Đong đầy những cảm xúc

Năm 2023, Việt Nam tham dự 2 sự kiện thể thao quốc tế lớn là SEA Games 32 tại Campuchia và ASIAD 19 tại Trung Quốc. Mặc dù có những tiếc nuối nhưng đã xuất hiện nhiều vận động viên (VĐV) trẻ xuất sắc, mang lại niềm tin và hy vọng tươi sáng cho thể thao Việt Nam.

Đội tuyển nữ Việt Nam lập kỳ tích 8 lần vô địch SEA Games, trong đó có 4 lần liên tiếp.

Kỳ SEA Games thành công ngoài mong đợi

SEA Games 32 là kỳ SEA Games thành công ngoài mong đợi của thể thao Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, Đoàn thể thao Việt Nam xếp số 1 chung cuộc mà không phải là chủ nhà và là lần thứ 2 đứng trên Thái Lan khi SEA Games được tổ chức ở nước ngoài.

Cụ thể, Đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu được giao khi giành 136 Huy chương Vàng (HCV), 105 Huy chương Bạc (HCB), 118 Huy chương Đồng (HCĐ), phá 12 kỷ lục và thiết lập 4 kỷ lục SEA Games. Những con số này cũng giúp chúng ta đánh giá được sự phát triển của thể thao Việt Nam trong thời gian qua và khẳng định được vị thế của thể thao Việt Nam trên đấu trường khu vực.

Tại kỳ Đại hội lần này, Đoàn thể thao Việt Nam không chỉ vượt chỉ tiêu số lượng HCV, mà một số môn thể thao và một số VĐV đã đạt được những thành tích đặc biệt. Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều VĐV xuất sắc ở các môn thể thao Olympic. Tổng số HCV của các môn Olympic chúng ta là 65. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử một số môn Olympic giành được HCV tại SEA Games, đánh dấu vào bản đồ thành tích của Đại hội là Golf (1 HCV), Bóng rổ 3 x 3 (1 HCV).

Đáng chú ý, nhiều môn thể thao cơ bản trong hệ thống thi đấu Olympic và Asian của Việt Nam đã khẳng định được trình độ đứng đầu khu vực, xếp hạng Nhất toàn đoàn như: Vật (13 HCV), Thể dục dụng cụ (4 HCV), Judo (8 HCV), Karatedo (6 HCV); một số môn khác như Điền kinh (12 HCV), Taekwondo (4 HCV), Đấu kiếm (4 HCV), Cử tạ (4 HCV), Wushu (6 HCV) nằm trong số các quốc gia đứng đầu khu vực.

Đặc biệt, đội tuyển Bóng đá nữ quốc gia đã bảo vệ thành công ngôi vô địch SEA Games lần thứ 4 liên tiếp. Đây là kỳ tranh tài không hề dễ dàng với thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung khi nằm ở bảng đấu “tử thần” với 2 đối thủ mạnh là Philippines và Myanmar. Đội lại không có trung vệ số một Chương Thị Kiều vì chấn thương. Nhưng với tài cầm quân của huấn luyện viên Mai Đức Chung, đội tuyển nữ Việt Nam đã vào đến trận chung kết.

Tại đây, các cô gái Việt Nam đã đánh bại Myanmar 2 - 0 để lần thứ 8 vô địch SEA Games trong lịch sử 13 lần Đại hội tổ chức môn bóng đá nữ. Kết thúc trận đấu, huấn luyện viên Mai Đức Chung hạnh phúc chia sẻ, đây là chiến thắng ấn tượng nhất của ông trong các kỳ SEA Games. Giải đấu khó khăn nhưng đội tuyển nữ vẫn vô địch, điều đó thể hiện ý chí kiên cường của người phụ nữ Việt Nam.

Tấm HCV lịch sử của Bóng rổ 3x3 nữ Việt Nam ở đấu trường SEA Games 32.

