Đồng bào Mường ở Phú Thọ thoát nghèo nhờ trồng chè hữu cơ

Nhờ ứng dụng công nghệ trồng chè hữu cơ, nhiều hộ gia đình người dân tộc Mường ở xã Long Cốc, huyện Tân Sơn Phú Thọ đã thoát nghèo và ổn định cuộc sống

Long Cốc là một trong những xã miền núi thuộc diện xã 30a của huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ có trên 93,3% là người dân tộc Mường. Toàn xã có 694 ha trồng chè, sản lượng chè búp hàng năm khoảng 10.000 tấn. Nguồn thu nhập chính của người dân là các sản phẩm nông nghiệp, trong đó cây chè được xác định là cây chủ lực. Những năm gần đây, từ một xã đặc biệt khó khăn thu nhập của người dân bản địa tăng đáng kể, năm 2022 đạt 32 triệu đồng/người/năm. Trong đó nguồn thu từ cây chè là một trong những nguồn thu chủ lực.

Đồi chè ở Long Cốc

Trước đây, sản phẩm chè của các hộ gia đình ở Long Cốc chủ yếu là chè búp tươi bán cho các thương lái, vì vậy giá chè búp bán không được giá cao, người dân thu nhập thấp, đời sống khó khăn, túng thiếu, tỷ lệ hộ nghèo cao. Chính vì thế, nhu cầu cần có một tổ chức khâu kết nối người sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ để tăng thu nhập cho người trồng chè, đồng thời góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương là rất cần thiết.

Năm 2015 tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Long Cốc thành lập với 3 thành viên. Nhờ sự hỗ trợ từ dự án "Nâng cao năng lực và tiếp cận cộng đồng" của tổ chức phi chính phủ Quỹ Úc vì nhân dân châu Á - Thái Bình Dương HTX đang ngày càng phát triển và đi vào hoạt động ổn định". Trồng chè theo hướng hữu cơ tuy vất vả, khó khăn hơn, sản lượng ít nhưng khi thu hoạch đạt được chất lượng chè ngon, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng cũng như người trồng.

Ngay sau khi thành lập, Tổ hợp tác đã bắt tay xây dựng quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là không sử dụng phân hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc sâu hóa học. Trong chế biến không có chất thải ra môi trường (bao gồm chất thải rắn, chất lỏng và khí thải) góp phần gìn giữ môi trường và tạo thành ý thức cho người sản xuất trong bảo vệ môi trường. Chú trọng các nguyên tắc an toàn lao động và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời hình thành mạng lưới liên kết với các hộ dân trên địa bàn phát triển các vùng chè an toàn theo hướng hàng hóa, xây dựng chuỗi giá trị, từng bước nâng cao chất lượng và phát triển thương hiệu Chè an toàn Long Cốc.

Người dân chăm sóc cây chè

Năm 2018, Hợp tác xã Sản xuất chè an toàn Long Cốc được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ tổ hợp tác và kết nạp thêm 10 thành viên, nâng tổng số hội viên lên 13, liên kết với 20 hộ sản xuất chè nguyên liệu. Bà Phạm Thị Hạnh Giám đốc Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Long Cốc cho đầu tư đồng bộ hệ thống nhà xưởng, trang thiết bị phục vụ quy trình sản xuất và chế biến chè, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình này để tạo ra sản phẩm chè sạch.

Ngoài việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn, chuyển giao các công nghệ mới, hợp tác xã còn hỗ trợ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu sản phẩm… Đặc biệt, để có được sản phẩm chè sạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, hợp tác xã luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, chế biến theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, an toàn sinh thái.

Năm 2019, Hợp tác xã Sản xuất chè an toàn Long Cốc được vinh danh đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Ngoài ra chè Long Cốc được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Các sản phẩm của hợp tác xã có chất lượng, đảm bảo an toàn, được cấp chứng chỉ an toàn thực phẩm, chứng chỉ VietGAP, được cấp chứng nhận TCVN ISO 22000:2018 cho hệ thống quản lý an toàn thực phẩm lĩnh vực " Sơ chế, chế biến và đóng gói các sản phẩm chè" và được sử dụng dấu chứng nhận FAO.

Bốn sản phẩm, gồm chè xanh Bát Tiên, chè Đinh Bát Tiên, chè Đinh Đặc Sản, chè Shan Tuyết đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 4 sao các năm 2020, 2021 và 2022. Hàng năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường trên dưới 10 tấn chè các loại, có giá bán từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng/kg. Doanh thu mỗi năm đạt khoảng 5 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Hạnh giám đốc Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Long Cốc

Bà Phạm Thị Hạnh giám đốc Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Long Cốc cho biết song song với sản xuất, phát triển kinh tế, hợp tác xã còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên có 10 lao động, mức thu nhập bình quân mỗi lao động từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Tạo thu nhập cho các hộ liên kết (trên 20 hộ người dân tộc Mường), thông qua việc thu mua nguyên liệu chè búp tươi với giá cao gấp đôi thậm chí gấp ba so với giá thị trường. Gián tiếp tạo việc làm và thu nhập cho những người bán hàng, đại lý, quảng cáo, lưu thông, tiếp thị sản phẩm…

Du khách trải nghiệm sao chè truyền thống của đồng bào dân tộc Mường tại HTX chè Long Cốc.

Đồi chè Long Cốc không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế từ thu hoạch chè búp mà còn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Du khách rất hứng thú với cảnh đẹp đồi chè, trải nghiệm văn hóa Mường qua các hoạt động văn nghệ dân gian, sao chè truyền thống của người đồng bào dân tộc Mường.

Đến nay với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các chương trình dự án, chính sách an sinh xã hội cho người dân tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự xã hội được giữ vững, đời sống người dân ngày được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Với định hướng trở thành điểm du lịch trọng điểm của Phú Thọ xã Long Cốc đã và đang nỗ lực trong bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Mường và phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững.

Như Thủy

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/dong-bao-muong-o-phu-tho-thoat-ngheo-nho-trong-che-huu-co-20231204114316748.htm