Động đất ở Đài Loan ảnh hưởng tới ngành công nghiệp chip như thế nào?

Trận động đất như một lời cảnh báo về những rủi ro khi hoạt động sản xuất chip quan trọng của thế giới đang tập trung tại Đài Loan...

Một tòa nhà bị đổ nghiêng ở Hualien, Đài Loan sau trận động đất ngày 3/4 - Ảnh: Getty Images

Sáng ngày 3/4, trận động đất mạnh nhất 25 năm ở Đài Loan, với cường độ 7,4 độ richter, đã xảy ra tại phía Đông của hòn đảo. Thảm họa này khiến 9 người thiệt mạng, gây sạt lở đất và làm nhiều tòa nhà sụp đổ.

Theo hãng tin CNN, Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC), công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới, hoạt động chủ yếu tại khu vực phía Tây Đài Loan nhưng các nhà máy của công ty này cũng ghi nhận tình trạng rung lắc. Ngay sau khi xảy ra động đất, TSMC đã tạm thời sơ tán một số nhà máy. Nhưng vào tối cùng ngày, công ty này thông báo các nhân viên đều an toàn và đã trở lại làm việc.

“Một lượng nhỏ thiết bị sản xuất tại một số nhà máy của chúng tôi bị hư hại, ảnh hưởng tới một phần hoạt động. Tuy nhiên, các thiết bị quan trọng không bị ảnh hưởng”, TSMC cho biết trong thông cáo vào tối muộn ngày 3/4.

"MỐI ĐE DỌA SINH TỒN"

Theo các nhà phân tích, dù có vẻ không gây ra tác động dài hạn với chuỗi cung ứng chip, trận động đất trên như một lời cảnh báo về những rủi ro khi hoạt động sản xuất chip quan trọng của thế giới tập trung tại Đài Loan – hòn đảo luôn đứng trước nguy cơ động đất và cũng là một điểm nóng của căng thẳng địa chính trị.

Những năm gần đây, các chính phủ, bao gồm Mỹ và các nhà sản xuất chip đã đầu tư hàng tỷ USD nhằm đa dạng hóa hoạt động sản xuất chip. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo rằng quá trình này đang diễn ra chưa đủ nhanh.

Ước tính, TSMC hiện sản xuất khoảng 90% loại chip tiên tiến nhất trên thế giới. Đây là loại chip dùng trong vô số thiết bị quan trọng mà con người đang sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Con chip của TSMC được sử dụng trong các sản phẩm của Apple, Qualcomm, Nvidia, AMD, và có vai trò đặc biệt quan trọng đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đang tăng trưởng bùng nổ hiện nay.

“Tôi cho rằng đó là mối đe dọa mang tính sinh tồn”, giáo sư David Bader, giám đốc Viện Khoa học Dữ liệu thuộc Viện Công nghệ New Jersey, nhận xét khi nói về tình trạng ngành chip thế giới phụ thuộc vào Đài Loan. “Cả thế giới giờ đây làm việc trên các thiết bị sử dụng con chip trong mọi hoạt động, từ lái xe, nói chuyện qua điện thoại cho tới cả hệ thống vũ khí, quân sự. Mọi thứ đều dùng con chip. Nếu hoạt động sản xuất con chip bị gián đoạn thì sẽ là một thảm họa”.

Kể từ sau trận động đất lớn gần đây nhất vào năm 1999, TSMC đã xây dựng một hệ thống bảo vệ các sơ sở hoạt động của mình khỏi thảm họa này. Trong thông cáo ngày 3/4, công ty cho biết hơn 70% thiết bị tại các nhà máy của công ty đã hoạt động trở lại trong vòng 10 giờ sau trận động đất. Các nhà máy mới có tỷ lệ khôi phục hoạt động sớm cao hơn so với các nhà máy cũ. Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới cũng cho biết các nhà máy bị ảnh hưởng của công ty sẽ tiếp tục khôi phục hoạt động trong suốt đêm cùng ngày.

Tuy nhiên, với một số công đoạn sản xuất con chip, chỉ vài tiếng ngừng hoạt động cũng có thể mất hàng tuần để khôi phục.