Hơn cả, tinh thần nỗ lực thi đấu để mang vinh quang về cho Tổ quốc của các VĐV còn mãi trong lòng người hâm mộ. Điển hình là VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh. Cô gái bé nhỏ quê Bắc Giang đã thiết lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu khi giành 4 HCV cá nhân ở 4 nội dung “khủng” tại Đại hội là: 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật, 5.000m, 10.000m. Thành tích này đã nâng tổng số HCV mà Oanh giành được trên đấu trường SEA Games lên con số 12. Điều đáng nói, Nguyễn Thị Oanh thi 2 nội dung liên tiếp chỉ cách nhau 20 phút. Thành tích của Nguyễn Thị Oanh không chỉ tạo lập kỷ lục điền kinh Việt Nam mà với cả thể thao Đông Nam Á. Nguyễn Thị Oanh chia sẻ, cô rất hạnh phúc và tự hào vì mình đã hoàn thành mục tiêu giành 4 HCV cho điền kinh Việt Nam. Không gì có thể diễn tả được niềm vui của cô khi vượt qua khó khăn bởi lịch thi đấu dày đặc, vượt qua các đối thủ để mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Kình ngư Phạm Thanh Bảo cũng là một trong những VĐV xuất sắc nhất SEA Games 32. Anh không chỉ giành HCV ở 2 nội dung 100m và 200m ếch mà còn phá kỷ lục SEA Games cả hai nội dung này. Ở đường đua 100m, anh đạt thành tích 1 phút 0,97 giây (kỷ lục cũ là 1 phút 1,46 giây). Còn ở đường đua 200m, Bảo phá kỷ lục cũ 2 phút 11,93 giây (của Maximillian Ang) đầy kịch tính với thành tích 2 phút 11,45 giây. Đằng sau kỳ tích đó còn là câu chuyện xúc động, khi Thanh Bảo cho biết muốn gửi tặng những tấm huy chương của mình đến bà nội. Vì đi tập huấn, Bảo không thể về chịu tang bà nội. Câu chuyện về kình ngư người Bến Tre còn là điển hình của sự nỗ lực vươn lên từ nghèo khó.

Dù không thể bảo vệ HCV SEA Games 32 nhưng hình ảnh của tay vợt Lý Hoàng Nam tại Đại hội đã làm nhiều người xúc động. Để vào đến trận chung kết, Lý Hoàng Nam đã phải chiến đấu cật lực bằng tất cả sức mạnh thể chất, tinh thần khi mà cứ ăn vào là anh lại bị nôn, bụng đau quằn quại. Lý do bởi Lý Hoàng Nam bị đau dạ dày trong suốt quá trình tham dự SEA Games 32. Trong trận đấu cuối, thậm chí Nam đã nôn ngay trên sân. Thế nhưng thay vì bỏ cuộc, Lý Hoàng Nam đã thi đấu đến phút cuối cùng. Tinh thần thi đấu tuyệt vời, quyết không từ bỏ của tay vợt số 1 Việt Nam cũng là hình ảnh đẹp, xúc động của thể thao Việt Nam tại SEA Games 32.

ASIAD 19 với nhiều kịch tính

Còn tại ASIAD 19, Đoàn thể thao Việt Nam đã giành được 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ và đã hoàn thành chỉ tiêu đạt được từ 2-5 HCV. Các VĐV đã nỗ lực thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc, trong đó có những môn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như đội tuyển Bắn súng, Cầu mây, mỗi đội đoạt 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ; đội tuyển Karatedo đoạt 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ. Nhiều môn thể thao tuy không đạt được HCV như Thể dục, Bắn cung, Bóng chuyền... nhưng đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của các VĐV trẻ.

Về thông số thành tích, ngoài sự xuất sắc của các môn trên còn có một số thành tích khác, tuy chưa đạt kết quả như mong muốn nhưng cũng đáng để khích lệ như thành tích 7 phút 51 giây 44 của Nguyễn Huy Hoàng, nội dung bơi 800m tự do, đã tốt hơn 2,88 giây so với lần Hoàng giành HCĐ ở ASIAD 18. Hay như ở nội dung 4x400m tiếp sức của môn Điền kinh, dù chỉ về đích ở vị trí thứ 4 nhưng thành tích 3 phút 31 giây 61 đã vượt qua mức 3 phút 32,36 ở Giải vô địch châu Á 2023.

Để chọn ra một gương mặt thành công nhất của Việt Nam tại ASIAD 19, nhiều người sẽ chọn xạ thủ Phạm Quang Huy. Anh giành được 1 HCV - nội dung 10m súng ngắn cá nhân và 1 HCĐ - nội dung 10m súng ngắn đồng đội. Dù chênh lệch về cấp độ giải đấu, nhưng cảm xúc mà Quang Huy mang về ở ASIAD năm nay có thể so sánh với tấm HCV lịch sử của Hoàng Xuân Vinh ở Olympic 2016. Đó là cảm giác bất ngờ hoàn toàn và vỡ òa sau cơn khát Huy chương kéo dài.

VĐV bắn súng Phạm Quang Huy giành HCV đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại ASIAD 19.

