Động đất ở New York và phản ứng 'thiên vị Bờ Đông' gây chú ý

Dù trận động đất mạnh 4,8 độ bất ngờ tấn công, người dân ở thành phố Đông Bắc nước Mỹ vẫn thấy 'không đáng lo ngại'. Trong khi đó, người dân ở Los Angeles lại cảm thấy thú vị.

Ba tòa nhà ở Newark bị thiệt hại từ trận động đất sáng 5/4. Ảnh: The New York Times.

Trận động đất xảy ra ở nội thành New York và khu vực xung quanh vào sáng 5/4 gây bất ngờ cho một số người dân. Bởi lẽ, hiện tượng này hiếm khi xuất hiện ở thành phố Đông Bắc nước Mỹ.

Dù vậy, vẫn có một lượng lớn người dân không hề bối rối, thậm chí không biết có động đất diễn ra.

"Bình chân như vại"

Trận động đất 4,8 độ xảy ra vào 10h23 sáng (theo giờ địa phương). Chấn động của trận động đất xảy ra ở khắp khu vực ba bang New York, New Jersey và Connecticut. Người dân ở Massachusetts và Maryland cũng cho biết họ cảm nhận được sự rung chuyển.

Chia sẻ với The Guardian, những cư dân New York nổi tiếng cứng rắn cũng có nhiều loại phản ứng với hiện tượng này.

“Tôi đang ngồi trên giường thì cảm thấy tòa nhà bắt đầu rung lắc. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ: 'Gió thực sự rất mạnh'”, Emily Glover nói. “Tôi thậm chí không nghĩ đây là một trận động đất cho đến khi kiểm tra xem hàng xóm có gặp tình trạng tương tự hay không”.

Một trận động đất mạnh 4,8 độ đã xảy ra ở New York vào sáng 5/4. Ảnh: The New York Times.

Tương tự Glover, Sebastian D'Agosta cũng nghĩ các tòa nhà rung lắc là vì gió lớn. Anh nói: “Tôi biết điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn… nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp phải động đất ở New York… Những tòa nhà có rung chuyển nhưng tôi nghĩ nó không đáng lo ngại. Động đất kết thúc rất nhanh”.

“Tôi không biết có động đất cho đến khi bạn tôi đã gửi thông tin vào nhóm trò chuyện. Nó như một sự bùng nổ. Tuy nhiên, tôi không thật sự bận tâm. Hy vọng không có thiệt hại hay ai bị thương”, anh nói thêm.

Khi động đất xảy ra, Julien Blanchet đang ở một tòa nhà gần Đại học Columbia.

“Tôi thực sự không biết có động đất dù nó đang diễn ra. Sau đó tôi nhận tin là mọi người trong tòa nhà đều cảm nhận được sự rung lắc và nhiều nơi ở New York cũng gặp vấn đề tương tự. Đến khi động đất kết thúc, tôi mới biết mình vừa trải qua nó. Lúc đó tôi nghĩ ‘Ồ, thật thú vị’”, cô kể lại.

“Tôi cảm thấy an toàn nhưng… tôi đã nghe nói về trận động đất ở Đài Loan. Chắc chắc là nó tệ hơn nhiều”, Blanchet đề cập đến trận động đất là hàng nghìn người bị thương và hàng chục người chết ở Đài Loan.

Dân California châm chọc

Dù bình tĩnh, nhiều cư dân New York vẫn chia sẻ với nhau thông tin về trận động đất và chờ báo cáo thiệt hại từ chính quyền.

Trong khi đó, người dân Los Angeles (California, Mỹ) lại tìm thấy sự hài hước trong sự việc này, theo The Guardian. Tiêu biểu là meme "First time? (Lần đầu tiên - PV)" tràn ngập trên các kênh truyền thông của Los Angeles.

Một cảnh báo khẩn cấp đã được gửi đến điện thoại của người dân New York. Ảnh: The New York Times.

"Động đất xảy ra 'cứ 2-3 ngày làm việc ở California'", một người đăng. "Và ngoài việc đối phó với động đất hàng tuần, Angeleno (người sống ở Los Angeles) còn phải trả 20 USD cho một chiếc bánh mì kẹp phô mai. Tiền xăng 6 USD. Và cảnh sát của chúng tôi thuộc băng đảng xã hội đen", một người khác châm biếm.

