Đồng bào DTTS huyện Bình Liêu phát triển kinh tế gắn với lợi thế sẵn có

Huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh là địa phương miền núi, biên giới, với hơn 96% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Hiện nay, Bình Liêu đang trở thành một trong những huyện có đồng bào DTTS cao nhất ở tỉnh Quảng Ninh và cả nước.

Tại Bình Liêu, dân tộc Tày chiếm đa số với (51,27%), Dao (28,21%), Sán Chay (nhóm Sán Chỉ, 15,26%), Kinh (5,07%), Hoa (0,42%)... Huyện Bình Liêu luôn xác định việc nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân là nhiệm vụ hàng đầu.

Phát triển kinh tế rừng

Bình Liêu hiện có hơn 41.000ha đất rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 87% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Xác định tài nguyên rừng là một trong những trụ cột quan trọng để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng NTM, giảm nghèo; phát triển KT-XH nhanh, bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh trên địa bàn. Thời gian qua, huyện Bình Liêu đã đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, đảm bảo 100% diện tích rừng trên địa bàn huyện đều có chủ nhằm giúp người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hơn 3 năm trở lại đây, ngoài việc chỉ đạo tăng cường các giải pháp chăm sóc, bảo vệ và phát triển các loại cây đặc sản như hồi, quế, sở…, huyện Bình Liêu còn tập trung hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi từ trồng keo sang trồng rừng gỗ lớn.

Đến hết quý I/2023, Bình Liêu đã có trên 10.200ha hồi, quế, sở, tăng 1.300ha so với năm 2017. Huyện cũng đã trồng được 120 ha cây gỗ lớn lâu năm có giá trị kinh tế cao như lim, dổi, lát phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Từ khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên rừng, đến hết năm 2022, huyện Bình Liêu cơ bản không còn hộ nghèo.

Do phát triển trồng rừng, nên nghề nuôi ong bán tự nhiên tại huyện đã phát triển, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Hiện nay, đàn ong trên địa bàn huyện Bình Liêu có khoảng 2.700 tổ, hàng năm cho ra sản lượng hơn 12.000 lít mật. Ong được nuôi rải rác tại các hộ dân ở các xã, thị trấn trong toàn huyện, mật ong được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành lân cận.

Thu hoạch hồi tại khu Khe Coóc (thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu).

HTX Hợp Tiến (thôn Pắc Liềng, xã Tình Húc) có 8 thành viên với cơ ngơi hơn 600 tổ ong, trung bình mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường gần 2.000 lít mật.

Anh Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX Hợp Tiến chia sẻ, mật ong Bình Liêu hiện được lấy từ hai nguồn, từ các tổ ong tự nhiên và từ các tổ ong nuôi trên thôn, khe, bản. Về chất lượng của hai loại mật này tương đương nhau, bởi tiếng là nuôi nhưng thực tế các tổ ong vẫn nuôi trên rừng và đàn ong lấy nguồn thức ăn từ rừng tự nhiên. Từ cách nuôi ong bán tự nhiên này đã hình thành ý thức bảo vệ rừng của người dân Bình Liêu. Người dân hiểu rằng, nếu như các cánh rừng mất đồng nghĩa với việc nghề nuôi ong cũng sẽ biến mất, kéo theo các gia đình không còn thu nhập ổn định, đời sống bấp bênh...

Theo Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh: Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Bình Liêu đạt hơn 53 triệu đồng/người/năm, cao gấp 3 lần so với 10 năm trước đây. Đây cũng là cơ sở quan trọng giúp Bình Liêu hoàn thành chương trình xây dựng NTM trước 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 28 nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Du lịch trải nghiệm - mở ra hướng đi mới

Tận dụng lợi thế từ cảnh quan, thiên nhiên và văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại địa phương, những năm gần đây, phát triển du lịch trở thành nguồn sinh kế bền vững đã và đang được huyện Bình Liêu đẩy mạnh. Nhiều giải pháp cũng được cấp ủy, chính quyền tập trung như: Xây dựng quy hoạch phát triển du lịch; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào DTTS; phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho người dân...

Trên cơ sở định hướng đó, nhiều bà con DTTS cũng mạnh dạn bắt nhịp xu thế, chuyển đổi phương thức sản xuất từ nông nghiệp thuần túy sang phát triển du lịch, dịch vụ.

HTX đã tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con địa phương.

Chị Lý Thị Hạnh (bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn) cho biết: Nhận thấy những tiềm năng về du lịch của địa phương, được sự động viên của chính quyền, gia đình tôi đã xây dựng mô hình homestay để đón tiếp du khách đến Bình Liêu với mong muốn vừa tăng thêm thu nhập, vừa giới thiệu, quảng bá tới du khách thập phương những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

"Tôi đã được tham gia các khóa học về nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, lớp quản lý mô hình homestay do tỉnh và địa phương tổ chức. Đến nay, mô hình đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và tạo thêm việc làm cho một số nhân công bản địa", chị Hạnh cho nói.

Hay như mô hình nông nghiệp công nghệ cao của HTX Hoa Bình Liêu đang trở thành điểm đến mới lạ của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Tọa lạc trên vùng núi Cao Ly thuộc bản Cao Sơn, xã Hoành Mô với độ cao gần 900m, công viên hoa Cao Sơn của HTX có tổng diện tích hơn 1,5ha. Tại đây được trồng nhiều loại hoa khác nhau với hơn 2 vạn cây hoa trang trí, hoa ban công, hoa thảm, gần 300 gốc hoa hồng cổ, hồng ngoại... Tại vị trí cao nhất của vườn hoa là khu nhà lưới rộng 2.400m2 trồng lan vũ nữ. Đây chính là điểm nhấn không chỉ của HTX Hoa Bình Liêu, mà đã trở thành một sản phẩm đặc trưng riêng có của vùng đất biên cương này.

HTX Hoa Bình Liêu đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động người địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho các hộ xung quanh nâng cao thu nhập khi cung ứng các dịch vụ phụ trợ đi kèm như ăn uống, ngủ, nghỉ… góp phần quan trọng giúp giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS.

Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết, trên cơ sở những kết quả đạt được, trong năm 2023, huyện Bình Liêu sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa đời sống cho người dân miền núi, biên giới, bà con vùng đồng bào DTTS trên địa bàn, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gắn với chương trình xây dựng NTM. Trong đó, đặt mục tiêu sẽ giải quyết việc làm mới cho 600 lao động trở lên; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 83,1%.

"Huyện phấn đấu không để tái nghèo và phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm 0,17% (13 hộ) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025...", Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh nhấn mạnh.

Thanh Vân

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/dong-bao-dtts-huyen-binh-lieu-phat-trien-kinh-te-gan-voi-loi-the-san-co-1091871.html