Đơn vị Decapitation - vũ khí tâm lý của Hàn Quốc?

Dư luận thế giới đang quan tâm việc Hàn Quốc triển khai kế hoạch xây dựng một đơn vị đặc nhiệm với nhiệm vụ đột nhập vào Triều Tiên thực hiện các vụ đột kích các cơ sở hạt nhân, cơ sở quân sự hoặc sứ mệnh đặc biệt khác.

Đơn vị này không có tên gọi cụ thể, mà được gọi theo ngôn từ chúng ta thường nghe thấy trong các bộ phim cổ trang. Việc Hàn Quốc công khai thông báo chiến lược tập kích và nhắm đến mục tiêu cụ thể ở Triều Tiên là điều bất thường trong thế giới ngày nay, nhưng xét về lịch sử quan hệ hai miền trên bán đảo Triều Tiên thì rõ ràng điều đó có mục đích tâm lý chiến.

Một ngày sau khi CHDCND Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân lần thứ sáu (ngày 3-9-2017), Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo đã phát biểu trước Quốc hội nước này rằng, quân đội đang chuẩn bị cho ra đời một đơn vị có quy mô cấp lữ đoàn nhằm tiến hành các hoạt động đột kích mục tiêu định sẵn trên đất Triều Tiên. Dự kiến đơn vị này sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2017.

Biệt kích Hàn Quốc trong một cuộc tập trận.

Biệt kích Hàn Quốc trong một cuộc tập trận.

Theo tờ Daily Mail của Anh, kế hoạch thành lập đơn vị "Decapitation" (trảm thủ) thực ra đã được công bố cách đây hơn một năm, với tên gọi là "Spartan 3000". Quân số dự kiến của đơn vị này bao gồm khoảng 1.500 đến 3.000 nhân sự tuyển chọn từ các đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ trong quân đội Hàn Quốc, được huấn luyện đặc biệt để xâm nhập và hoạt động bên trong CHDCND Triều Tiên tuy đơn vị này không được giao nhiệm vụ với mục tiêu cụ thể.

Các quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết, đơn vị có khả năng thực hiện các cuộc đột kích xuyên biên giới bằng các khí tài chuyên dùng như máy bay trực thăng được nâng cấp và các máy bay vận tải cũng được trang bị đặc biệt để bay xuyên đêm.

Spartan 3000 là một bộ phận trong một chương trình quân sự đặc biệt của Hàn Quốc nhằm đối phó với mối đe dọa an ninh đến từ miền Bắc. Đó là Chương trình Trừng phạt và trả đũa quy mô lớn (KMPR). Đây là một trong ba chương trình quân sự Hàn Quốc đang triển khai nhằm đối phó Bắc Triều Tiên, cùng với các chương trình Kill Chain và Phòng thủ tên lửa và không quân Triều Tiên (KAMD).

Trong Chương trình Kill Chain, Hàn Quốc nhắm đến mục tiêu dò tìm và phát hiện sớm các cuộc tấn công tên lửa từ Triều Tiên và phát động tấn công phủ đầu. Mối lo của Hàn Quốc không phải không có cơ sở. Lâu nay, Triều Tiên luôn duy trì các khẩu đội pháo và các hệ thống phóng tên lửa ở khu vực gần biên giới.

Các hệ thống này có khả năng phóng 5.200 quả pháo vào Seoul trong vòng 10 phút đầu tiên chiến tranh nổ ra. Điều đáng quan tâm với Hàn Quốc là Triều Tiên còn đang vận hành hàng trăm tên lửa được thiết kế đánh trúng các mục tiêu ở Hàn Quốc và các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản và xa hơn nhằm ngăn chặn Mỹ can thiệp một khi chiến tranh xảy ra.

Bộ trưởng Quốc phòng Song cho biết, nhu cầu dò tìm và phát hiện sớm tên lửa tấn công càng trở nên cấp thiết đối với Hàn Quốc trong bối cảnh hiện nay. Triều Tiên đang cho thấy mình có năng lực sở hữu đầu đạn hạt nhân với kích cỡ nhỏ và nhẹ (dưới 500 kg), vừa đủ để gắn vào tên lửa. Chỉ có điều, các chuyên gia hiện vẫn chưa thể xác định các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đó đã được vũ khí hóa hay chưa.

Theo các thông tin tình báo cho rằng, Triều Tiên âm thầm triển khai và giấu các tên lửa trong các đường hầm ngầm dưới lòng đất. Việc chuyển sang sử dụng nhiên liệu rắn giúp cho các tên lửa dễ vận chuyển hơn và do đó quy trình phóng tên lửa diễn ra nhanh hơn. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Triều Tiên còn thử nghiệm phóng tên lửa cơ động từ tàu ngầm, do đó càng khó phát hiện hơn.

