tác phát triển, khẳng định rõ vai trò làm chủ của Việt Nam.

Việt Nam đã trở thành một nước thu nhập trung bình. Vậy theo ông, Việt Nam cần hành động như thế nào để phù hợp với tình hình mới?

Việc Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình đã đặt ra khuôn khổ mới cho hợp tác phát triển nói chung và vai trò của ODA cũng thay đổi dần. Khi nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng, sự hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các đối tác phát triển cũng phải bước sang giai đoạn mới với những thay đổi quan trọng về các phương diện chính sách hỗ trợ, cơ cấu và các hình thức tài trợ. Nguồn vốn ODA cũng co hẹp lại.

Theo tôi, Việt Nam cần tiếp tục xem xét làm thế nào để khai thác tốt nhất nguồn tài trợ ODA; xây dựng kế hoạch có tính chiến lược, sắp xếp các ưu tiên một cách nghiêm ngặt và thực thi các qui định một cách nhất quán, nhằm nâng cao quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA. Việt Nam cũng cần phải có một tầm nhìn chiến lược dài hạn hướng tới đa dạng hóa các phương thức tài trợ. Việc này đòi hỏi phải phát triển các thị trường vốn một cách sâu sắc và tìm kiếm các phương thức tài trợ mới với sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hằng

ADB tài trợ nhiều cho các dự án giao thông

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/trong-nuoc/48586/dong-gop-vao-thanh-cong-cua-viet-nam-la-vinh-du-lon.htm