Đón đầu cơ hội, ông chủ bút bi Thiên Long dựng cơ đồ hàng nghìn tỷ đồng

Tính đến hết phiên giao dịch ngày 25/8, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long (mã chứng khoán: TLG) có vốn hóa hơn 4.200 tỷ đồng.

Trang web của Tập đoàn Thiên Long. Ảnh chụp màn hình: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Bút bi Thiên Long là nhãn hiệu không xa lạ gì với giới học sinh, sinh viên và những người làm việc văn phòng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chủ thương hiệu bút bi Thiên Long - vốn hóa hàng nghìn tỷ đồng, ông Cô Gia Thọ có xuất phát điểm là đạp xe bán dạo bút bi. Ông Thọ đã thành công rực rỡ, trở thành ông chủ lớn, “vua bút bi” của Việt Nam, nhờ ý trí và nhạy bén đón đầu xu hướng.

Trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long (mã chứng khoán: TLG), ông Cô Gia Thọ đã trải qua khoảng thời gian vất vả nắng mưa, đạp xe bán bút bi dạo để biến một cơ sở sản xuất nhỏ chỉ với 20 nhân công, thành một tập đoàn lớn về văn phòng phẩm.

Ông Cô Gia Thọ sinh năm 1958 tại Tp. Hồ Chí Minh, là con đầu trong một gia đình gốc Hoa có hơn 10 người con, có nguyên quán Quảng Đông (Trung Quốc).

Khi đang học cấp 3, ông Thọ dừng việc học hành để phụ giúp cha mẹ bằng cách bán vé số, thuốc lá… sau này lớn hơn thì làm công nhân điện cơ tại Quận 6. Năm 1981, ông Thọ mưu sinh bằng công việc bán bút bi dạo.

Thời đó thị trường Việt Nam và Campuchia chỉ có bút bi Thái Lan. Bút bi sau khi sử dụng tiếp tục được bơm mực vào tái sử dụng. Thấy tiềm năng, ông Thọ mua các bộ phận của bút bi về lắp ráp và bán lại.

Sau 4 năm, gia đình ông Thọ tích cóp được 2 chỉ vàng và mua được một chiếc máy ép nhựa bằng tay để sản xuất chiếc bút bi đầu tiên có tên Vũ Trụ, sau đó được đổi thành Thăng Long và cuối cùng là Thiên Long. Ông Thọ từng chia sẻ, đó là một quá trình dài khó khăn.

Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long tiền thân là Cơ sở bút bi Thiên Long được , ông Cô Gia Thọ thành lập năm 1981. Năm 1996, Cơ sở bút bi Thiên Long chuyển đổi thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Thiên Long.

Tháng 3 năm 2005, Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Thiên Long chính thức chuyển đổi thành Công ty cổ phần sản xuất thương mại Thiên Long với vốn điều lệ là 100 tỷ đồng. Năm 2010, doanh nghiệp chính thức niêm yết tại HOSE với mã TLG.

Hiện doanh nghiệp được coi như một “đế chế” trong ngành sản xuất, kinh doanh văn phòng phẩm. Vốn hóa thị trường hiện vào khoảng 4.300 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long là nhà sản xuất văn phòng phẩm hàng đầu Việt Nam với sản phẩm đa dạng, bao gồm bút viết, dụng cụ văn phòng, dụng cụ học tập, và dụng cụ mỹ thuật. Hiện đại gia văn phòng phẩm này nắm 60% thị trường bút viết trong nước và đang đẩy mạnh xuất khẩu.

Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long hiện hợp tác với Newell Brands, công ty dẫn đầu ngành tiêu dùng toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, kể từ đầu năm 2019

Về hoạt động kinh doanh, sau năm 2022 “bội thu”, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long lên kế hoạch kinh doanh 2023 với doanh thu tăng trưởng dương và lợi nhuận gần như đi ngang so với thực hiện năm 2022.

Ông Cô Gia Thọ cho biết, góp một nét vẽ tươi sáng cho tình hình kinh tế Việt Nam năm 2022, Tập đoàn Thiên Long nhanh chóng bước ra khỏi “bóng đen đại dịch” và chuyển mình mạnh mẽ trên vị thế dẫn đầu. Tập đoàn cán mốc doanh thu thuần 3.521 tỷ đồng tăng 32% với lợi nhuận đạt 401 tỷ đồng, tăng 45% so với năm trước đó.

Kết quả đạt được trong năm 2022 lập mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty, bất chấp việc quý IV/2022, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế gần 3 tỷ đồng trong bối cảnh thị trường quốc tế gặp nhiều khó khăn và tỷ giá biến động mạnh.

Đến quý II/2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long báo lãi quý II/2023 hơn 168,2 tỷ đồng, giảm 9,3% so với thực hiện của quý 2 năm ngoái.

