Đông Đức vẫn 'thua xa' Tây Đức sau 20 năm thống nhất

Tới hôm qua là tròn 20 năm thống nhất hai miền nước Đức nhưng hiện phía Đông vẫn kém phía Tây Đức cả về chính trị lẫn kinh tế.

Trong 20 năm qua, Tây Đức bỏ ra khoảng 1.600 tỷ euro để vực dậy kinh tế phía Đông nhưng sự phát triển kinh tế của vùng này vẫn chưa đuổi kịp phía Tây, trái với những dự đoán và tuyên bố của nhiều chính trị gia Đức rằng chỉ khoảng 10-15 sau khi thống nhất thì kinh tế phía Đông sẽ theo kịp phía Tây. Hiện lương bổng trung bình của người lao động phía Đông mới chỉ bằng ba phần tư phía Tây. Ngoài ra, tỷ lệ sồ người thất nghiệp ở Đông Đức cao gấp hai lần phía Tây. Các yếu tố này dẫn tới việc người Đông Đức di dân sang phía Tây để tìm cuộc sống ổn định hơn ngày càng nhiều. Theo thống kê, sau 20 năm có tới khoảng 20% người Đông Đức sang lập nghiệp ở phía Tây. Về chính trị, tình hình cũng diễn biến tương tự. Ngoại trừ trường hợp Thủ tướng Angela Merkel, người gốc Đông Đức mới nắm được các chức vụ nhỏ, mang tính địa phương còn ở cấp cao hơn thì họ vắng bóng. Trong nội các của Thủ tướng Merkel gồm tất cả 15 bộ trưởng thì không có người nào xuất thân từ phía Đông. Chỉ có một số người phía Đông giữ chức cấp thứ trưởng trở xuống. Có nhiều nguyên nhân khiến các chính khách phía Đông ít chen chân được vào các chức vụ cao ở cấp Liên bang. Thứ nhất phải kể tới thời gian bởi trong sinh hoạt chính trị của chế độ dân chủ đa nguyên thì 20 năm thống nhất chưa phải là dài. Muốn trở thành chính trị gia hay chính khách nổi tiếng trong một nước theo dân chủ đa nguyên thì họ phải tham gia vào các chính đảng ở những cấp thấp nhất, như các đoàn thanh niên của các đảng này, sau đó họ phải đấu tranh để giữ các chức vụ ở chính quyền cấp địa phương, rồi tới các tiểu bang và Quốc hội Liên bang. Sau đó mới được chính đảng của họ cử vào các chức vụ quan trọng hơn ở cấp liên bang. Nếu họ thành công trong các chức vụ được giao phó thì có thể leo lên các ghế cao hơn trong Chính phủ Liên bang như Thủ tướng và các bộ trưởng… Một số lý do khác cũng xuất phát từ yếu tố kinh tế, xã hội và tập quán. Cuộc thống nhất Đức trước đây 20 năm là một cuộc đổi đời của hầu hết người Đông Đức. Nó dẫn tới những hậu quả chính trị, kinh tế và xã hội, khiến nhiều người mất địa vị trong xã hội kể cả công ăn việc. Điều này cũng tạo ra một khủng hoảng tâm lý rất lớn cho nhiều giới ở Đông Đức. Muốn làm quen với tư duy và cách sinh hoạt chính trị dân chủ đa nguyên thì họ cần phải có thời gian. Tuy nhiên, vẫn có tín hiệu mừng là 5 Chính phủ tiểu bang phía Đông tiến khá nhanh trong việc xây dựng một xã hội dân chủ đa nguyên. Hiện bốn trong số 5 Thủ tướng các tiểu bang phía Đông là những người sinh trưởng ở phía Đông và hầu hết các bộ trưởng các Chính phủ tiểu bang phía Đông cũng do người Đông Đức đảm nhận. Và ở vị trí cao nhất trong hệ thống chính trị Đức từ năm 2005 là một người Đông Đức: Thủ tướng Angela Merkel. Sự nghiệp chính trị lên như diều của bà là sự kết hợp của "cái may" của sự thống nhất và sự nhạy cảm của bà trong chính trị, nhất là khi xẩy ra cuộc khủng hoảng chính trị rất lớn trong đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) vào giữa thập niên 90 của thế kỉ trước khiến Thủ tướng Kohl phải rút lui. Ngoài ra, tình hình chính trị ở các tiểu bang phía Đông rất ổn định, không có những nghi kị và thù hận giữa người Đức phía Đông và Tây. Đây là những lợi thế rất lớn để phát triển đất nước. Trong các cuộc bầu cử dân chủ và tự do số cử tri tham gia ở phía Đông rất cao, đây là sự ý thức chính trị công dân rất tốt. Nếu tiến trình này được tiếp tục thì chỉ cần một thế hệ nữa, tức 20 năm tới thì số chính khách phía Đông sẽ đóng góp nhiều hơn, không chỉ trong bình diện tiểu bang mà cả trong Chính phủ Liên bang ở Đức. Vu Lan (theo RFI)

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/thegioi/Dong-Duc-van-thua-xa-Tay-Duc-sau-20-nam-thong-nhat/201010/114026.datviet