Dọn nhà chạy… sạt lở

Nhiều năm qua, sông Gianh đoạn chảy qua địa bàn xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình luôn đối mặt tình trạng sạt lở nghiêm trọng

Dọc bờ sông Gianh đoạn qua thôn Yên Tố, xã Phong Hóa, vết sạt lở trượt dài gần 30 m, ăn sâu hơn 10 m vào mép đường trải bê tông. Mặt đường bị rạn nứt, lở từng mảng xuống sông. Người dân cho biết trước đây, con đường này rộng 2,5 m nhưng nay chỉ còn chừng 0,5 m, không ai dám đi lại.

Nhiều nhà dân lo sợ bị sông Gianh "nuốt chửng"

Dẫn chúng tôi ra sau nhà, ông Mai Văn Thái (thôn Yên Tố) cho biết vài tháng trước, bờ sông cách khu vườn ông vài chục mét nhưng nay chỉ còn cách móng nhà hơn 1 m. "Ban đêm, gia đình tôi không ngủ được, trời mưa gió là phải bật dậy đi lánh nạn vì sợ nhà đổ ụp xuống sông" - ông Thái lo âu.

Nhà ông Nguyễn Văn Châu (xóm Đồng Ngang, xã Phong Hóa) cũng bị dòng sông ăn sâu đến vách tường. Ông Châu cho biết sau 2 trận lũ lịch sử vào tháng 10-2016, nhiều diện tích đất vườn của các hộ dân bị trôi xuống sông. Mùa mưa lũ, nhiều người phải khăn gói rút đi tránh trú, không dám ở nhà.

Theo người dân địa phương, ngoài việc ảnh hưởng bởi thiên nhiên, sông Gianh bị sạt lở nghiêm trọng còn do tình trạng khai thác cát quá mức.

Có mặt trên sông Gianh đoạn chảy qua xã Phong Hóa, chúng tôi chứng kiến nhiều tàu thuyền hút cát sát bên khu vực sạt lở. Trên tàu, từng dàn máy với ống hút cỡ lớn cắm sâu xuống lòng sông. Tiếng máy nổ vang inh ỏi. Những tàu thuyền hút cát này là của đơn vị khai thác tư nhân Lưu Thủy, được cấp mỏ cát khai thác vào đầu năm 2015.

Đi dọc sông chừng 2 km, chúng tôi ghi nhận hai bên bờ có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Phía bờ đối diện thôn Yên Tố, một tuyến đê chạy dọc sông cũng bị sạt lở, nhiều diện tích đất trồng hoa màu của người dân bị xâm hại.

Thống kê của UBND xã Phong Hóa cho thấy tình trạng sạt lở đất khiến 14 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Ngoài ra, nhiều hộ sống ven sông cũng đang đối mặt tình trạng này.

Trao đổi với chúng tôi, bà Hồ Thị Bích Hà, Chủ tịch UBND xã Phong Hóa, cho biết xã đã kiến nghị với các ban, ngành chức năng về tình trạng sạt lở nghiêm trọng này. Sau đó, các đoàn đã về khảo sát, thăm dò địa chất, xác định nguyên nhân ban đầu là do lòng sông Gianh rộng với độ dốc cao tạo nên dòng chảy mạnh gây áp lực. Vì thế, khi lũ tràn về thì ảnh hưởng trực tiếp, gây xói mòn, sạt lở bờ sông. Đoàn khảo sát đánh giá việc khai thác cát trên sông "không ảnh hưởng" đến tình trạng sạt lở.

Theo bà Hà, trước sự xâm thực nặng nề của sông Gianh, đoàn công tác đã lên phương án xây kè chống sạt lở và sắp tới sẽ triển khai.

Bài và ảnh: Minh Tuấn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/don-nha-chay-sat-lo-20170514221741161.htm