Nhờ ý trí và nhạy bén đón đầu xu hướng, ông Cô Gia Thọ xây dựng thành công "đế chế" văn phòng phẩm vốn hóa 4.200 tỷ đồng. Ảnh: Thiên Long

Trong văn bản giải trình chênh lệch lợi nhuận, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long cho biết, công ty đã đẩy mạnh đầu tư vào đội ngũ nhân sự nhằm chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai, đầu tư cho phát triển thương hiệu...dẫn đến chi phí hoạt động trong kỳ tăng lên khiến lợi nhuận sau thuế giảm so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Thiên Long ghi nhận doanh thu 1.987,8 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 10,6%, từ hơn 300 tỷ đồng xuống còn 268,2 tỷ đồng.

Trong năm 2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long đặt kế hoạch tổng doanh thu là 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế là 400 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này hoàn thành được 67% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Thiên Long tại ngày 30/6/2023 ghi nhận con số 3.031,4 tỷ đồng, tăng 5,6% so với đầu năm. Chiếm phần lớn là 2.286,6 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, bao gồm 361,2 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền; 262 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn; 834,1 tỷ đồng hàng tồn kho và gần 728 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn...

Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả của công ty tăng 13% so với cuối năm 2022, lên 1.028,8 tỷ đồng, chủ yếu là hơn 933 tỷ nợ ngắn hạn; trong đó, 295,6 tỷ đồng vay ngắn hạn; 209,2 tỷ đồng phải trả bán người bán ngắn hạn; 155,6 tỷ đồng cổ tức phải trả...

Về tình hình kinh doanh, năm 2022, Thiên Long đã thực hiện nhiều chiến dịch tái định vị cho hầu hết các thương hiệu như ColoKit, Thiên Long, Bizner và mang về hiệu quả tích cực.

Việc tái định vị đã giúp Tập đoàn Thiên Long giải được bài toán động lực tăng trưởng cho các sản phẩm khi dư địa thị phần không còn quá nhiều cũng như tạo lợi thế cạnh tranh đối với các đối thủ nước ngoài vốn đang đẩy mạnh thâm nhập thị trường.

Định hướng trong năm nay, Thiên Long sẽ tập trung nâng cao thương hiệu dụng cụ văn phòng phẩm FlexOffice và ColoKit; mở rộng kênh phân phối và danh mục sản phẩm xuất khẩu vào các thị trường chính khu vực Đông Nam Á, thông qua việc phát triển các điểm bán mới cũng như đẩy mạnh phát triển thêm nhiều mã sản phẩm lưu kho tại mỗi điểm bán và các thị trường quốc tế châu Âu, châu Phi và Trung Đông.

Chuyên viên phân tích Bùi Xuân Vĩnh, tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap cho rằng, Nhu cầu văn phòng phẩm đã được phục hồi. Theo Thiên Long, thị trường chỉ bị ảnh hưởng bởi việc giảm lượng hàng dự trữ và đầu tư tại các điểm bán chứ không phải do nhu cầu yếu hơn của người tiêu dùng đầu cuối do văn phòng phẩm là sản phẩm thiết yếu.

Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap dự báo doanh thu của Thiên Long sẽ tăng 13% trong năm 2023 trước khi tăng 17% vào năm 2024 và 2025 nhờ những nỗ lực tăng cường tối ưu hóa sản phẩm và thương hiệu.

Biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức cao, được hỗ trợ bởi giá nhựa đầu vào yếu và cải thiện cơ cấu doanh thu.

Chứng khoán Vietcap dự phóng biên lợi nhuận gộp năm 2023 là 43,3% — không đổi so với mức cơ sở cao của năm 2022. Điều này tương ứng dự báo tăng trưởng từ 42% trong 4 tháng đầu năm 2023 do Thiên Long sẽ được hưởng lợi từ giá nhựa đầu vào thấp hiện nay.

Giá nhựa HDPE đầu vào đã giảm so với đầu năm và thấp hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Thiên Long cũng có kế hoạch giảm các dòng sản phẩm trading kém hiệu quả, điều này sẽ giúp hỗ trợ biên lợi nhuận gộp của công ty.

Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap kỳ vọng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (SG&A)/doanh thu sẽ duy trì ở mức 30%, do công ty cần nhân sự và chi phí tiếp thị để chuẩn bị cho đà tăng trưởng trong tương lai.

Ban lãnh đạo có kế hoạch tiếp tục chi mạnh tay cho hoạt động tiếp thị so với trước năm 2022. Trong năm 2022, TLG đã tích cực triển khai các hoạt động khuyến mãi và quảng cáo để hỗ trợ bán hàng trước mùa tựu trường và tận dụng nhu cầu bị dồn nén do các đợt giãn cách xã do dịch COVID-19 vào năm 2021.

Hiện tại, Thiên Long đang tuyển dụng nhân viên kinh doanh, triển khai diện mạo mới chuẩn hóa và hiện đại hóa cho các cửa hàng của nhà phân phối, đồng thời giới thiệu chuỗi bán lẻ văn phòng phẩm Clever Box./.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/don-dau-co-hoi-ong-chu-but-bi-thien-long-dung-co-do-hang-nghin-ty-dong/304316.html