Đồng bằng sông Cửu Long: Nỗi lo dịch cúm gia cầm

Thời điểm này, nhiều ổ dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại ĐBSCL. Đáng lo hơn lúc này nông dân đang bước vào giai đoạn thu hoạch lúa đông xuân, trong khi tình trạng thả nuôi vịt chạy đồng cũng diễn ra rầm rộ với các nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch cúm gia cầm…

Nuôi vịt chạy đồng ở ĐBSCL.

Trước Tết Nguyên đán vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang đã phát hiện và tiêu hủy hơn 800 con gà nhiễm cúm H5N1 của ông Nguyễn Văn Thành ở ấp 6, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ. Ông Thành cho biết, toàn bộ số gà này được ông mua từ tỉnh Trà Vinh, bình quân mỗi con đạt trọng lượng hơn 1kg. Do có kinh nghiệm nuôi gà, vịt trên 10 năm nên ông tự mua thuốc ngừa về tiêm phòng và điều trị bệnh. Nhưng tất cả đều không khỏi mà chết dần, ước tính thiệt hại ban đầu hơn 12 triệu đồng.

Gần đây nhất, vào cuối tháng 1.2017, ngành thú y tỉnh Bạc Liêu cũng đã tiêu hủy toàn bộ đàn gà 1.700 con, nuôi được hơn 1 tháng tuổi của hộ ông Võ Thanh Tùng (ngụ ấp Vĩnh Phú A, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long). Trước đó, đàn gà của ông Tùng đã bị bệnh và chết hàng loạt. Kết quả xét nghiệm cho thấy đàn gà của ông Tùng bị dương tính cúm A /H5N1.

Sau khi tiêu hủy, cơ quan chức năng tiến hành tiêu độc, sát trùng, tiêm phòng các đàn gà, vịt nuôi trong bán kính 1km nhằm khống chế, không để dịch cúm gia cầm lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, một thực tế đang lo ngại là vụ lúa đông xuân đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, đây là thời điểm thuận lợi cho người dân thả nuôi vịt chạy đồng, kèm theo đó là nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trên diện rộng…

Ông Trương Ngọc Trưng - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang cho biết: Mặc dù ổ dịch đã được khống chế, nhưng ngành chăn nuôi và thú y xác định không thể lơ là trong công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh tại nơi xảy ra ổ dịch nói chung và công tác phòng, chống dịch bệnh toàn tỉnh nói riêng. Hiện, chúng tôi đã rà soát đàn nuôi mới, đàn hết hạn miễn dịch trên địa bàn xã Long Trị A để khẩn trương tiêm vaccine phòng bệnh cúm gia cầm. Đồng thời, kết hợp các biện pháp vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi nhằm triệt tiêu mầm bệnh. Mặt khác, tăng cường giám sát ổ dịch và vùng lân cận, theo dõi chặt tình hình chăn nuôi trên địa bàn…”.

Đáng lo nhất hiện nay là triệu chứng cúm gia cầm H5N1 cũng giống với triệu chứng thông thường, nhưng một số điểm đặc biệt là sốt cao từ 39 độ trở lên và sốt liên tục, đau đầu, đau cơ; có những trường hợp đau bụng, nôn ói. Đặc biệt bệnh này thường xảy ra trường hợp viêm kết mạc mắt. Nặng hơn, có thể xảy ra tình trạng khó thở, suy hô hấp, suy tuần hoàn dẫn đến tử vong.

Ông Nguyễn Văn Lành - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, khuyến cáo: “Trong sử dụng thực phẩm, nên sử dụng sản phẩm có đóng dấu xác nhận an toàn của cơ quan chức năng. Đối với những sản phẩm gia cầm tại địa phương như gà, vịt, bà con nên chọn những con khỏe mạnh, không có biểu hiện khác thường, nhất là không nên dùng sản phẩm gia cầm chưa được chế biến chín. Còn đối với người chăn nuôi, khi chăm sóc gia cầm, cần có đồ bảo hộ an toàn”.

Chỉ tính riêng tại tỉnh Hậu Giang, tổng đàn gia cầm lên tới hơn 2 triệu con. Các đàn vịt hàng nghìn con chạy từ xã, huyện này sang xã, huyện khác, hầu như không có ai kiểm soát. Đáng lo ngại là hiện nay, trên một số tuyến kênh, rạch đã xuất hiện xác gia cầm chết không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước, không khí mà nguy cơ phát tán mầm bệnh rất cao…

TRẦN LƯU

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/dong-bang-song-cuu-long-noi-lo-dich-cum-gia-cam-637031.bld