“Một số loại chip cao cấp cần hoạt động liền mạch 24/7 ở môi trường chân không trong vài tuần”, các nhà phân tích của ngân hàng Barclays viết trong một báo cáo gửi nhà đầu tư ngày 3/4. “Do đó, gián đoạn hoạt động có thể khiến một loại chip cao cấp đang sản xuất bị hỏng”.

Nhóm nhà phân tích dự báo sự gián đoạn này có thể khiến TSMC thiệt hại khoảng 60 triệu USD trong quý 2 năm nay.

Còn theo nhà phân tích Joe Unsworth của công ty tư vấn quản lý Gartner, tác động dây chuyền của trận động đất tới ngành công nghệ sẽ phụ thuộc vào loại con chip nào bị gián đoạn sản xuất. Và điều này chưa thể xác định ngay lập tức. Các công ty công nghệ đang sử dụng con chip GPU cho ứng dụng AI – một chip vốn đang khan hàng – sẽ phải theo dõi sát sao tình hình.

Trong một thông cáo ngày 3/4, Nvidia, công ty thiết kế GPU hàng đầu thế giới, nói rằng “sau khi tham vấn với các đối tác sản xuất, chúng tôi dự báo nguồn cung sẽ không bị ảnh hưởng bởi trận động đất ở Đài Loan”.

Một số công ty bao gồm nhà sản xuất chip tiên tiến United Microelectronics Corporation, nhà sản xuất chip nhớ và Micron và nhà thầu sản xuất theo hợp đồng Foxconn cũng phát đi thông cáo nói rằng đang đánh giá tác động của trận động đất tại cơ sở sản xuất của mình ở Đài Loan, nhưng dự báo mức độ ảnh hưởng sẽ không lớn.

CUỘC ĐUA ĐA DẠNG HÓA HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT CON CHIP

Theo giới phân tích, trận động đất ngày 3/4 có thể sẽ làm gia tăng áp lực khiến các bên liên quan đẩy nhanh tiến trình giảm sự phụ thuộc vào Đài Loan trong sản xuất con chip – một tiến trình đã kéo dài nhiều năm.

Trước đó, những thảm họa bao gồm đại dịch Covid-19 và hạn hán đã gây áp lực lớn lên ngành sản xuất con chip tại Đài Loan, gây ra tình trạng thiếu chip nghiêm trọng, từ đó làm tăng giá cả hàng hóa tiêu dùng.

Một nhà máy của TSMC tại Đài Loan - Ảnh: Getty Images

Các chuyên gia về chuỗi cung ứng cũng lo ngại rằng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan có thể gây ra những tác động nghiêm trọng với ngành công nghiệp này.

“Chúng tôi cho rằng trận động đất sẽ như một lời cảnh báo tới các nhà đầu tư về những rủi ro khi ngành chip phụ thuộc quá lớn vào một khu vực”, nhà phân tích Angelo Zino của công ty CFRA, nói.

Năm 2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật CHIPS and Science, theo đó phân bổ khoảng 200 tỷ USD trong vòng 5 năm để giúp Mỹ dành lại vị thế dẫn đầu về sản xuất con chip.

Những năm gần đây, TSMC cũng có kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy chip mới tại Đài Loan, Đức và Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng nhà máy thứ hai tại bang Arizona, Mỹ, liên tục bị hoãn lại. Được công bố vào năm 2022, nhà máy ban đầu dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay.

Theo các chuyên gia, tiến trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng con chip đang diễn ra chưa đủ nhanh để có thể giảm rủi ro của việc phụ thuộc vào Đài Loan. Những nơi đặt nhà máy mới phải có các doanh nghiệp hoặc chính phủ sẵn sàng và có khả năng đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng, đồng thời phải sở hữu lực lượng lao động lớn với trình độ cao để sản xuất con chip cao cấp.

“Tôi cho rằng chúng ta đang ở giai đoạn hết sức quan trọng để định hình ngành này trong vài năm tới. Cần một nơi đặt những nhà máy lớn như của TSMC nhưng có ít căng thẳng địa chính trị hơn Đài Loan”, ông Bader nhận xét.

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dong-dat-o-dai-loan-anh-huong-toi-nganh-cong-nghiep-chip-nhu-the-nao.htm