Dòng chảy của quá khứ và tương lai

Những ngày tháng 6 có ý nghĩa rất đặc biệt đối với người lính quân hàm xanh biên giới An Giang. Kết nối giữa các thế hệ là truyền thống 47 năm thành lập, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, đang được vun đắp ngày càng dày dặn, vững chắc.

Chiến sĩ mới được huấn luyện nghiệp vụ biên phòng

Vinh quang của thế hệ trước

Từ thời kỳ an ninh vũ trang (1975 - 1976), thời kỳ chiến đấu và bảo vệ biên giới (1977 -1979) đến giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng (1980 - 2023), cùng với thành tích chung (BĐBP 2 lần được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân), BĐBP tỉnh tạo chuyển biến nhận thức lẫn hành động trong cán bộ, chiến sĩ (CBCS), làm nên sức mạnh tổng hợp, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Suốt 47 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng BĐBP tỉnh được Đảng, nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba. Các tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân: Phân đội 2 cơ động - Đồn Biên phòng 933 (nay là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình) là Anh hùng trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam; Đồn Biên phòng 941 (nay là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Vĩnh Hội Đông), Đồn Biên phòng 925 (nay là Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương) là Anh hùng thời kỳ đổi mới. Liệt sĩ Hoàng Kim Long được phong Anh hùng trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa cho 3 tập thể; hàng ngàn tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại, cờ dẫn đầu phong trào thi đua… vì thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.

“Có được những chiến công, thành tích trên, trước hết nhờ sự lãnh, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp hiệp đồng, tạo điều kiện của ban, ngành, đoàn thể, sự yêu thương đùm bọc, giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà nói chung, nhân dân trên khu vực biên giới nói riêng.

Thành tích đó còn được vun đắp bằng trí tuệ, công sức và xương máu của bao lớp CBCS BĐBP (Công an nhân dân vũ trang) An Giang qua các thời kỳ. Còn là công lao to lớn của những người mẹ, người chị, người vợ, người con nơi hậu phương kiên trì, âm thầm chịu thương chịu khó, vất vả lo toan mọi bề để CBCS biên phòng vững vàng tay súng nơi biên giới tiền tiêu của Tổ quốc” - đại tá Trần Quốc Khánh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh chia sẻ.

Trách nhiệm của thế hệ sau

Ôn lại truyền thống 47 năm xây dựng và trưởng thành, CBCS BĐBP tỉnh đang quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, làm cho quá khứ và tương lai là một dòng chảy liên tục, để truyền thống đó ngày càng nảy nở tươi thắm cho hôm nay và mai sau.

Lau vội những giọt mồ hôi trên mặt sau khi hoàn thành 4 bài thể dục sáng, 3 bài võ thể dục biên phòng, chiến sĩ Trần Văn Thảo (Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động) bày tỏ: “Sau khi học xong đại học, tôi viết đơn tình nguyện nhập ngũ, vì nghĩ đến trách nhiệm của mình với Tổ quốc. Tôi còn rất trẻ, có thể dành 2 năm cống hiến cho quân đội. Nếu bỏ lỡ, có thể sẽ nuối tiếc cả đời. Rất may mắn khi tôi được trở thành chiến sĩ biên phòng. Đồng đội trong đơn vị xem nhau như gia đình, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ từng ngày”.

So với bề dày gần nửa thế kỷ của BĐBP tỉnh, chiến sĩ mới nhập ngũ 3 tháng như Thảo chỉ là hạt cát nhỏ. Nhưng nhiều hạt cát nhỏ như thế sẽ tạo nên sa mạc mênh mông của lực lượng quân hàm xanh trên biên giới.

Đại úy Phạm Hồng Nam (Chính trị viên phó Tiểu đoàn) sinh ra và lớn lên ở địa phương không có biên giới (TP. Cần Thơ), nhưng anh tìm hiểu, yêu thích và quyết định thi tuyển vào lực lượng BĐBP. Về công tác tại BĐBP tỉnh An Giang 8 năm qua, anh cảm thấy gắn bó vô cùng. Hàng năm, nhìn chiến sĩ mới bắt đầu tiếp cận, được huấn luyện nghiệp vụ biên phòng, anh lại nhớ đến thời điểm ban đầu mình học tập, rèn luyện đầy khó khăn, gian khổ.

“Vì đã xem BĐBP tỉnh là mái nhà thân thương, tôi không ngừng phấn đấu, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tôi tiếp tục tuyên truyền truyền thống vẻ vang của đơn vị cho CBCS, đặc biệt là chiến sĩ mới, giúp họ nắm chắc, hiểu rõ hơn về lực lượng, hun đúc tinh thần vượt khó, cùng đoàn kết xây dựng chi, đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu” - đại úy Phạm Hồng Nam khẳng định.

Theo đại tá Trần Quốc Khánh, tiếp nối vinh quang của quá khứ, thế hệ CBCS BĐBP tỉnh hôm nay tiếp tục thực hiện tốt chức năng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, khu vực biên giới; chủ động, nhạy bén tham mưu, đề xuất với cấp trên về chủ trương, biện pháp đổi mới công tác biên phòng; thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh, đối ngoại và chủ trì phối hợp với cơ quan, tổ chức; duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật, phối hợp chặt chẽ các lực lượng vũ trang, ban, ngành địa phương xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh.

Ngoài ra, tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương; phối hợp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

Việc phấn đấu giữ vững, tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của BĐBP vừa là vinh dự vẻ vang, vừa là trách nhiệm. Mỗi CBCS trong toàn lực lượng BĐBP tỉnh xác định tốt trách nhiệm, tiếp tục xây dựng, bồi đắp và phát huy truyền thống ấy lên tầm cao mới.

Ngày 17/6/1976, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang chấp thuận cơ cấu, tổ chức, số lượng và phiên hiệu các đồn biên phòng của lực lượng Công an nhân dân vũ trang tỉnh An Giang. Từ đó, ngày 17/6/1976 là ngày truyền thống của đơn vị.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dong-chay-cua-qua-khu-va-tuong-lai-a365900.html