Đồn đoán và hệ lụy xung quanh vụ rơi trực thăng chở Tổng thống Iran

Sự ra đi đột ngột của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi có thể không chỉ gây ra một cuộc tranh giành quyền lực ở Tehran, mà còn có những tác động đáng kể đối với khu vực.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã qua đời ở tuổi 63. (Nguồn: The New Times)

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã qua đời ở tuổi 63. (Nguồn: The New Times)

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, người nổi tiếng với lập trường cứng rắn và có mối quan hệ chặt chẽ với Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, đã qua đời ở tuổi 63 trong một vụ tai nạn trực thăng.

Tổng thống Raisi cùng Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian và các quan chức nước này đã thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay trực thăng ngày 19/5 ở khu vực Tây Bắc Iran khi đang trên đường trở về sau chuyến thăm biên giới với Azerbaijan.

Giả thuyết và những tác động tới khu vực

Vụ tai nạn đã làm dấy lên những đồn đoán và đặt ra câu hỏi về các tình huống xung quanh vụ việc. Trong bối cảnh người dân Iran đang đối mặt với việc mất một nhà lãnh đạo, đám mây đen dự báo bất ổn phía trước bao trùm đất nước, với những tác động có thể lan rộng khắp Trung Đông.

Theo giới quan sát, sự qua đời đột ngột của Tổng thống Raisi có thể không chỉ gây ra một cuộc tranh giành quyền lực gay gắt ở Iran, mà còn có những tác động đáng kể đối với khu vực. Trong bối cảnh căng thẳng và xung đột leo thang, sự thiếu vắng bất ngờ của một nhân vật chính trị chủ chốt như ông Raisi có thể phá vỡ sự cân bằng quyền lực mong manh ở Iran và hơn thế nữa.

Mặc dù đã có những lời giải thích chính thức về vụ tai nạn là do điều kiện thời tiết xấu, bao gồm mưa và sương mù làm cản trở tầm nhìn trong suốt chuyến bay, nhưng cũng xuất hiện những đồn đoán về khả năng mưu sát.

Trong bối cảnh lãnh đạo Iran đang phải đối mặt với những thách thức ở cả bên trong và bên ngoài, các câu hỏi đặt ra về sự dính líu tiềm tàng của các kẻ thù trong nước hoặc thậm chí các tác nhân bên ngoài.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giả thuyết về sự liên quan của các nước khác với vụ việc khó có thể xảy ra. Lý do là việc ám sát một tổng thống đương nhiệm sẽ là một hành động tuyên chiến trực tiếp, có thể dẫn đến phản ứng gay gắt của Iran - quốc gia có khả năng răn đe hạt nhân.

Theo The Economist, các quốc gia đối thủ của Iran “không bao giờ đi xa đến mức ám sát một nguyên thủ quốc gia - một hành động chiến tranh rõ ràng có thể gây ra phản ứng dữ dội của Iran”.

Tuy nhiên, thời điểm xảy ra vụ tai nạn này đã làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực. Mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm của Iran trên khắp Lebanon, Syria, Iraq và Yemen làm phức tạp thêm bối cảnh địa chính trị, đặc biệt là với cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas. Do vậy, mọi sự bất ổn trong giới lãnh đạo Iran đều có thể khuyến khích các nhóm này, có thể dẫn đến xung đột lan rộng hơn.

Phó Tổng thống thứ nhất Iran Mohammad Mokhber dự kiến trở thành Tổng thống lâm thời. (Nguồn: AFP)

Phó Tổng thống thứ nhất Iran Mohammad Mokhber dự kiến trở thành Tổng thống lâm thời. (Nguồn: AFP)

Tương lai của Iran

Ông Raisi được coi là người được Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei bảo trợ và là người kế nhiệm tiềm năng cho vị trí Lãnh tụ tối cao Iran trong chế độ thần quyền dòng Hồi giáo Shi’ite của đất nước.

Điều 131 Hiến pháp Iran quy định về trường hợp tổng thống mất năng lực hoặc qua đời khi đương chức rằng, nếu Tổng thống đương nhiệm qua đời, Phó Tổng thống thứ nhất (hiện nay là ông Mohammad Mokhber) sẽ lên nắm quyền, với sự xác nhận của Lãnh đạo tối cao (người có tiếng nói cuối cùng về mọi vấn đề nhà nước ở Iran); Hội đồng gồm có Phó Tổng thống thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội và người đứng đầu cơ quan tư pháp phải tổ chức bầu cử tổng thống mới trong thời gian tối đa là 50 ngày.

Một ngày sau vụ tai nạn, Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei đã bảo đảm với người dân rằng sẽ “không có sự gián đoạn nào đối với hoạt động của đất nước”.

Ông Raisi được bầu làm Tổng thống Iran vào năm 2021 và theo thời gian biểu thông thường, cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào năm 2025. Tuy nhiên với tình huống bất ngờ hiện nay, theo các quy định của Hiến pháp, giờ đây cuộc bầu cử này sẽ diễn ra vào đầu tháng 7 tới.

Ông Mohammad Mokhber, 68 tuổi, hiện là Phó Tổng thống thứ nhất của Iran vào năm 2021 sau khi ông Raisi đắc cử tổng thống. Theo Hiến pháp của nước này, ông Mokhber sẽ trở thành Tổng thống lâm thời sau sự ra đi đột ngột của ông Raisi.

Ông Mokhber cũng được coi là thân cận với Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei. Trước đây, ông Mokhber từng là người đứng đầu Setad, quỹ đầu tư có liên hệ với vị Lãnh đạo tối cao.

Theo Reuters, ông Mokhber từng là thành viên của nhóm quan chức Iran đã đến thăm Moscow hồi tháng 10/2023, đồng ý cung cấp tên lửa đất đối đất và nhiều máy bay không người lái hơn cho quân đội Nga.

Năm 2010, Liên minh châu Âu (EU) từng đưa ông Mokhber vào danh sách các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt do cáo buộc liên quan “các hoạt động tên lửa đạn đạo hoặc hạt nhân". Hai năm sau, EU đưa ông ra khỏi danh sách này.

(theo Reuters, TXH, AP, The Economist)

Quang Hiếu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/don-doan-va-he-luy-xung-quanh-vu-roi-truc-thang-cho-tong-thong-iran-271960.html