Đồng bằng sông Cửu Long: Vì sao có nhiều điểm sạt lở nguy hiểm?

Qua theo dõi của các cơ quan chức năng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 562 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 786km; trong đó 40 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm (sạt lở gây nguy hiểm trực tiếp đến an toàn đê điều, khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng) với tổng chiều dài 131km (bao gồm, bờ sông 21 điểm với tổng chiều dài 37km, bờ biển 19 điểm với tổng chiều dài 94km).

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết: Kết quả phân tích ảnh hưởng của việc xây dựng các hồ chứa thượng nguồn sông Mê Công cho thấy, việc xây dựng các hồ chứa ở thượng nguồn đã, đang và sẽ làm gia tăng các biến động bùn cát (với tốc độ khoảng 5%/năm từ năm 2012 trở lại đây) trên các tuyến sông và vùng ven biển, là những nguyên nhân cơ bản gây mất ổn định lòng, bờ sông và xâm thực bờ biển. Bên cạnh đó, những năm gần đây hoạt động khai thác cát quá mức trên sông Mê Công, đặc biệt ở hạ lưu vực (với lượng khai thác tương đương với lượng bùn cát tự nhiên) làm lòng sông bị hạ thấp, dẫn đến cao độ mực nước về mùa kiệt trên các tuyến sông bị giảm; thay đổi chế độ thủy văn dòng chảy tại các phân lưu, hợp lưu ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định bờ sông, bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn ven biển. Theo báo cáo của WF (2013), tổng lượng khai thác cát trung bình năm 2011-2012 trên toàn hệ thống sông Mê Công khoảng 35 triệu m3. Theo kịch bản biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2016 cho thấy, khu vực ĐBSCL sẽ ngập chìm 19%-39% nếu mực nước biển dâng thêm 1m; lượng mưa có xu thế gia tăng về mùa mưa, giảm về mùa khô. Qua đó làm tăng lưu tốc dòng chảy về mùa lũ và tạo ra chênh lệch mực nước lớn hơn trước đây giữa mùa lũ và mùa kiệt cũng là những tác động làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông...

Sạt lở thường xuyên diễn ra tại bờ sông Hậu, đoạn chảy qua tỉnh Hậu Giang.

Để giải quyết hiệu quả vấn đề mất cân bằng bùn cát trên sông, kênh, rạch và vùng ven biển, lún sụt đất, theo các cơ quan chức năng, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý bờ sông, kênh, rạch, bờ biển giảm tác động gây xói lở theo hướng quản lý tổng hợp, dành không gian thoát lũ, làm đường giao thông, đắp đê... Đối với thượng nguồn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường Hợp tác Quốc tế về quản lý bền vững sông Mê Công trong khai thác nguồn nước và bùn cát; rà soát, chỉ cấp phép khai thác cát với khối lượng hợp lý bảo đảm sự cân bằng tương đối. Các địa phương cần thống nhất giao một đầu mối cấp phép khai thác cát trên các dòng sông; quản lý chặt việc xây dựng nhà ở, công trình ven sông để hạn chế chất tải lên bờ sông, kênh, rạch, cản trở dòng chảy; bố trí, sắp xếp từng bước di dời dân ra khỏi bờ sông, lòng kênh, rạch, ưu tiên những nơi có nguy cơ cao về sạt lở.

Bài và ảnh: TUẤN HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/dong-bang-song-cuu-long-vi-sao-co-nhieu-diem-sat-lo-nguy-hiem-520802