Dồn sức trả nợ tiêu chí nông thôn mới

Dù còn nhiều khó khăn, song các xã cuối cùng về đích nông thôn mới của tỉnh đang cố gắng dồn sức trả nợ các tiêu chí còn thiếu.

Xã Chí Minh đang đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông để kết nối, phát triển kinh tế địa phương

Xã Chí Minh đang đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông để kết nối, phát triển kinh tế địa phương

"Trắng trường chuẩn"

Xã Chí Minh (Tứ Kỳ) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã Đông Kỳ, Tây Kỳ và Tứ Xuyên. Sau sáp nhập, địa bàn rộng, dân cư đông, kinh tế còn nghèo nên Chí Minh gặp rất nhiều khó khăn. 3 cấp học của xã có tới 5 trường, gồm 8 điểm trường nhỏ lẻ. Vì các điểm trường không tập trung nên việc đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn càng thêm khó khăn. Đây cũng là tiêu chí còn nợ duy nhất của xã.

Xác định phải sớm trả nợ tiêu chí còn thiếu, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, xã Chí Minh sử dụng nguồn thu được từ đấu giá đất và nguồn hỗ trợ của tỉnh để đầu tư xây dựng trường học. Để trường THCS đạt chuẩn quốc gia, xã đã xây dựng dãy nhà 3 tầng với 9 phòng, cải tạo trụ sở UBND xã Đông Kỳ cũ thành phòng họp, nhà đa năng… Tổng kinh phí đầu tư hơn 12 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 5 tỷ đồng. Hiện công trình đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng ngay đầu năm học mới. Dự kiến, trong năm nay Trường THCS Chí Minh đạt chuẩn quốc gia và xã hoàn thành việc trả nợ tiêu chí còn thiếu.

Xã Đông Xuyên là một trong những địa phương khó khăn nhất của huyện Ninh Giang. Đây cũng là một trong số ít xã "trắng trường chuẩn". Tại thời điểm được công nhận giữa năm 2021, Đông Xuyên vẫn còn nợ tiêu chí trường học và cơ sở vật chất văn hóa. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng xã quyết tâm hoàn thiện 2 tiêu chí này trong năm nay. Hiện nhà văn hóa trung tâm xã đang được hoàn thiện những phần việc cuối cùng. Các trường học cũng đang được khẩn trương xây dựng. Trường mầm non mới được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm học này thay vì phải học tạm bợ trong các đình, chùa ở các thôn như trước. Chỉ riêng Trường Mầm non xã Đông Xuyên đã đầu tư kinh phí khoảng 22 tỷ đồng. Trường tiểu học và THCS cũng được xây dựng nhà kiên cố, bổ sung phòng học và các công trình phụ trợ. “Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên nên cơ sở vật chất trường học trên địa bàn xã ngày càng hoàn thiện. Địa phương sẽ huy động nguồn lực xã hội hóa để mua sắm trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy”, ông Vũ Văn Kiền, Chủ tịch UBND xã Đông Xuyên nói.

Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, năm 2021, 7 xã cuối cùng của tỉnh đã đạt chuẩn NTM gồm: Kiến Quốc, Đông Xuyên, Vạn Phúc (Ninh Giang), Phượng Kỳ, Tiên Động, Đại Sơn, Chí Minh (Tứ Kỳ). Đây là những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, hầu hết các xã đều còn nợ tiêu chí trường học. Năm 2022, UBND tỉnh đã phân bổ 30 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ các xã hoàn thiện những hạng mục, công trình còn thiếu. Tuy nhiên, ngân sách cấp trên chỉ hỗ trợ một phần, để trả nợ tiêu chí, các xã vẫn phải dựa vào nội lực là chính.

Bước vào năm học mới, cô và trò Trường Mầm non Đông Xuyên được học trong ngôi trường mới thay vì các điểm học nhờ ở đình, chùa như trước

Bước vào năm học mới, cô và trò Trường Mầm non Đông Xuyên được học trong ngôi trường mới thay vì các điểm học nhờ ở đình, chùa như trước

Nâng cao chất lượng tiêu chí

Bên cạnh hoàn thiện cơ sở vật chất trường học, xã Chí Minh cũng đang thực hiện phương án kết nối, nâng cấp các tuyến đường giao thông để phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Chí Minh cho biết: “Phát triển kinh tế là nền tảng để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và mang lại sự hài lòng cho người dân. Xã đã đầu tư nâng cấp 1,5 km đường kết nối từ thôn Đông An, Nam An sang khu vực trung tâm xã; vận động nhân dân hiến đất một số đoạn đường. Xã quy hoạch lại vùng sản xuất rươi cáy ngoài bãi sông, phát triển theo hướng hữu cơ. Địa phương cũng đã có kế hoạch xây dựng trạm y tế, trung tâm văn hóa mới đáp ứng nhu cầu người dân. Với những nỗ lực và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương, trong tương lai, Chí Minh sẽ vươn lên và phát triển trên nhiều lĩnh vực”.

Trả nợ tiêu chí còn thiếu, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được là cách mà nhiều địa phương đang nỗ lực thực hiện. Ông Ngô Tá Điển, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ cho biết, trong 4 xã tốp cuối của huyện về đích NTM có 2 xã sáp nhập nên lại càng khó khăn hơn, nhất là xây dựng cơ sở vật chất. Nhưng không vì vậy mà các xã “giậm chân tại chỗ”. Bên cạnh việc hoàn thiện các chỉ tiêu còn thiếu, xã cũng nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được. Trong đó chú trọng các tiêu chí mềm như thu nhập, y tế, giao thông… nhằm bảo đảm nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Xây dựng NTM là một quá trình, trải qua nhiều giai đoạn với việc huy động nguồn lực lớn. Cùng sự chung tay, góp sức của các cấp chính quyền và người dân địa phương, trên địa bàn tỉnh đã không còn xã nghèo. Tất cả các xã đều đạt chuẩn NTM, nhiều xã đạt NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các xã NTM quyết tâm bảo vệ thành quả, giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt được, xây dựng NTM theo hướng bền vững.

TRẦN HIỀN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep---nong-thon/don-suc-tra-no-tieu-chi-nong-thon-moi-212988