Đồng bằng sông Cửu Long: Đón nhận hay không đón nhận nhiệt điện than?

Ngày 3.10, tại TP.Cần Thơ, Bộ Xây dựng và Bộ Công thương đã đồng chủ trì tổ chức hội thảo khoa học: 'Sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)'. Từ hội thảo này, có thể đặt ra một vấn đề lớn hơn, đó là: ĐBSCL nên dang tay đón nhận hay quay lưng với NMNĐ than?

Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1. Ảnh: T.N

Sự lựa chọn bắt buộc

Để đảm bảo cho nền kinh tế đất nước phát triển, nhu cầu điện năng cho cả nước phải tăng khoảng 10%/năm; trong đó vùng ĐBSCL cũng không phải ngoại lệ, có thể còn cao hơn mức trung bình cả nước. Trong khi đó, việc khai thác tiềm năng các loại năng lượng khác phục vụ sản xuất điện như thủy điện, điện khí… đã đạt tới hạn, không thể tăng thêm nữa. Việc phát triển điện hạt nhân đã tạm dừng. Còn các loại năng lượng tái tạo khác (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) chi phí đầu tư lớn và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên; mà nếu quyết tâm đầu tư khai thác thì cũng chiếm tỉ trọng rất thấp, không đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu điện ổn định với chi phí hợp lý thì việc phát triển nhiệt điện than (NĐT) là sự lựa chọn bắt buộc của nước ta hiện nay. Theo kinh nghiệm quốc tế, các nước đang phát triển bao giờ cũng phụ thuộc NĐT, khi nào trở thành nước phát triển, khi đó họ mới chuyển dần sang nguồn năng lượng khác. Thậm chí, nhiều nước phát triển cao như Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… hiện họ cũng phải duy trì một tỉ lệ nhất định NĐT để đảm bảo phát triển kinh tế.

Như vậy, vấn đề đặt ra là: Không phải chấp nhận hay không chấp nhận NĐT, mà là phải phát triển NĐT gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Buộc phải chấp nhận NĐT, trong khi NĐT luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường so với các dạng năng lượng khác, vì vậy phải hành xử thế nào cho ít ô nhiễm nhất, ít tác hại nhất. Có ý kiến cho rằng, hãy đầu tư NĐT ở nơi nào đó, chứ không nên là vùng ĐBSCL vì nơi đây vốn “trong lành”(!). Chắc hẳn các vùng miền khác cũng có lập luận tương tự, họ không thể gánh hết phần rủi ro để tạo ra năng lượng điện cung cấp cho vùng ĐBSCL. Cách hành xử đúng đắn nhất là cùng hưởng quyền lợi và cùng chia sẻ trách nhiệm. Trong ý nghĩa đó, việc triển khai các dự án NMNĐ ở vùng ĐBSCL là có thể thông cảm được. Ở Việt Nam hiện có 21 NMNĐ than đang hoạt động, thải ra hàng năm hơn 16 triệu tấn tro xỉ, thạch cao. Dự kiến tới năm 2020 có thêm 12 dự án NĐT đi vào hoạt động (đang trong quá trình xây dựng) và tổng công suất lắp đặt NĐT là 24.370 MW. Tổng lượng tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện đến năm 2020 ước khoảng 22,6 triệu tấn/năm.

Tại khu vực ĐBSCL hiện có 3 cụm nhiệt điện bao gồm: Nhiệt điện Duyên Hải, nhiệt điện Long Phú và nhiệt điện Sông Hậu; trong đó các nhà máy đang vận hành là nhiệt điện Duyên Hải I, III với tổng công suất lắp đặt là 1445 MW, hàng năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn tro, xỉ. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có thêm sẽ có thêm các nhà máy nhiệt điện Long Phú 1,2; Sông Hậu 1,2; Duyên Hải 3 mở rộng hoạt động, nâng tổng công suất phát điện lên 5.505MW, mỗi năm thải ra khoảng 4,13 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao. Từ sau năm 2020 đến năm 2030 sẽ có thêm 9 nhà máy hoạt động nâng tổng công suất phát điện lên 18.225MW, mỗi năm thải ra khoảng 13,67 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao.

