Đơn vị dẫn đầu về chỉ số DDCI

Từ vị trí thứ 8/20 sở, ngành về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành (DDCI) tỉnh Sơn La năm 2019 với điểm số 7,76 thuộc nhóm có chất lượng điều hành đạt mức khá, Ban Quản lý khu công nghiệp tiếp tục phấn đấu vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng năm 2020 với 88,25 điểm, được các doanh nghiệp, nhà đầu tư ghi nhận, đánh giá cao.

Cán bộ Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục hành chính.

Cán bộ Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục hành chính.

Theo ông Bùi Văn Mẫn, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp, cho biết: Ban Quản lý đã xây dựng kế hoạch tiếp tục giữ vững các chỉ số thành phần, chỉ tiêu đã đạt được năm 2019; khắc phục, cải thiện các chỉ số thành phần, chỉ tiêu còn yếu và thấp hơn trung bình để phấn đấu nâng cao điểm số từ 8 điểm trở lên trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Chúng tôi đã chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ công chức, viên chức, nhất là tăng tính năng động và trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo trong thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thân thiện, thông thoáng; duy trì đối thoại định kỳ, gặp gỡ trực tiếp để nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Thành lập tổ tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất để giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, tạo niềm tin, động lực thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại Khu công nghiệp.

Về Cải thiện điểm của chỉ số Hiệu quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, đơn vị đã quán triệt nâng cao ý thức, trách nhiệm cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Đối với chất lượng dịch vụ công, xây dựng một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; nâng cấp, cải thiện trang Website của Ban Quản lý và tạo đường link liên kết với các trang website liên quan đến ngành để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận, dễ tìm kiếm thông tin.

Cải thiện điểm của chỉ số Minh bạch thông tin và đối xử công bằng bằng cách tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính; xử lý kịp thời các vấn đề phát hiện qua kiểm tra; cập nhật thường xuyên, đầy đủ các văn bản của Nhà nước có liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước trong khu công nghiệp trên trang thông tin điện tử của Ban Quản lý, đặc biệt là danh mục thủ tục hành chính, biểu mẫu, quy trình thực hiện giải quyết thủ tục hành chính của Ban Quản lý.

Nói về hỗ trợ của Ban Quản lý khu công nghiệp với doanh nghiệp, ông Đàm Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Nhung (Khu công nghiệp Mai Sơn), chia sẻ: Công ty được Ban Quản lý khu công nghiệp tích cực hỗ trợ về các thủ tục mà không mất khoản chi phí không chính thức. Doanh nghiệp nhanh chóng được bàn giao mặt bằng hơn 10.700 m², được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, miễn thuế đất phi nông nghiệp trong 11 năm, hoàn thiện các thủ tục đấu nối điện. Chúng tôi đã đầu tư 19 tỷ đồng để xây dựng xưởng chế biến gỗ, với công suất 2.800 m³/năm, bắt đầu hoạt động năm 2019, tạo việc làm cho 25 công nhân với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.

Cũng đầu tư tại Khu công nghiệp Mai Sơn, ông Lò Thanh Thảo, Giám đốc Chi nhánh Tổng công ty gas Petrolimex - Công ty cổ phần tại Sơn La, cho hay: Chỉ sau 1 năm được tỉnh chấp thuận đầu tư và sự hỗ trợ tích cực của Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh, Công ty đã hoàn thành đầu tư 13 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng 6.000 m² trên tổng số 10.000 m² mặt bằng được bàn giao và đi vào hoạt động, mỗi năm san chiết và tiêu thụ 2.400 tấn gas, doanh thu 35-38 tỷ đồng, nộp ngân sách 3,5 -3,8 tỷ đồng.

Với trách nhiệm trước tỉnh, Ban Quản lý khu công nghiệp tiếp tục tập trung vào 5 nhiệm vụ chính trong công tác cải cách hành chính nói chung và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh: Triển khai đồng bộ, có hiệu quả Đề án cải cách hành chính của Tỉnh ủy; Kế hoạch cải cách hành chính của UBND tỉnh. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý với các sở, ngành trong việc cung cấp dịch vụ hành chính công theo cơ chế “một cửa tại chỗ”.

Chú trọng nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công theo hướng hiện đại, nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Chủ động tìm kiếm các nhà đầu tư mới; hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án đã đầu tư vào khu công nghiệp. Duy trì tổ chức đối thoại về môi trường đầu tư kinh doanh với các nhà đầu tư; thực hiện nhất quán các hỗ trợ đối với nhà đầu tư, thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng, tiếp cận các nguồn lực để phát triển. Quan tâm, đồng hành cùng các nhà đầu tư ngay ở giai đoạn triển khai dự án.

Với sự nỗ lực của Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh trong cải cách hành chính cũng như nâng cao chỉ số cạnh tranh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong các khu công nghiệp của tỉnh, là động lực thiết thực để thu hút các nhà đầu tư đến với Sơn La, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển của tỉnh.

Phạm Đức

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/don-vi-dan-dau-ve-chi-so-ddci-40746