Trong nỗ lực nhằm đối phó các động thái đe dọa dùng vũ lực của Triều Tiên, Mỹ còn tạo điều kiện rộng rãi hơn cho Hàn Quốc trong các hành động ứng phó với Triều Tiên. Phát biểu trên phương tiện truyền thông, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson tuyên bố "không thúc đẩy việc thay đổi lãnh đạo" ở Triều Tiên, đồng thời Seoul cũng khẳng định dụng ý của chiến lược quân sự là nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ Triều Tiên, dựa vào khả năng tấn công phủ đầu.

Thượng tuần tháng 9-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý nâng mức giới hạn khối lượng tên lửa đã được quy định trong hiệp định ký kết hàng chục năm qua, trên cơ sở đó cho phép Hàn Quốc nhanh chóng xây dựng các tên lửa đạn đạo mới mạnh hơn.

Giới hạn khối lượng tên lửa đã được quy định trong một hiệp định ký kết giữa Mỹ và Hàn Quốc vào thập niên 70 thế kỷ XX, khi Mỹ giúp Hàn Quốc chế tạo quả tên lửa đạn đạo đầu tiên. Mục đích của việc đưa ra giới hạn này được giới chức Mỹ giải thích là nhằm ngăn ngừa việc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Hàn Quốc bắn thử tên lửa Hyunmoo-2 trong một cuộc tập trận sau khi CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân.

Nay, trước việc Triều Tiên liên tục bắn thử tên lửa, trong đó có 2 quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, cộng với vụ thử đầu đạn hạt nhân lần thứ sáu đã khiến chính quyền Mỹ suy nghĩ lại đối với quy định giới hạn khối lượng tên lửa Hàn Quốc. Giới chức Hàn Quốc đang hy vọng với việc nới lỏng quy định tên lửa này, Hàn Quốc có thể chế tạo những quả tên lửa có thể xuyên thủng các hầm ngầm sâu trong lòng đất dùng làm nơi trú ẩn của lãnh đạo Triều Tiên.

Tướng Joseph F. Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ cho rằng, để phát huy hiệu quả của tên lửa, cần có năng lượng tốt về tình báo, do thám và thám báo trên không. Nếu không có các hệ thống này, việc phóng tên lửa sẽ không trúng đích, sát thương bừa bãi, và chắc chắn sẽ không thể kiểm soát được số thương vong trong dân thường.

Hàn Quốc đang chuẩn bị để đối phó với tình huống phải hứng chịu những đợt tấn công bằng tên lửa của miền Bắc bằng cách triển khai kế hoạch phóng 5 vệ tinh do thám lên quỹ đạo từ năm 2021-2023 để giám sát mọi chuyển động quân sự của Triều Tiên. Từ đây đến đó, Hàn Quốc đang có kế hoạch thuê các vệ tinh do thám của Pháp và Israel. Đồng thời nước này cũng đang có kế hoạch triển khai 4 chiếc máy bay do thám không người lái RQ-4 Global Hawk do Mỹ cung cấp vào đầu năm tới.

Hiện tại, Hàn Quốc đang có kế hoạch nâng cấp, cải tạo các tên lửa đánh chặn PAC-2 cho mục đích phòng thủ tầm thấp tốt hơn. Thượng tuần tháng 9-2017, Hàn Quốc đã giúp Mỹ triển khai một khẩu đội tên lửa trong hệ thống đánh chặn THAAD, có khả năng đánh chặn tên lửa ở tầm cao. Để phòng thủ tốt hơn, Seoul đang xây dựng các hệ thống tên lửa đánh chặn riêng, lấy tên là L-SAM, đồng thời lắp đặt thêm các hệ thống rađa cảnh báo.

Sau khi Triều Tiên thử hạt nhân, Hàn Quốc đã bắn thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hyunmoo-2 trong một cuộc tập trận tấn công các mục tiêu hạt nhân của Bình Nhưỡng. Hồi tháng 7-2017, Seoul đã cho công bố hình ảnh mô phỏng tên lửa phá boong-ke Taurus đánh trúng mục tiêu. Đây là loại vũ khí "át chủ bài" của Hàn Quốc trong Chương trình Trừng phạt và trả đũa quy mô lớn (KMPR).

Theo chương trình này, Hàn Quốc sẽ phân chia Bình Nhưỡng thành nhiều khu và phóng tên lửa Taurus hủy diệt toàn diện khu vực nào nghi có lãnh đạo Triều Tiên trú ẩn. Với sức công phá mới sau khi được nới lỏng quy định về khối lượng tên lửa, Hàn Quốc hy vọng kế hoạch này sẽ có tác dụng nhiều mặt, cả về quân sự lẫn tâm lý.

Giới phân tích đánh giá việc chính phủ Hàn Quốc công khai thông báo chiến lược tập kích và nhắm đến mục tiêu cụ thể ở Triều Tiên là điều bất thường trong thế giới ngày nay. Nhưng xét về lịch sử quan hệ hai miền trên bán đảo Triều Tiên thì rõ ràng điều đó có mục đích tâm lý chiến. Các quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết việc công khai kế hoạch triển khai đơn vị Spartan 3000 nhằm mục tiêu răn đe đối với lãnh đạo Triều Tiên, từ đó hướng đến mục tiêu ngăn chặn Bình Nhưỡng tiến xa hơn trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân.