Đã có lối ra cho tro, xỉ…

Vấn đề cốt lõi hiện nay của các NMNĐ than ở ĐBSCL là giải quyết tro, xỉ, thạch cao thải ra như thế nào. Hiện các NMNĐ ở Duyên Hải (Trà Vinh) đã tồn trữ khoảng 1,6 triệu tấn tro, xỉ và bãi chứa không còn nhiều. Lãnh đạo TP.Cần Thơ lo lắng, nếu không xử lý tốt, rồi sẽ có những “quả đồi” tro, xỉ đen ngòm (của các NMNĐ) nằm hai bên dòng sông Hậu hiền hòa.

Các chuyên gia nước ngoài quan tâm tới việc sử dụng tro, xỉ của NMNĐ ở ĐBSCL.

Trên thực tế, tro xỉ của các NMNĐ các tỉnh phía Bắc luôn được tận dụng hầu hết, không phải bây giờ, mà từ nửa thế kỷ qua. Từ thập 60 của thế kỷ trước, ở miền Bắc đã có NMNĐ, người dân và các doanh nghiệp đã biết tận dụng tro xỉ làm gạch không nung, phụ gia xi măng, san lấp mặt bằng… Thậm chí, nhiều công trình thủy điện lớn ở niền Bắc đã tận dụng tro, xỉ các NMNĐ dùng trong công nghệ đầm lăn xây dựng đập thủy điện, mang lại hiệu quả cao… Trong suốt nửa thế kỷ qua chưa từng nghe rủi ro nào xảy ra do sử dụng tro, xỉ các NMNĐ ở miền Bắc. Trong khi đó, nhiều công trình xây dựng ở huyện Duyên Hải bị đình trệ vì không có cát san lấp, thì ở ngay cạnh đó, các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Duyện Hải 1, Duyên Hải 3 phải “ôm” hàng triệu tấn tro xỉ. Ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - cho biết, địa phương không dám dùng tro, xỉ của NMNĐ thay cát san lấp mặt bằng vì chưa có cơ sở pháp lý, nếu lỡ xảy ra điều gì, sẽ hết sức phiền phức. Địa phương Trà Vinh cũng đã thử sản xuất gạch không nung từ tro xỉ các NMNĐ, nhưng chưa ai dám sử dụng vì lý do tương tự.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định: Tro, xỉ từ các nhà máy NMNĐ không phải là chất thải nguy hại. Còn ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng Cục K¬ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) - cho biết, kết quả phân tích thành phần tro, xỉ của 21 NMNĐ cho thấy, đây là chất thải rắn thông thường, hoàn toàn có thể làm VLXD hoặc san lấp mặt bằng. Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) cũng xác nhận, cơ quan này chưa bao giờ xem tro, xỉ các nhà NMNĐ là “chất thải nguy hại” và rất ủng hộ việc tái sử dụng tro, xỉ các NMNĐ làm VLXD

Vấn đề còn lại là, cần có cơ sở pháp lý, các quy chuẩn, để người dân ở ĐBSCL sử dụng tro, xỉ các NMND một cách hiệu quả như các tỉnh phía Bắc. Ông Bùi Phạm Khánh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho biết, Bộ Xây dựng đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23.9.2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các NMNĐ, phân bón hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất VLXD. Sau hai năm thực hiện Quyết định 1696 việc xử lý tro, xỉ, thạch cao đã đạt được một số kết quả nhất định. Để tăng cường xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao, năm 2016 Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 163/VPCP-TH giao Bộ Xây dựng làm Đề án “Đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các NMNĐ, nhà máy phân bón, hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng”. Ngày 12.4.2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 452/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các NMNĐ, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng”.

Với những gì đang làm, cơ sở pháp lý về sử dụng tro, xỉ các NMNĐ sẽ sớm được ban hành. Khi đó, các “đồi núi” tro, xỉ của các NMNĐ ở ĐBSCL sẽ được sử dụng hiệu quả cho phát triển kinh tế. Và khi ấy, lời giải cho các NMNĐ ở ĐBSCL mới chính thức có đáp án!

TRUNG NGÔN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/trang-dbscl/dong-bang-song-cuu-long-don-nhan-hay-khong-don-nhan-nhiet-dien-than-568514.ldo