Đồng bào Khmer Trà Vinh đón Sêne Đolta ấm no, hạnh phúc

Hơn 300.000 đồng bào Khơme đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, đón lễ Sêne Đolta năm nay (trong 3 ngày 7, 8 và 9/10/2010 ) có thêm nhiều niềm vui mới. Họ được các cấp ủy Đảng và Chính quyền địa phương quan tâm, chăm sóc nên đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng lên. Riêng các hộ Khơme nghèo được nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề…niềm vui nhân lên gấp bội.

Kể từ khi tái lập tỉnh (tháng 5/92) đến nay, Trà Vinh đã có nhiều nỗ lực đưa chính sách dân tộc của Đảng đi vào cuộc sống. Trong đó, đáng kể nhất là kể từ khi có chính sách ưu đãi đầu tư, trợ giá trợ cước các mặt hàng thiết yếu của Chính phủ từ Chương trình 135, 35, 134... Hơn 500 hạng mục công trình cơ sở hạ tầng, phúc lợi (điện, đường, trường, trạm…) được đầu tư xây dựng góp phần nâng cao năng lực sản xuất, làm đổi thay bộ mặt nông thôn ở vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Đặc biệt, các địa phương trong tỉnh hiện đang tập trung triển khai Đề án giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc Khơme nghèo ở địa phương theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2008- 2010. Phấn đấu đến cuối năm 2010, 100% hộ đồng bào dân tộc Khơme nghèo trong tỉnh có đất ở, trên 80% số hộ không đất có đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề, trên 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề, có việc làm thu nhập ổn định. Phối hợp với Công ty điện lực 2 thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam (VN) tổ chức triển khai thực hiện Dự án cấp điện cho hơn 20.000 dân ở vùng nông thôn sâu, vùng đồng bào dân tộc Khơme trên địa bàn tỉnh hiện chưa có điện sử dụng. Dự án này, sẽ được khởi động vào tháng 10/2010 tại 83 xã thuộc 7 huyện trong tỉnh do Công ty điện lực 2 làm chủ đầu tư. Tổng nguồn vốn khoảng 227 tỷ đồng; trong đó, vốn của Chính phủ hỗ trợ chiếm 85%, riêng 15% còn lại do Tập đoàn điện lực VN đầu tư. Dự kiến với khối công việc: Kéo gần 250 km đường dây trung thế, trên 526 km đường dây hạ thế, lắp đặt 420 trạm biến thế có tổng dung lượng hơn 8.000 KVA…Riêng Đề án hỗ trợ nước sinh hoạt và Đề án hỗ trợ nhà ở cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ, Trà Vinh đã xây thêm được 13.182 căn nhà hỗ trợ cho các hộ Khơme nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Tổng nguồn vốn đầu tư 82 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 76 tỷ đồng và ngân sách địa phương 6 tỷ đồng. Trong số này, có 5.500 hộ sau khi nhận nhà còn được xét chọn đầu tư mỗi hộ 02 con bò nái sinh sản có giá trị 10 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình, tự vươn lên ổn định cuộc sống. Đầu tư xây dựng và bàn giao cho địa phương quản lý vận hành được 87 trạm cấp nước với công suất 5m3/giờ/trạm; 01 trạm cấp nước với công suất 20m3/giờ; lắp đặt 8.142 đồng hồ nước (trong đó lắp đồng hồ nước lồng ghép trạm là 2.436 cái và đồng hồ nước tại trạm xây mới của dự án 5.706 cái); cấp 5.661 lu xi măng dung tích 1,3 m3 nước/lu; xây 2.380 bể chứa với dung tích 1,3 m3 nước/bể và 16 mạng phân phối nước. Tổng kinh phí thực hiện Đề án 50 tỷ đồng-; trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 43 tỷ đồng, ngân sách địa phương đóng góp 7 tỷ đồng. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc Khơme trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện chiếm hơn 87% so với tổng số hộ. Mạng lưới trường lớp được đầu tư xây dựng ở tận các phum sóc, hầu hết trẻ con đồng bào dân tộc đến tuổi đi học được cắp sách đến trường. Các trường tiểu học có tỷ lệ học sinh người dân tộc cao đều thực hiện dạy song ngữ (Việt- Khơme); 7 trường dân tộc nội trú hiện có khoảng 1.300 học sinh theo học từ lớp 6 đến lớp 12 và hiện có khoảng 1.000 sinh viên đang theo học các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm học 2009- 2010, tỷ lệ học sinh người dân tộc Khơme thi đậu cao hơn tỷ lệ bình quân của tỉnh. Chuyện này xảy ra nhiều năm liền, riêng năm nay tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp của tỉnh chỉ chiếm 78,45%, giảm 4,11% so với năm học 2008- 2009. Trong khi đó, trong số 30 trường THPT có thí sinh dự thi, có 01 trường (THPT Chuyên Trà Vinh) có tỷ lệ học sinh thi đỗ đạt 100% và 02 trường (Trường dân tộc nội trú THPT tỉnh Trà Vinh và trường THPT Tập Sơn, huyện Trà Cú) có tỷ lệ từ 40- 100% thí sinh là người dân tộc Khơme lại có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT đạt trên 94%, đứng hàng thứ hai và thứ ba của tỉnh. Riêng Trường THPT Tập Sơn có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT chiếm 94,52%, đứng hàng thứ 2 của tỉnh. Đây là một ngôi trường ở vùng sâu, có khoảng 50% cư dân sinh sống nơi đây là dân tộc Khơme. Trường mới được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động khoảng 4 năm nay; toàn trường có 71 cán bộ, công nhân viên, giáo viên. Trường thu hút học sinh các xã lân cận như Phước Hưng, Tân Sơn, An Quảng Hữu… toàn là những xã nghèo, đặc biệt khó khăn thuộc diện được hỗ trợ theo Chương trình 134, 135 của Chính phủ… Tuy vậy, qua nhiều năm liền tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT luôn đứng ở mức cao, riêng năm học 2008- 2009 chiếm 95,60%, cao nhất tỉnh. Điều đó chứng tỏ các cấp ủy Đảng, Chính quyền và ngành giáo dục địa phương có sự quan tâm, đầu tư thích đáng và mang lại hiệu quả tốt cho học sinh người dân tộc. Cùng với tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khơme sinh sống. Với truyền thống đoàn kết gắn bó lâu đời giữa các dân tộc Kinh- Khơme- Hoa, cộng với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương...Trà Vinh luôn là điểm sáng trong việc đưa chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống. Hàng năm vào dịp lễ , tết cổ truyền của dân tộc, đồng bào Khơme ở Trà Vinh luôn có thêm nhiều niềm vui mới./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=426664&co_id=30071