Làm thế nào để Hàn Quốc có thể răn đe một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nằm sát bên cạnh mình? Tướng về hưu Shin Won-sik khẳng định, việc triển khai biệt đội Spartan 3000 có tác dụng lớn về mặt tâm lý, làm cho những cái đầu nóng ở Triều Tiên cân nhắc về an nguy của bản thân mà chùn tay trong chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân cũng như chương trình tên lửa đạn đạo.

Theo tướng Shin, triển khai đơn vị đặc nhiệm này là một cách "răn đe" mà không cần đến vũ khí hạt nhân hay bất kỳ thứ vũ khí giết người nào khác. Bởi vì, nếu một quả bom hạt nhân được bắn xuống, số thương vong dân thường Triều Tiên sẽ đếm không xuể.

Mặt khác, việc triển khai đơn vị đặc nhiệm Spartan 3000 cũng là cách nhằm cân bằng giữa nhu cầu cấp bách ứng phó mối đe dọa an ninh với các mục tiêu chính trị của Tổng thống Moon Jae-in là không triển khai đối đầu trên diện rộng với Triều Tiên, không chạy đua chế tạo vũ khí hạt nhân để hướng đến mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Làm cho bộ não chiến tranh của Bình Nhưỡng tê liệt bằng biện pháp "bí mật" vẫn hay hơn việc gây ra hàng ngàn cái chết của người dân vô tội. Đó là triết lý của giải pháp "đặc nhiệm trảm thủ" Spartan 3000.

Trong quá khứ, Hàn Quốc cũng từng triển khai kế hoạch ám sát lãnh đạo Triều Tiên nhưng bất thành. Mọi chuyện bắt nguồn từ việc Triều Tiên phái một biệt đội 31 lính biệt kích đột nhập qua biên giới sâu 40 km, tập kích Dinh Tổng thống Hàn Quốc nhằm ám sát Tổng thống Park Chung-hee. Sự việc xảy ra vào ngày 21-1-1968.

Tháng 4-1968, Hàn Quốc xây dựng một đơn vị sát thủ cũng bao gồm 31 lính biệt kích, tập kết huấn luyện trên đảo Silmido, một hòn đảo nhỏ phía Tây Seoul, từ đó đơn vị có tên là Silmido. Mục tiêu duy nhất của đơn vị này là đột nhập lên miền Bắc trả thù cho vụ sát hại Tổng thống Park Chung-hee. Để thực hiện nhiệm vụ, 31 biệt kích của biệt đội Silmido đã phải trải qua huấn luyện cực kỳ gian khổ, đến nỗi 3 lính biệt kích đã phải bỏ mạng.

Tháng 10-1968, đơn vị bắt đầu lên đường thi hành sứ mệnh. Toàn đơn vị đã chuẩn bị thuyền hơi để xâm nhập miền Bắc, nhưng đến phút chót lại được lệnh ngưng, phải quay trở về. Một cách lý giải cho rằng, Seoul không muốn gây ra sự cố trong lúc quan hệ Xô-Mỹ đang có dấu hiệu nồng ấm trở lại sau thời gian căng thẳng. Các chỉ huy trên đảo Silmido đề xuất chuyển đơn vị sang thực thi nhiệm vụ khác hoặc giải tán để mọi người ai về nhà nấy.

Nhưng lãnh đạo cấp cao ở Seoul lại không đả động gì đến số phận của biệt đội. Thế là họ phải quay trở lại đảo và tiếp tục những tháng ngày huấn luyện gian khổ. 3 năm sau, không thể tiếp tục chịu đựng nữa, toàn biệt đội nổi loạn, giết chết 18 sĩ quan huấn luyện, sau đó cướp xe buýt, chạy vượt chướng ngại của cảnh sát để tiến vào trung tâm thủ đô Seoul. Sau một trận đấu súng với lực lượng quân đội ở trung tâm Seoul, các biệt kích đã tự sát bằng lựu đạn.

Vụ việc đã trở thành đề tài chính trị căng thẳng ở Hàn Quốc trong một thời gian dài. Cho đến những năm đầu thế kỷ XXI, Seoul mới thừa nhận sự thật đằng sau vụ nổi loạn của những người lính biệt kích trong biệt đội Silmido.

Liệu đơn vị Spartan 3000 sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ được giao, hay lại phải dừng sứ mệnh khi chưa thi hành như cách đây gần 50 năm? Bối cảnh ngày nay khác xưa rất nhiều, và ngay cả mục đích của việc thành lập Spartan 3000 cũng khác nhiều so với biệt đội Silmido khi xưa. Spartan 3000 có thể chỉ tồn tại trên giấy và trong các phát biểu của lãnh đạo ở Seoul hơn là trong các nhiệm vụ thực tế.

Nguyên Khang (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/don-vi-decapitation-vu-khi-tam-ly-cua-han-quoc-458525/