Dồn ép voi rừng đến đường cùng

Kết quả khảo sát năm 2009 cho thấy, đàn voi rừng ở Tây Nguyên có khoảng 83 - 110 cá thể, khá lạc quan so với đợt khảo sát năm 2004.

Nhưng môi trường sống, thức ăn, nước uống của voi hoang dã đã bị thu hẹp một cách đáng báo động. Đây là nguyên nhân làm xung đột đang trở nên căng thẳng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của cả người lẫn đe dọa sự bảo tồn bền vững cho những con voi hoang dã cuối cùng của rừng núi Tây Nguyên.

Dự án bảo tồn voi của UBND tỉnh Đắc Lắc triển khai với tiến độ chậm chạp.

Năm 2004, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã khảo sát các quần thể voi hoang dã tại Việt Nam và xác định có khoảng 76 - 94 cá thể. Còn kết quả khảo sát năm 2009 của nhóm nghiên cứu ĐH Tây Nguyên cho thấy, số lượng voi rừng ở Đắc Lắc nhiều hơn, dao động từ 83 - 110 cá thể. Sự khác biệt này có thể do số lượng voi rừng Đắc Lắc gia tăng nhờ sinh sản tự nhiên và di chuyển từ Campuchia về Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn.

Trong đó, khu vực VQG Yok Đôn có khoảng 56 - 63 cá thể, lâm phần Cty lâm nghiệp Ea H’Mơ và Cty lâm nghiệp Ya Lốp 24 - 42 cá thể, Cty lâm nghiệp Chư Phả 4 - 5 cá thể. Nhưng theo PSG-TS Bảo Huy, điều đáng lo ngại là trong số voi nói trên, voi non dưới 5 tuổi chỉ có khoảng 7 - 10 con, đây là thách thức lớn đối với bảo tồn bền vững voi hoang dã.

Giải thích về số voi non quá ít, theo TS Cao Thị Lý - ĐH Tây Nguyên - không loại trừ khả năng sinh sản thấp là do môi trường sống bị thu hẹp ở mức báo động. Vài năm gần đây, các đàn voi hoang dã - nhất là voi rừng ở huyện Ea Súp - thường xuyên phá hoại cây trồng, vào tận nhà đe dọa người dân các xã Ia R’Vê, Ia J’Lơi và Ya Lốp.

“Cường độ xuất hiện và không ngại gặp người của voi hoang dã đã thể hiện mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa sự chuyển đổi rừng lấy đất canh tác với việc mất dần nơi sinh sống của voi. Điều này ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân lẫn voi hoang dã và đe dọa bảo tồn bền vững” - TS Cao Thị Lý nhận xét.

Ỳ ạch bảo tồn voi

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động khẩn trương đến năm 2010 để bảo tồn voi tại Quyết định số 733/2006/QĐ-TTg ngày 16.5.2006. Tuy nhiên, quyết định bảo tồn voi của Thủ tướng đã bị UBND tỉnh Đắc Lắc hiểu nhầm thành dự án... phát triển du lịch, nên giao cho Sở Thương mại và Du lịch trước đây triển khai. Do sở này không có chuyên môn về bảo tồn động vật hoang dã nên sau một thời gian lúng túng, “kế hoạch hành động khẩn trương” lại quay về điểm xuất phát.

Mãi đến ngày 26.10.2010, dự án bảo tồn voi giai đoạn 2010 - 2015 mới được UBND tỉnh phê duyệt với mục tiêu quản lý bền vững quần thể voi hoang dã, phát triển đàn voi nhà, giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số gắn với voi... Các giải pháp cơ bản là thành lập trung tâm bảo tồn voi, đào tạo cán bộ chuyên sâu, xây dựng bệnh viện voi, nghiên cứu sinh sản cho voi nhà, quản lý và bảo vệ môi trường sống cho voi hoang dã... Dự án có tổng vốn đầu tư 61 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương 40,2 tỉ, ngân sách địa phương 13,9 tỉ, còn lại là các tổ chức quốc tế.

Ngày 27.10, chúng tôi đến Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc - trong khuôn viên nhà khách VQG Yok Đôn ở TP.Buôn Ma Thuột. Giám đốc Huỳnh Trung Luân cho biết: “Sắp tới chúng tôi mới xây dựng trụ sở làm việc, bệnh viện voi trong diện tích 200ha tại VQG Yok Đôn, đào tạo cán bộ, hoàn thiện chính sách nhằm khuyến khích đưa voi nhà vào trung tâm... Còn hiện tại, chúng tôi mới có bộ khung gồm giám đốc và 5 nhân viên, 2 phòng thuê của nhà khách VQG Yok Đôn nên chưa làm gì được. Sắp bước sang năm 2012 rồi, mà dự án thực hiện từ 2010 - 2015, tiến độ như vậy là chậm”.

Để bảo tồn voi hoang dã, vấn đề sống còn là duy trì habitat (môi trường sống) của chúng thì hiện UBND tỉnh Đắc Lắc chưa thể hiện rõ quyết tâm. Trong hàng trăm nghìn hécta rừng ở Buôn Đôn và Ea Súp, chỉ có VQG Yok Đôn và BQL rừng phòng hộ Buôn Đôn ít bị tác động. Còn lại đều là rừng tự nhiên sản xuất của các Cty lâm nghiệp Ea H’Mơ, Ya Lốp - khu vực sinh sống của nhiều voi rừng.

PSG-TS Bảo Huy băn khoăn: “Nếu tiếp tục quy hoạch diện tích này vào rừng sản xuất, rất khó khăn cho bảo tồn voi hoang dã. Trong khi gỗ đã hết từ lâu, việc chuyển đổi rừng khộp với đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt chưa chắc mang lại hiệu quả kinh tế; nhưng tại quyết định phê duyệt dự án bảo tồn voi, phương án chuyển đổi các công ty lâm nghiệp này sang bảo tồn voi hay tiếp tục khai thác vẫn chưa ngã ngũ”.

Đặng Trung Kiên

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/don-ep-voi-rung-den-duong-cung/64788