Ngoài ra, để nói về một môn không đem về huy chương nhưng vẫn mang đến nhiều niềm vui, sự hứng khởi thì chắc chắn phải nhắc đến Bóng chuyền nữ. Từ trước ASIAD 19, đội tuyển Bóng chuyền nữ Việt Nam đã gây được nhiều tiếng vang nhờ những thành công ở đấu trường khu vực và quốc tế. Trong đó phải nhắc đến Giải Bóng chuyền nữ vô địch châu Á 2023, diễn ra chỉ vài tuần trước ASIAD 19. Khi đó, đoàn quân của huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Kiệt đã lần đầu vào đến bán kết mà trận đấu bản lề là chiến thắng bất ngờ trước Hàn Quốc.

Đến ASIAD 19, tuyển Bóng chuyền nữ Việt Nam đã làm nên lịch sử khi có lần đầu nằm trong top 4 của Đại hội. Chiến thắng đó mang đến rất nhiều cảm xúc khi tinh thần và lối đánh của các tuyển thủ khiến khán giả không thể rời mắt. Qua kỳ ASIAD năm nay, có thể thấy trình độ của Bóng chuyền nữ Việt Nam đã tiệm cận với các nước mạnh ở châu Á. Hy vọng rằng qua hàng loạt giải đấu trên, bóng chuyền nữ Việt Nam sẵn đà để tiếp tục hướng đến những mục tiêu cao hơn trong tương lai.

Vẫn còn nhiều tiếc nuối

Mặc dù đã thi đấu hết mình và giành được HCV ở các nội dung Olympic, tuy nhiên, thành tích của các VĐV Việt Nam tại SEA Games 32 vẫn để lại nhiều tiếc nuối. Như môn Điền kinh, Bơi lội, Bóng đá nam và Quần vợt chưa hoàn thành chỉ tiêu như kỳ vọng. Hay như trường hợp của võ sĩ đứng thứ 2 thế giới môn Boxing Nguyễn Thị Tâm, chúng ta đặt chỉ tiêu đoạt HCV nhưng không may khi thi đấu, Tâm bị ngã rồi bị đối thủ đè lên, khiến đầu gối chân trái của Tâm gặp vấn đề.

Còn tại ASIAD 19, một ví dụ điển hình cho sự tiếc nuối này là tay đua Nguyễn Thị Thật. Ngay trước thềm Đại hội, Thật bị chấn thương và mới chỉ tập luyện trở lại được 1 tháng nhưng đã thi đấu đầy quyết tâm và chỉ thua VĐV HCV đúng 1 thân xe. Ở môn Boxing, chúng ta đặt rất nhiều kỳ vọng vào VĐV Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh...; môn Karate là VĐV Hoàng Thị Mỹ Tâm, Đỗ Thanh Nhân, Nguyễn Thị Ngoan..., tuy nhiên không phát huy tối đa được năng lực bản thân.

Để đầu tư đạt được thành tích tại đấu trường lớn ở châu lục và thế giới, Thể thao Việt Nam xác định còn rất nhiều việc phải làm. Các nhà nghiên cứu về khoa học thể dục thể thao trên thế giới đã chỉ ra rằng, thể thao thành tích cao chính là sự cạnh tranh quyết liệt của những nền kinh tế lớn. Tại đấu trường Olympic, sự cạnh tranh đó sẽ diễn ra giữa các nền thể thao của những nền kinh tế lớn trên thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, như bảng tổng sắp của Olympic Tokyo 2020. Ở ASIAD, sẽ là cuộc cạnh tranh của các nền kinh tế lớn nhất châu lục là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây cũng là 3 cường quốc dẫn đầu tại ASIAD 19.

Các nền kinh tế lớn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của thể thao thành tích cao. Đó là sự đầu tư, sự áp dụng khoa học công nghệ, đội ngũ nhân lực chất lượng cao, việc kêu gọi các nguồn tài trợ đầu tư cho thể thao thành tích cao...

Còn với chúng ta, dù Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương luôn quan tâm nhưng để thành tích của thể thao được như mong muốn, chúng ta cần thêm nhiều yếu tố, từ đầu tư tới công tác đào tạo, tuyển chọn, hệ thống các giải đấu. Việc này đòi hỏi thời gian, nguồn kinh phí lớn và cách làm khoa học, bài bản.

Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Việt Hà cho biết, hiện chúng ta đã có đề án tổng thể nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Đề án này được thực hiện không chỉ góp phần vào mục tiêu dân cường thì nước thịnh, như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn giúp cho thể thao thành tích cao của Việt Nam có được thành tích tốt hơn. Tuy nhiên việc triển khai đề án cần được sự phối hợp nhịp nhàng từ tất cả các nguồn lực, từ y tế, giáo dục tới thể thao…

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dong-day-nhung-cam-xuc-165056.html