Đồng chí Phạm Hùng - người con ưu tú của Nam bộ Thành đồng

Anh Hai Hùng - tên gọi thân thương của nhân dân Nam bộ trìu mến dành cho đồng chí Phạm Hùng - người anh, người đồng chí, nhà lãnh đạo bình dị, nghĩa tình, kiên nghị và tài năng, đức độ vẫn còn in đậm mãi trong ký ức của đồng chí, đồng bào miền Nam.

Đồng chí Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11-6-1912, trong một gia đình nông dân ở xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long - vùng đất anh hùng, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

Từ truyền thống hào hùng của quê hương, đất nước, tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân dưới ách thực dân, đế quốc, người thanh niên trẻ tuổi Phạm Hùng đã sớm nung nấu lòng yêu nước và ý chí cách mạng cứu nước. Đồng chí Phạm Hùng, người học sinh của Collège de Mytho (nay là Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Tiền Giang) đã vẽ lên những nét son đầu tiên vào truyền thống cách mạng rực rỡ của nhà trường.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí Lê Giản, Phạm Hùng tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V tháng 1-1950. Đồng chí Phạm Hùng - Phó Giám đốc Sở Công an Nam bộ (ngồi bên phải).

Năm 16 tuổi, hoạt động trong phong trào thanh niên, học sinh, tham gia tổ chức Nam kỳ học sinh Liên hiệp hội và Thanh niên cộng sản Đoàn, 18 tuổi trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Bộ, 19 tuổi đồng chí Phạm Hùng đảm nhận trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho.

Hội thảo khoa học “Đồng chí Phạm Hùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 10-6, tại tỉnh Vĩnh Long, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Phạm Hùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, đồng chí Phạm Hùng, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tài năng, tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, kiên định, nhiệt tình cách mạng cháy bỏng, bản lĩnh, nghị lực phi thường và tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân, đồng chí Phạm Hùng đã được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách. Dù ở bất kỳ cương vị nào, dù khó khăn gian khổ đến đâu, đồng chí vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí gắn liền với những trang sử hào hùng và những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Tháng 4-1930, chấp hành sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, đồng chí thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Collège de Mytho và do đồng chí làm Bí thư. Đây là trường trung học đầu tiên ở nước ta có chi bộ Đảng Cộng sản và cũng là một trong những chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Mỹ Tho.

Đầu năm 1931, khi mới 19 tuổi, đồng chí được Xứ ủy Nam kỳ chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Với tinh thần tiến công cách mạng, đồng chí đã cùng với các thành viên khác trong Tỉnh ủy lãnh đạo nhân dân tiếp tục quật khởi, nổi lên đấu tranh. Bằng tất cả sự năng nổ, nhiệt tình và phong cách đi sâu, đi sát phong trào quần chúng ở cơ sở, đồng chí Phạm Hùng đã trực tiếp tổ chức và chỉ huy nhiều cuộc biểu tình có quy mô lớn.

Đồng chí Phạm Hùng (thứ ba từ trái sang), Phó Giám đốc Sở Công an Nam bộ chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 5 năm 1950.

Ngày 16-1-1931, đồng chí chỉ huy một đoàn biểu tình đông 200 người, từ gò Ông Cuốc (nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành) kéo ra đồn Chợ Bưng đấu tranh. Nhà cầm quyền Pháp ở thị xã Mỹ Tho cho tên đội Dương mang lính đến đàn áp. Để bảo vệ đoàn biểu tình và quần chúng, đồng chí đã dùng súng bắn trả vào toán lính địch, khiến tên chỉ huy bị thương nặng, bọn còn lại tháo chạy tán loạn. Quần chúng thừa thắng kéo đến Nhà việc xã Thân Cửu Nghĩa đốt hết sổ sách, giấy tờ và rải truyền đơn kêu gọi đấu tranh.

