Đồng chí Đào Duy Tùng suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, trải qua nhiều vị trí công tác, đồng chí Đào Duy Tùng là người cộng sản hết mực trung thành, tận tụy, tư duy đổi mới và tầm trí tuệ cao, đã có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Đồng chí Đào Duy Tùng (thứ 2 từ trái sang) thăm cán bộ và Nhân dân tỉnh Yên Bái năm 1993 (Ảnh: Tư liệu của Văn phòng Trung ương Đảng)

Đồng chí Đào Duy Tùng (thứ 2 từ trái sang) thăm cán bộ và Nhân dân tỉnh Yên Bái năm 1993 (Ảnh: Tư liệu của Văn phòng Trung ương Đảng)

Đồng chí Đào Duy Tùng sinh ngày 20/5/1924 trong gia đình nhà nho yêu nước tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Từ tháng 4/1945, đồng chí tham gia lãnh đạo phong trào Việt Minh. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, từ cán bộ Mặt trận Việt Minh ở cơ sở, đồng chí nhanh chóng trưởng thành trên các cương vị: Bí thư Chi bộ xã Cổ Loa (huyện Đông Anh); Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm Việt Minh huyện Kim Anh; Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kim Anh; Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên; Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng. Đây là thời gian Đồng chí tham gia công tác lãnh đạo Đảng toàn diện trên nhiều lĩnh vực, gắn chặt lý luận với thực tiễn và phong trào cách mạng của quần chúng.

Tháng 1/1953, sau lớp chỉnh huấn ở Khu ủy Việt Bắc, đồng chí là số cán bộ đầu tiên được Trung ương cử đi học tại Trường lý luận Mác-Lênin ở Trung Quốc.

Từ tháng 5/1955 đến tháng 12/1986, đồng chí làm công tác tư tưởng lý luận tại các cơ quan Trung ương với các cương vị: Vụ phó, Vụ trưởng Vụ Huấn học (1955 - 1962); Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (1962); Phó Trưởng Ban kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản (1965 - 1980); Thường trực Ban nghiên cứu lý luận Trung ương (1965 - 1980); Viện trưởng Viện Mác-Lênin (1980 - 1982); Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương (1982 - 1986).

Từ năm 1986 - 1996, đồng chí là Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tư tưởng, khoa giáo (1986 - 1991); Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư (1991 - 1996). Trong thời gian này, đồng chí tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, xây dựng các luận cứ khoa học để hình thành Cương lĩnh, đường lối của Đảng; vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp thực tiễn cách mạng Việt Nam. Những cuốn sách có giá trị lý luận sâu sắc của đồng chí, như: Bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta, Một số vấn đề công tác tư tưởng của Đảng Sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực kinh tế... thể hiện tầm tư duy đúng đắn, khoa học và sáng tạo nhận thức về chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện mới.

Bước vào thời kỳ đổi mới và tiến hành công cuộc đổi mới, đồng chí Đào Duy Tùng cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhà khoa học đi sâu nghiên cứu thực tiễn, phát hiện cái mới để xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, đóng góp vào việc hình thành lý luận đường lối đổi mới của Đảng. Đồng chí là một trong những người tham gia đổi mới từ những năm 1980, cùng với các lần “khoán thử” ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, “khoán 100” rồi “khoán 10” đến Cương lĩnh đổi mới đất nước. Trước những khó khăn, thử thách lớn của đất nước, đồng chí cùng tập thể Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo và nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, dành nhiều thời gian tiếp xúc với Nhân dân, học hỏi kinh nghiệm, lắng nghe, trân trọng ý kiến đóng góp để chắt lọc cái đúng, cái hay, góp sức vào xây dựng và phát triển đường lối, chủ trương của Đảng.

Đồng chí Đào Duy Tùng đã dành nhiều công sức cho công tác lý luận, tư tưởng của Đảng; có những cống hiến to lớn trên nhiều mặt, từ hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn góp phần hình thành các quyết định quan trọng của Đảng đến tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết, văn kiện của Đảng; từ công tác giáo dục lý luận chính trị đến công tác báo chí của Đảng. Tác phẩm báo chí của đồng chí chủ yếu là những bài chính luận với nét nổi bật chứa đựng nội dung sâu sắc, lập luận chặt chẽ, văn phong trong sáng, khúc chiết, giàu sức thuyết phục.

Từ năm 1992 - 1995, với cương vị Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo biên soạn giáo trình Quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí cùng tập thể Hội đồng Trung ương chỉ đạo, tổ chức biên soạn hoàn thành các bộ giáo trình: Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Với kiến thức uyên bác, sự tận tâm, đồng chí Đào Duy Tùng viết nhiều tác phẩm lý luận và trực tiếp tham gia giảng dạy tại các lớp nghiên cứu chính trị, bồi dưỡng cán bộ...

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí luôn khiêm nhường, trung thực, giàu lòng vị tha, sống giản dị, gần gũi với mọi người và tinh thần hăng hái làm việc tới hơi thở cuối cùng. Trong công việc, đồng chí luôn phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của mọi người, đặt niềm tin vào đồng chí, đồng nghiệp, đã giao việc cho ai thì tin tưởng, động viên, tạo điều kiện và sâu sát đôn đốc, kiểm tra kết quả công việc. Ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh, cương vị nào, đồng chí luôn thể hiện tinh thần trung kiên, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Với công lao và thành tích đối với cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.

Đồng chí Đào Duy Tùng mất ngày 13/6/1998, thọ 74 tuổi. Hơn 50 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí đã có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, suốt đời phấn đấu không mệt mỏi cho mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng là dịp để chúng ta tôn vinh những cống hiến, đóng góp của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc; giáo dục chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, lòng tự hào và truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực thi đua lập thành tích hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Phú Nghĩa

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/dong-chi-dao-duy-tung-suot-doi-phan-dau-hy-sinh-vi-su-nghiep-cach-mang-cua-dang-122510.aspx