Người phát ngôn của thống đốc California cũng đăng trên X (trước đây là Twitter) rằng phản ứng của truyền thông về động đất ở New York là một ví dụ về "sự thiên vị với bờ biển phía Đông". Theo người phát ngôn, tin tức về trận động đất này đã chiếm sóng rất nhiều kênh trong khi các trận động đất mạnh 4,2 và 4,4 độ ở California đêm hôm trước lại không được nhắc nhiều.

Cũng có một số người dân California cho rằng việc châm chọc khi có động đất xảy ra là không phù hợp. “Chọc cười về một trận động đất có vẻ không đúng lắm", một phóng viên công nghệ của Bay Area nhận xét.

Tuy nhiên, trong khi cư dân địa phương không gặp thiệt hại gì trong trận động đất ở bờ biển phía đông, từ một chút ngạc nhiên, nhiều người cho rằng bản thân không có gì sai khi chế nhạo cư dân New York, những người coi mình là trung tâm của vũ trụ.

Trận động đất cho thấy điều gì?

Sở dĩ có sự trêu chọc này là do động đất thường xảy ra ở California hơn là khu vực New Jersey, New York. Thậm chí, trận động đất sáng 5/4 là trận động đất đầu tiên mà nhiều người dân ở khu vực Đông Bắc nước Mỹ từng trải qua.

Trận động đất có cường độ 4,8 độ Richter và được Cơ quan khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) xem là một "trận động đất cạn", nghĩa là nó xảy ra ở độ sâu từ 0 đến 70 km dưới mặt đất.

USGS báo cáo có 38% khả năng xảy ra dư chấn với cường độ 3 trở lên trong tuần tới. Và khoảng 8 giờ sau, một dư chấn với độ mạnh 4 độ đã được ghi nhận.

Scott Brandenberg, giáo sư kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Trường Kỹ thuật Samueli UCLA, nói trận động đất sáng 5/4 có lẽ không phải là dấu hiệu cho thấy sự gia tăng hoạt động dài hạn của địa chất trong khu vực.

Biểu đồ mô tả động đất ở New York. Ảnh: USGS.

Theo ông chia sẻ với Yahoo News, các đường đứt gãy địa chất (những vết nứt giữa các khối đá trong lớp vỏ Trái Đất, cho phép các mảng kiến tạo di chuyển và làm động đất xảy ra) "gần như không hoạt động".

"Lý do động đất ở đây hiếm xảy ra là vì miền Trung và Đông nước Mỹ được coi là khu vực lục địa ổn định, nằm cách xa ranh giới nơi các mảng kiến tạo di chuyển tương đối với nhau", Brandenberg phân tích.

Theo Đại học Công nghệ Michigan, khu vực New Jersey đã xảy ra một số trận động đất nhỏ kể từ cuối năm 2000, nhưng chúng đều có cường độ dưới 2,5 độ và hầu như không được ghi nhận.

Kể từ năm 1957, USGS đã ghi nhận 188 trận động đất từ 2,5 độ trở nên xảy ra trong bán kính 250 dặm (khoảng 400 km) tính từ thành phố New York. Trận động đất hôm thứ Sáu có cường độ mạnh thứ ba trong dữ liệu.

Mặt khác, theo giáo sư Brandenberg, các công trình kiến trúc ở các bang New York, New Jersey cũng không bị ảnh hưởng nhiều từ động đất.

“Có các quy chuẩn xây dựng khi xảy ra động đất trên khắp nước Mỹ. Vì vậy, mọi công trình kiến trúc đều chịu rung lắc ở một mức độ nhất định”, Brandenberg giải thích. “Các mối nguy hiểm khác, ví dụ như bão, còn mang đến rủi ro nhiều hơn động đất”.

Về hệ thống giao thông công cộng ngầm - thành phố New York có một trong những hệ thống tàu điện ngầm lâu đời và lớn nhất thế giới - giáo sư Brandenberg cũng tỏ ra không mấy lo ngại.

“Các công trình như tàu điện ngầm, vẫn có thể hoạt động khá tốt khi xảy ra động đất”, ông nói.

Theo ông, có những mối nguy tiềm ẩn liên quan đến các đường đứt gãy địa chất ở khu vực Đông Bắc nước Mỹ. Tuy nhiên, tỷ lệ rủi ro là rất thấp, đặc biệt là với cường độ động đất không mạnh ở đây.

Đông Tùng

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dong-dat-o-new-york-va-phan-ung-thien-vi-bo-dong-gay-chu-y-post1468775.html