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1-5-1931), đồng chí Phạm Hùng chỉ huy 3.000 người ở các xã Vĩnh Kim, Nhị Bình, Dưỡng Điềm, Bình Trưng, Song Thuận, Đông Hòa, Tam Hiệp, Thạnh Phú, Long Hưng, Long Định (nay đều thuộc huyện Châu Thành), Phước Thạnh thuộc TP. Mỹ Tho trương cờ đỏ búa liềm và biểu ngữ tiến về xã Long Định họp mít tinh, đòi chính quyền thực dân giảm tô thuế, giảm giờ làm, thực hiện Luật Lao động, chống khủng bố, đàn áp. Với khí thế sục sôi, quần chúng đã trừng trị tên tay sai khét tiếng tàn ác và thâm độc là hương quản Trâu để tạo điều kiện thúc đẩy phong trào đấu tranh ngày càng mạnh mẽ và cảnh cáo những tên tay sai khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Hùng (thứ nhất từ trái sang) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa II (4-1962).

Ngày 1-8-1931, kỷ niệm Ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc và nối tiếp phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước, đồng chí chỉ huy cuộc biểu tình tuần hành của hàng ngàn quần chúng từ Nhơn Huề (Chợ Bưng, Tam Hiệp) tiến ra lộ Đông Dương (nay là Quốc lộ 1A). Trước sức mạnh như vũ bão của quần chúng, bọn lính đã dùng súng bắn thẳng vào đoàn biểu tình tay không để khủng bố, đàn áp. Một số người đã ngã xuống vì đạn của quân thù. Tình hình diễn ra rất căng thẳng. Để đoàn biểu tình có điều kiện tiến lên, đồng chí đã dùng súng bắn trả và cùng với hàng ngàn người la hét vang trời hòa với tiếng trống, mõ nổi lên dồn dập khiến bọn địch hoảng sợ, rút lui. Thừa thế, quần chúng xốc tới vô cùng mãnh liệt…

Người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi Phạm Hùng đã có công lao rất lớn trong việc lãnh đạo và thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Mỹ Tho tiến lên mạnh mẽ, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh oanh liệt của nhân dân cả nước trong cao trào cách mạng năm 1930 - 1931.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh (ngồi từ trái qua phải: Đại tướng Văn Tiến Dũng, đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Phạm Hùng).

Trong suốt 60 năm liên tục hoạt động cách mạng sôi nổi và luôn đứng nơi đầu sóng ngọn gió, dù trong lao tù đế quốc, trên những chiến trường ác liệt, trước những bước ngoặt của cách mạng hay trước những nhiệm vụ mới nặng nề, đầy khó khăn phức tạp…, đồng chí Phạm Hùng luôn tỏ rõ là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng bộ miền Nam đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 13-5-1975.

Được trui rèn và trưởng thành từ thực tiễn cách mạng hết sức phong phú, với kiến thức sâu rộng và tư duy khoa học, nhạy bén, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát và đồng chí Phạm Hùng (thứ 4 từ phải sang) tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ IV, nhiệm kỳ 1986 - 1990.

Được Đảng, Nhà nước tín nhiệm giao rất nhiều trọng trách và trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng chí Phạm Hùng luôn tận tâm tận lực vì công việc, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn gian khổ, ác liệt đến mấy cũng không sờn lòng, không chùn bước. Với tinh thần cách mạng tiến công, với nghị lực phi thường, với ý chí quyết tâm và niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của cách mạng, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng hiện tọa lạc tại ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Từ năm 1946, đồng chí Phạm Hùng được giữ qua nhiều chức vụ quan trọng. Đến năm 1956, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Thống nhất Trung ương. Năm 1957, đồng chí được cử giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng.

Tháng 4-1958, tại Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa I, đồng chí là Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1967, đồng chí được Bộ Chính trị phân công vào chiến trường miền Nam, làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Năm 1975, là Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm 1976, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ (từ năm 1981 là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng).

Từ năm 1980 - 1986, đồng chí kiêm chức Bộ trưởng Nội vụ (nay là Bộ Công an). Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII (6-1987), đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa II, III, VI, VII, VIII.

HỮU TƯỜNG (tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202206/dong-chi-pham-hung-nguoi-con-uu-tu-cua-nam-bo-thanh-dong-952967/