Đóng góp to lớn của Việt Nam trong việc đem lại hy vọng cho người chăn nuôi lợn trên thế giới

Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Thomas Vilsack đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và Bộ NN&PTNT trong việc sản xuất thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi AFS. Việt Nam đã có đóng góp lớn trong việc đem lại hy vọng cho người chăn nuôi lợn trên thế giới.

Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - Ảnh: Bộ NN&PTNT

Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - Ảnh: Bộ NN&PTNT

Ngày 18/4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Thomas Vilsack.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảm ơn Hoa Kỳ và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã có nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, qua đó giúp tăng cường năng lực cho các cơ quan kỹ thuật của Việt Nam.

Đặc biệt, Việt Nam đánh giá cao hợp tác của các chuyên gia Hoa Kỳ trong việc nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi AFS. Sau nhiều lần thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và được đánh giá kỹ lưỡng bởi các hội đồng khoa học, tháng 5/2022, Viện Nghiên cứu nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã có thư chính thức gửi Cục Thú y Việt Nam xác nhận vaccine NAVET-ASFVAC bảo đảm an toàn, hiệu lực. Hiện nay, Việt Nam đang thử nghiệm trên diện rộng, làm cơ sở chuẩn bị cho các bước hoàn thiện cuối cùng để đưa vaccine vào thương mại hóa.

Về hợp tác chống biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Mới đây nhất tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022 (COP27), Việt Nam kiến nghị thúc đẩy hợp tác về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, nông nghiệp carbon thấp, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi và phát triển rừng; bảo tồn đa dạng sinh học cùng với đó là cam kết phát triển ít phát thải.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Việt Nam ủng hộ và cam kết tham gia nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường do Hoa Kỳ đề xướng như sáng kiến "Giảm phát thải khí methane toàn cầu", cam kết thực hiện "Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất"; Sáng kiến "Đổi mới nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu" (AIM4C); Liên minh hành động "Thúc đẩy tăng trưởng năng suất bền vững cho an ninh lương thực và bảo tồn tài nguyên" (SPG).

Để góp phần thực hiện các cam kết trên, Việt Nam ban hành nhiều chính sách mới như Chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động Quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030…

Đồng thời, Việt Nam cũng ưu tiên triển khai một loạt các hoạt động như: Giảm phát thải từ sản xuất lúa, phát triển sản xuất xen canh lúa tôm, triển khai sản xuất lúa gạo sử dụng ít nước, ít phân bón. Trong chăn nuôi tập trung xử lý chất thải và cải thiện khẩu phần thức ăn chăn nuôi. Trong lâm nghiệp, Việt Nam tạo điều kiện phát triển sinh kế cho người dân vùng cao, vùng khó khăn để giữ và quản lý rừng bền vững.

Việt Nam đang triển khai hoạt động 1 tỷ cây xanh đến năm 2025; hợp tác với APEC để thực hiện chương trình tận dụng phụ phẩm về lương thực thực phẩm. Việt Nam cũng tập trung chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng "xanh", ít phát thải và bền vững; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học. Đây là cơ hội để phát triển kinh tế "xanh", phát triển các sản phẩm, dịch vụ và việc làm mới theo hướng "xanh hóa", đổi mới và phát triển "thuận thiên".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Thomas Vilsack quan tâm hỗ trợ các nguồn lực về tài chính và kỹ thuật thông qua các sáng kiến và hành động cụ thể để Việt Nam có thể tăng cường năng lực và thực hiện thành công các cam kết của mình khi tham gia các sáng kiến toàn cầu.

Tại cuộc làm việc, ông Thomas Vilsack bày tỏ ấn tượng với sự phát triển mạnh mẽ và sự thay đổi nhanh chóng của Việt Nam. Kỉ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, ông Thomas Vilsack mong muốn mối quan hệ này sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai.

Về thương mại nông sản, Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam giải quyết những vấn đề hai bên cùng quan tâm. Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thành lập thêm trung tâm chiếu xạ; đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện các thủ tục để quả dừa và quả chanh leo của Việt Nam được xuất khẩu sang nước này.

Ông Thomas Vilsack đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và Bộ NN&PTNT trong việc sản xuất thành công vaccine ASF. Việt Nam đã có đóng góp lớn trong việc đem lại hy vọng cho người chăn nuôi lợn trên thế giới.

Là quốc gia tham gia tích cực trong nhiều liên minh và sáng kiến nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Thomas Vilsack tin tưởng rằng Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có nhiều cơ hội để cùng nỗ lực và hợp tác trong việc đạt mục tiêu giảm phát bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/dong-gop-to-lon-cua-viet-nam-trong-viec-dem-lai-hy-vong-cho-nguoi-chan-nuoi-lon-tren-the-gioi-102230418160313148.htm