Đồng bào Rục từng bước đẩy lùi tảo hôn

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của BĐBP Quảng Bình và chính quyền địa phương, cuộc sống đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa đang đổi thay, tiến bộ từng ngày. Một điều rất đặc biệt, thế hệ trẻ người Rục ở địa bàn biên giới khó khăn đang từng bước đẩy lùi hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn ra khỏi đời sống thường ngày.

Cuộc sống của đồng bào Rục ở Thượng Hóa ngày càng khởi sắc. Ảnh: Viết Lam

Cuộc sống đổi thay

Chúng tôi trở lại Thượng Hóa - địa bàn định cư của người dân đồng bào Rục khi Tết Nguyên đán 2024 đang cận kề, được mắt thấy, tai nghe nhiều điều vui. Qua quan sát, có thể thấy bản làng của đồng bào Rục ở thung lũng Rục Làn đang khởi sắc nhanh chóng. Đường giao thông được mở rộng, sạch sẽ; đêm đến, có ánh điện chiếu sáng, rất thuận lợi cho bà con đi lại, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Hệ thống điện chiếu sáng trên các trục đường ở Thượng Hóa chủ yếu được BĐBP Quảng Bình xây dựng, trao tặng nhân dân thông qua Chương trình “Ánh sáng vùng biên”. Cùng với đó, công trình nhà văn hóa cộng đồng, trường học được kiên cố, nhiều gia đình đồng bào Rục đã tự bỏ tiền túi xây dựng nhà ở khang trang hơn.

Trên con đường nội bản, trong sáng sớm những ngày xuân, đã bắt gặp nhiều người dân đồng bào Rục sinh sống ở bản Mò O Ồ Ồ ra đồng chuẩn bị cho việc xuống giống cây lúa nước vụ mùa Đông - Xuân. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, có thể khẳng định, dự án giúp đồng bào Rục trồng 10ha lúa nước của BĐBP Quảng Bình đang mang lại nhiều lợi ích trông thấy. Từ chỗ chỉ ngồi trên bờ nhìn bộ đội làm ruộng, giờ đây, các hộ gia đình đồng bào Rục đã tự chủ 80% quy trình trồng loại cây lương thực trọng điểm. Không chỉ vậy, bà con đã tự ý thức, tự giác chăm lo để mỗi vụ mùa đến, những thửa ruộng của mình lại cho năng suất cao hơn. Nhờ trồng thành công cây lúa nước, nhiều gia đình đã thoát được cảnh thiếu gạo ăn khi mùa giáp hạt đến. Không chỉ trồng lúa nước, người dân đồng bào Rục cũng đã biết chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm để cải thiện bữa ăn, cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn đi làm các công việc khác như phụ hồ xây dựng, chặt keo cho các đầu mối thu mua... để kiếm thêm thu nhập, dành khi ốm đau.

Ông Cao Đình Long, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ cho biết: “Sau nhiều năm được BĐBP, chính quyền địa phương quan tâm bằng các chương trình, dự án mang lại hiệu quả cao, cuộc sống của người dân trên địa bàn đã đổi thay rất nhiều. Bà con đã tự giác lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, không còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước nữa. Nhiều hộ dân đồng bào Rục chúng tôi đã tự chủ được lương thực, mua được xe máy, ti vi, con cái học hành đầy đủ”. Cũng qua câu chuyện của Trưởng bản Mò O Ồ Ồ, được nghe câu chuyện vui hơn, khi biết bản làng của đồng bào Rục đã có một sinh viên đại học, một sinh viên cao đẳng và một thanh niên đăng ký lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Cũng như nhiều bản làng vùng cao khác của tỉnh Quảng Bình, đồng bào Rục ở Thượng Hóa có cả quá trình dài gánh chịu những hệ lụy nặng nề của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Thực tế cho thấy, nhiều năm trước, trong cộng đồng người Rục có một số bạn trẻ bỏ học lấy chồng, cưới vợ khi chưa đủ tuổi quy định. Những cặp “vợ chồng” tuổi học sinh, “kết hôn” với người gần huyết thống lại sinh ra những đứa con không lành lặn về mặt thể chất, trí tuệ. Điều đó đã để lại những nỗi đau buồn, gánh nặng cho chính bản thân, cộng đồng, xã hội.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng tuyên truyền pháp luật cho đồng bào Rục trên địa bàn. Ảnh: Viết Lam

Từ thực tế đó, cùng với quá trình đầu tư các chương trình dự án giúp dân xóa đói, giảm nghèo, Đồn Biên phòng Cà Xèng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, đẩy lùi các hủ tục ra khỏi đời sống nhân dân địa bàn. Để làm được điều đó, đơn vị đã thường xuyên triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân; nhất là tập trung vào nội dung tuyên truyền để người dân, thanh thiếu niên hiểu rõ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là vi phạm pháp luật và gây ra những hệ lụy rất nặng nề. Để tuyên truyền sâu rộng nội dung này, Đồn Biên phòng Cà Xèng đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể địa phương, trường học tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau. Cùng với đó, đơn vị cũng đã tham mưu cho chính quyền địa phương, các ngành chức năng xây dựng hệ thống pa nô, áp phích có nội dung sát thực, sinh động về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Các tổ công tác địa bàn của Đồn Biên phòng Cà Xèng cũng kịp thời nắm tình hình, phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động những trường hợp có ý định kết hôn khi chưa đủ tuổi hoặc với người gần huyết thống để họ hiểu rõ không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Chính nhờ sự kiên trì của BĐBP, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, hơn 3 năm trở lại đây, đồng bào Rục đã không còn xảy ra hôn nhân cận huyết thống, tình trạng tảo hôn cũng gần chấm dứt hoàn toàn. Em Cao Thị Lệ Hằng, người đồng bào Rục, bản Mò O Ồ Ồ, sinh viên năm thứ 2, Khoa Sư phạm mầm non, Trường Đại học Quảng Bình cho biết: “Nhờ được BĐBP và các lực lượng tuyên truyền, thế hệ trẻ đồng bào Rục chúng tôi giờ cũng hiểu rõ những hệ lụy và chủ động phòng tránh tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Mỗi khi trở về bản làng, tôi cũng góp sức tuyên truyền để người thân, bà con nhân dân nâng cao nhận thức pháp luật, tránh xa những hủ tục để xây dựng cuộc sống mới”.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dong-bao-ruc-tung-buoc-day-lui-tao-hon-post472156.html