Dồn sức cho chặng đường nước rút

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, không có điểm kết thúc, huyện Thanh Ba đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát, gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực hiện chương trình. Đến thời điểm này, 18/18 xã của huyện đã đạt chuẩn NTM, trong đó hai xã (Thanh Hà, Đồng Xuân) đạt chuẩn NTM nâng cao. Thanh Ba quyết tâm trong năm 2023 đạt chuẩn huyện NTM và có thêm hai xã (Đông Thành, Chí Tiên) đạt chuẩn NTM nâng cao.

Xây dựng nông thôn mới ở Thanh Ba:

Mô hình trồng nho và liên kết sản xuất đang được nhân rộng tại huyện Thanh Ba.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Năm 2010, cùng các địa phương khác trong tỉnh, huyện Thanh Ba bắt đầu triển khai Chương trình xây dựng NTM trong điều kiện đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Trên cơ sở xác định rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ, toàn diện, sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm các chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở cùng sự đồng lòng, chung sức của người dân, chương trình xây dựng NTM đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương và vai trò chủ thể của nhân dân, tạo nên những chuyển động mạnh mẽ.

Công tác tuyên truyền được huyện xác định là giải pháp quan trọng, cần đi sớm, đi trước để cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững, hiểu rõ về mục tiêu, lợi ích mà chương trình xây dựng NTM hướng tới. Huyện phát động Phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; mọi công việc đều được bàn bạc dân chủ, minh bạch, công khai, tạo sự thống nhất cao, thực hiện đến đâu chắc đến đó.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế

Xác định hạ tầng giao thông phải đi trước mở đường để khai mở nền kinh tế và khai phóng tiềm lực, thu hút đầu tư, huyện tập trung thực hiện việc quy hoạch, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường huyện, đường xã kết nối với đường tỉnh, bảo đảm phục vụ vận chuyển, giao thương hàng hóa, phát triển cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Trong đó tập trung vào ba dự án giao thông trọng điểm: Tuyến đường giao thông kết nối từ nút giao km30 cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đến trung tâm huyện Thanh Ba có chiều dài 7,647km, tổng mức đầu tư 250 tỉ đồng; tuyến đường kết nối từ trung tâm huyện đi Cụm công nghiệp Bãi Ba qua tỉnh lộ 314 với nút giao IC9 Cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài 11,019km, tổng mức đầu tư 160 tỉ đồng và tuyến đường kết nối mở rộng thị trấn Thanh Ba đi đường tỉnh 314B, đường tỉnh 314 với khu vực phía Nam của huyện (giai đoạn một) có chiều dài 1,99km, tổng mức đầu tư 90 tỉ đồng. Cùng với đó, huyện tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn, trong năm 2022 các xã đã tiếp nhận 3.145 tấn xi măng làm đường giao thông, đưa tỉ lệ đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt 71%.

Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, huyện đã và đang huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho Cụm công nghiệp Bãi Ba 2, phối hợp với các nhà đầu tư triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng; lập nhiệm vụ quy hoạch Khu công nghiệp Thanh Ba giai đoạn một (1.500ha), trình thẩm định thành lập Cụm công nghiệp Quảng Yên (69,42ha) đồng thời đề xuất bổ sung Cụm công nghiệp Quảng Yên 2 (75ha) và Cụm công nghiệp phía Đông Bắc của huyện (75ha) vào quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Song song với đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, Thanh Ba thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của HĐND tỉnh và huyện về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong năm 2022 đã xây dựng, phát triển được hai dự án liên kết: Dự án sản xuất, tiêu thụ gà trống thiến trên địa bàn xã Quảng Yên; dự án trồng mới, thâm canh, chế biến chè xanh chất lượng cao trên địa bàn xã Chí Tiên và đang chỉ đạo thực hiện mô hình liên kết doanh nghiệp sản xuất khoai tây tại xã Lương Lỗ. Năm qua, huyện cũng đã hoàn thành việc xây dựng website nông sản Thanh Ba quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn huyện có 19 sản phẩm OCOP, trong đó có 11 sản phẩm bốn sao, bảy sản phẩm ba sao và một sản phẩm bốn sao đang trình Trung ương chấm hạng năm sao.

Hoàn thiện, nâng cấp các tuyến giao thông kết nối, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư vào huyện Thanh Ba.

Dồn sức hoàn thành các tiêu chí văn hóa, y tế, giáo dục

Cùng với những khởi sắc mạnh mẽ trên lĩnh vực kinh tế, huyện Thanh Ba đã và đang tiếp tục tập trung hoàn thiện các tiêu chí về văn hóa - xã hội. Trong năm 2022, huyện đã phấn đấu hoàn thành kế hoạch duy trì 16/16 trường học đạt chuẩn quốc gia với tổng kinh phí hơn 57 tỉ đồng; 18/18 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã, tỉ lệ dân số tham gia BHYT ước đạt 92,36%. Đi đôi với tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch & Truyền thông huyện, Thanh Ba cũng là một trong hai huyện đầu tiên của tỉnh ban hành Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ cải tạo, sửa chữa, xây dựng nhà văn hóa khu dân cư giai đoạn 2021-2025 nhằm hoàn thiện thiết chế nhà văn hóa khu dân cư, đảm bảo các hoạt động văn hóa, thể thao, cộng đồng lành mạnh, bổ ích, thiết thực với tổng mức đầu tư 45 tỉ đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 100 triệu đồng/nhà đối với nhà văn hóa đầu tư xây mới, 50 triệu đồng/nhà đối với nhà văn hóa cải tạo, sửa chữa.

Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, huyện đã đầu tư xây dựng bộ phận “Một cửa” hiện đại tại 15/19 xã, thị trấn từ nguồn xã hội hóa với kinh phí hơn bốn tỉ đồng, đồng thời đang tiếp tục hỗ trợ cho bốn xã còn lại để hoàn thiện bộ phận “Một cửa” xong trong năm 2023. Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội, lao động việc làm được quan tâm, thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2022 đạt 45,5 triệu đồng/người, giá trị sản phẩm bình quân trên một ha đất canh tác nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 110 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 5,77%, hộ cận nghèo còn 4,35%... Những tiêu chí, chỉ tiêu, thành quả mà huyện đạt được là sự chung sức, đồng lòng, sáng tạo, vượt khó của Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân trong huyện.

“Có thể khẳng định, chặng đường hơn 11 năm xây dựng NTM của Thanh Ba đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng tự hào. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện luôn xác định xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, tiếp tục nỗ lực không ngừng để ngày càng hoàn thiện hơn, nâng cao hơn chất lượng các tiêu chí đã đạt và hoàn thành các tiêu chí còn thiếu, phấn đấu trong quý I năm 2023 hoàn thiện hồ sơ, đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM”, đồng chí Nguyễn Chí Thành - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba khẳng định.

Đinh Vũ

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/don-suc-cho-chang-duong-nuoc-rut/190673.htm